Doanh nghiệp đề nghị Chính phủ rút ngắn lộ trình giảm thuế
Các DN đề nghị thực hiện phương châm khoan sức cho DN, tạo điều kiện cho DN có thể trụ vững và phục vụ trong thời gian 2 – 3 năm trước mắt. Theo phương châm này, đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội rút ngắn lộ trình giảm thuế thu nhập DN xuống 20% với DN lớn và 18% với DN nhỏ và vừa.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014 diễn ra sáng nay (28/4), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Hôm nay, chúng ta ngồi đây để Chính phủ cùng cả cộng đồng DN bàn đưa ra giải pháp, biện pháp, tạo mọi thuận lợi cho DN phát triển ổn định, hoạt động hiệu quả. Chính phủ và DN cũng cùng nhau làm rõ, phân tích những tồn tại, khó khăn để có giải pháp kịp thời, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của DN để cộng đồng DN, nhất là DN vừa và nhỏ cùng các hộ kinh doanh phát triển, đóng góp hơn nữa vào kinh tế - xã hội của đất nước”.
Tham gia sự kiện này, ngoài sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, còn có 4 Phó Thủ tướng, 9 Bộ trưởng và 2 chủ tịch UBND TP Hà Nội, TPHCM; cùng hơn 400 doanh nghiệp. Trong đó, có 20 DN Nhà nước (DNNN), 70 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và hơn 300 DN vừa và nhỏ. Hội nghị cho thấy quyết tâm hành động của Chính phủ trong việc hỗ trợ DN nước nhà vượt qua khó khăn, hồi phục để tăng trưởng trở lại. Hội nghị được xem như “hội nghị Diên Hồng” của giới doanh nhân cả nước để DN có thêm niềm tin, hướng đi và động lực mới.
Báo cáo tình hình hoạt động của DN nước nhà, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho biết, xu hướng tăng trưởng liên tục của DN ngắt quãng kể từ năm 2012 khi nền kinh tế bước vào giai đoạn khó khăn. Số lượng DN thành lập mới giảm từ 83.600 DN năm 2010 xuống còn 77.500 DN năm 2011, tiếp đó giảm 69.800 DN năm 2012, giảm 13.800 DN trong 2 năm. Trong quý I/2014, cả nước có 18.000 DN mới thành lập, với số vốn đăng ký gần 98.000 tỉ đồng. Song cũng thời gian này có gần 17.000 DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Đông, mặc dù số lượng DN đăng ký thành lập mới năm 2013 và quý I/2014 có dấu hiệu tăng trở lại so với năm 2012, nhưng số vốn đăng ký chỉ đạt 398.681 tỉ đồng, giảm 14,7% so với năm 2012 và giảm sâu 513.700 tỉ đồng năm 2011.
Thay mặt cộng đồng DN, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam đã nêu các nhóm vấn đề lớn doanh nghiệp kiến nghị với Chính phủ.
Vấn đề đầu tiên là về hệ thống pháp luật kinh doanh. Các doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục đổi mới để bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của DN. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN trong việc thành lập, thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh và rút khỏi thị trường.
Các DN cũng đề nghị có biện pháp khuyến khích các đơn vị kinh doanh phi chính thức chuyển thành doanh nghiệp và hoạt động trong khu vực chính thức để đảm bảo minh bạch, bài bản và góp phần tăng nhanh số lượng doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, hướng tới mục tiêu nước ta có 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả trong thời gian tới.
Cần sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư theo hướng thông thoáng hơn nữa, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Doanh nghiệp cũng đề nghị bỏ yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư.
Đồng thời với việc bảo đảm khung khổ pháp luật bình đẳng giữa DNNN với DN thuộc mọi thành phần kinh tế quy định trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Đề nghị ban hành Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh để chế định các điều kiện pháp luật bảo đảm quyền sở hữu và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước, bảo đảm DNNN chỉ hoạt động trong những ngành nghề cần thiết do Nhà nước qui định.
Cùng với đó, cộng đồng DN ngoài quốc doanh cũng đề nghị Quốc hội ban hành Luật DN nhỏ và vừa, Chính phủ có các chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ, tạo điều kiện để các đơn vị kinh doanh phi chính thức chuyển thành pháp nhân doanh nghiệp và trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có tiềm năng phát triển thành DN vừa và lớn.
Các DN đề nghị thực hiện phương châm khoan sức cho DN, tạo điều kiện cho DN có thể trụ vững và phục vụ trong thời gian 2 – 3 năm trước mắt. Theo phương châm này, đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội rút ngắn lộ trình giảm thuế thu nhập DN xuống 20% với DN lớn và 18% với DN nhỏ và vừa. Xem xét giảm thuế giá trị gia tăng cho một số ngành hàng. Rà soát, bãi bỏ các loại phí không còn phù hợp, chuyển một số loại phí thực hiện theo chế độ giá dịch vụ, chấn chỉnh hoạt động thu phí và lệ phí trái quy định, giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Tiến tới xây dựng Luật phí và lệ phí thống nhất. Thời gian qua, theo phản ánh của các doanh nghiệp, mặc dù nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp có giảm bớt nhưng các loại phí, lệ phí và các khoản đóng góp lại tăng cộng thêm tình trạng tận thu của cơ quan thuế đã làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của DN.
Cũng theo phản ánh của các DN, để được hưởng các khoản ưu đãi về thuế, DN phải vượt qua các thủ tục và điều kiện rất phức tạp cho nên khó thực thi. Đề nghị nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục và điều kiện để các biện pháp ưu đãi cho DN có thể đi vào cuộc sống.
Đề nghị cải thiện tín dụng
Các DN đề nghị cần được tiếp tục tháo gỡ theo hướng cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng cho DN. Thời gian qua, Chính phủ đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát, đồng thời các ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay. Lãi suất đã xuống tương đối thấp trong tương quan với mức lạm phát kỳ vọng (đặc biệt là các chương trình cho vay ưu đãi). Tuy nhiên, do chưa xử lý được vấn đề nợ xấu và điều kiện cho vay còn ngặt nghèo, nên nhiều doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được vốn ngân hang và nhất là không thể tiếp cận được với mức lãi suất quy định vì phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức.
Để cải thiện tình hình này, đề nghị tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, mở rộng bảo lãnh tín dụng qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và mạng lưới Quỹ bảo lãnh tín dụng cần được tổ chức ở tất cả các địa phương, mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua hệ thống đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp, cho vay theo kế hoạch sản xuất kinh doanh chứ không chỉ dựa vào tài sản thế chấp. Khẩn trương đưa Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động, phát triển các qũy đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư tư nhân, quỹ tiên phong…
Chính phủ cũng cần cân nhắc các kế hoạch phát hành trái phiếu để tạo áp lực buộc các ngân hàng phải tìm biện pháp đẩy mạnh cho vay đối với khu vực doanh nghiệp. Khuyến khích các ngân hàng thương mại dành tỷ lệ tín dụng thích đáng cho vay đối với khu vực DN nhỏ và vừa.
Ngoài những hạn chế về quyền kinh doanh các DN FDI được quy định theo các điều ước quốc tế về mở cửa thị trường, các DN đề nghị phải bảo đảm trên thực tế sự bình đẳng của khu vực DN nhỏ và vừa tư nhân với các DN nhà nước, các DN lớn và khu vực FDI trong tiếp cận các nguồn lực, đất đai, tín dụng, các dự án đầu tư công và mua sắm công. Mặc dù luật pháp, chính sách không có sự phân biệt, nhưng có sự phân biệt trên thực tiễn đã hạn chế cơ hội phát triển của khu vực DN nhỏ và vừa tư nhân trong nước.
DN đề nghị tăng cường công tác thông tin và tham vấn DN trong tiến trình đàm phán, tham gia các điều ước quốc tế đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để có được sự tham gia và chuẩn bị tốt nhất từ phía cộng đồng DN. Bên cạnh các nỗ lực mở cửa, thâm nhập thị trường thế giới rất cần quan tâm thỏa đáng tới việc bảo vệ thị trường nội địa, thực hiện những biện pháp phòng vệ thương mại cần thiết như biện pháp chống bán phá giá, hàng rào vệ sinh dịch tễ, quy tắc xuất xứ… để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Hiện nay, công việc này theo nhận định của DN đang là khâu rất yếu.
Phải triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả các hiện tượng gian lận thương mại, đặc biệt là tình trạng buôn lậu qua biên giới, tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI. Xem xét sửa đổi quy chế mậu dịch tiểu ngạch để ngăn chặn làn sóng hàng nhập lậu cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là của khu vực DN nhỏ và vừa.
Nguyễn Hoàng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo