Thị trường

Doanh nghiệp dồn dập về làng

Chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ, tăng thu nhập cho nông dân, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, giảm áp lực cho đô thị là những kết quả bước đầu của mô hình “Đưa doanh nghiệp về các khu vực nông thôn” ở Nam Định.

Chỉ sau một thời gian ngắn, hàng chục nghìn lao động nông thôn của Nam Định vừa có việc làm ổn định, vừa không phải rời xa quê.

 

Lời giải cho "ly nông bất ly hương"



Đã có hơn 50 doanh nghiệp dệt may trong, ngoài tỉnh Nam Định và nước ngoài đầu tư xây dựng nhà xưởng, gắn bó lâu dài với địa bàn nông thôn. Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư về địa bàn nông thôn. Theo đó, nếu đầu tư về cụm công nghiệp huyện, doanh nghiệp được hỗ trợ 50% vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

 

Về xã Trực Nội, huyện Trực Ninh, chúng tôi được ông Nguyễn Đức Chế - Bí thư Chi bộ xã dẫn đi thăm xưởng may của Công ty TNHH Thành Trung, đóng ngay sau trụ sở UBND xã.

 

Sự phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của ông Chế, bởi từ khi xã có xưởng may này, 120 con em trên địa bàn xã đã có việc làm. Công ty gần nhà, đi làm về trong ngày, nên công nhân tiết kiệm được chi phí đi lại, ăn ở, đời sống ổn định.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy, ông Bùi Ngọc Thành- Giám đốc Công ty TNHH Thành Trung kể lại: "Công ty được thành lập năm 2008, chuyên may quần thể thao xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và các nước châu Âu.

 

Lúc đầu, công ty chỉ có 60 đầu máy, nên không đáp ứng đủ nhu cầu việc làm cho người dân. Năm 2010, công ty đầu tư thêm 70 đầu máy và hiện đang tạo việc làm cho hơn 120 lao động".

 

Thu nhập trung bình mỗi tháng của công nhân tại đây đạt 2,5 - 4 triệu đồng/người. "Hầu hết các công nhân vào làm tại công ty đều được đào tạo miễn phí trong 3 tháng đầu, được hưởng 80% lương. Hiện 80% công nhân của nhà máy là con em trong xã, còn lại là các xã lân cận" - ông Thành cho hay.

 

Không chỉ góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nông dân trong vùng, xưởng may của Công ty Thành Trung còn "lôi kéo" được các con em của xã đang đi làm xa trở về quê hương.

 

Chị Trương Thị Mến ở thôn Ngọc Đông, xã Trực Nội, từng làm công nhân may bảy năm trong Bình Dương, lương cũng chỉ 2 - 3 triệu đồng/tháng, lại phải chi đủ thứ tiền ăn ở, đi lại, nhiều dịp Tết bị công ty nợ lương, giá vé tàu xe lại đắt nên không có tiền về quê.

 

Năm 2009, chị về quê, xin vào Công ty Thành Trung. Chị Mến vui mừng: "Lương của mình làm ở đây được từ ba đến bốn triệu đồng/tháng, chi tiêu rồi mỗi tháng cũng dành ra được hơn hai triệu đồng. Hết giờ làm ở nhà máy về nhà, làm thêm nhiều việc khác, không phải lo thuê nhà cửa, đi lại như hồi làm trong miền Nam nữa".



Đặc điểm của may công nghiệp là sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là lao động nữ. Trong các khu công nghiệp hiện nay, các nhà máy có quy mô hàng chục nghìn công nhân đều chủ yếu sử dụng lao động di cư từ nông thôn ra thành thị. Một vấn đề lớn đặt ra là đời sống của người lao động khi ra thành phố làm việc gặp rất nhiều khó khăn phát sinh, từ chi phí thuê nhà ở, chi phí sinh hoạt, đi lại tăng cao cộng với nhiều rủi ro khi phụ nữ phải sống xa nhà. Sau một năm làm việc, thu nhập tích lũy của họ không được bao nhiêu. Do vậy, lao động nông thôn đang có xu hướng muốn quay trở về quê làm việc và họ thật sự có nhu cầu, mong muốn được làm việc trên chính mảnh đất mình sinh ra

Ông Vũ Đức Hải - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Hải Đường

 

Hấp dẫn các doanh nghiệp dệt may

 

Chưa khi nào, không khí "kéo" nhau về... quê của các doanh nghiệp ở Nam Định lại dồn dập, nhộn nhịp như ở thời điểm này. Từ huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường đến Hải Hậu, Nghĩa Hưng... vốn là những mảnh đất thuần nông giờ đã "mọc" lên các nhà máy may.

 

Trong số các doanh nghiệp này, có thể kể đến Công ty Cổ phần May Sông Hồng, khi công ty này đã đầu tư cùng lúc hai xưởng may tại xã Hải Phương, huyện Hải Hậu và cụm công nghiệp Xuân Trường, giải quyết việc làm cho 4.000 lao động.

 

Công ty Cổ phần Thúy Đạt cũng đầu tư nhà máy dệt may tại huyện Nam Trực thu hút 1.000 lao động vào làm việc và đang triển khai một dự án 20ha tại khu công nghiệp Bảo Minh có thể giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động khác.

 

Ông Nguyễn Phùng Hoan- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nam Định cho biết: "Đưa doanh nghiệp về làng là một trong những giải pháp hiệu quả để chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, theo phương thức "ly nông bất ly hương".

 

Ông Hoan cho rằng, hiệu quả của giải pháp này là khi nông dân trở thành công nhân ngay trên quê hương mình sẽ tiết kiệm được chi phí thuê nhà, ăn ở, có vốn để tích lũy, giảm áp lực cho thành phố... Ngoài ra, nông dân vẫn có thể tham gia việc đồng áng khi cần, duy trì được quan hệ gia đình, họ hàng, láng giềng.

 

Để cụ thể hóa chủ trương này, Nam Định đã tổ chức nhiều hội nghị với các doanh nghiệp trên địa bàn và các tỉnh, thành khác để kêu gọi đầu tư về khu vực nông thôn, nhiều DN đã hưởng ứng.

 

Ông Hoan cho biết, một trong những việc mang tính "mở đường" mà các địa phương trong tỉnh đang làm là khẩn trương hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, qua đó tập trung đất công do xã quản lý để có mặt bằng "mời" các doanh nghiệp về đặt nhà xưởng.

 

Để thực hiện được chủ trương "ly nông bất ly hương", các cơ sở sản xuất cũng chỉ tổ chức ở mức khu, cụm quy mô vừa và nhỏ, khuyến khích các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, ít gây ô nhiễm môi trường.

 

Theo Dân Việt

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo