Thị trường

Doanh nghiệp đóng quỹ chống thiên tai, EVN vô can xả lũ

Tại dự thảo Nghị định quy định về thành lập và quản lý quỹ phòng, chống thiên tai đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) đưa ra lấy ý kiến có quy định, doanh nghiệp sẽ phải đóng từ 1 - 100 triệu đồng mỗi năm.

Đối với quỹ phòng chống thiên tai, ngoài doanh nghiệp đóng góp bắt buộc thì tất cả công dân từ 18 tuổi trở lên sẽ có mức đóng quỹ khác nhau.

Cụ thể, lao động trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ đóng 10.000 đồng/người/năm. Cán bộ, công nhân viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang là một ngày lương. Còn lao động khác là 30.000 đồng/năm/người.
 
Liên quan đến quỹ phòng chống thiên tại hiện nay có Nghị định 50 về quy chế thành lập và hoạt động của quỹ phòng chống lụt bão của địa phương. Tuy nhiên, nghị định này chưa phân loại cụ thể đối tượng đóng góp là công dân trong độ tuổi lao động, vì thế, chưa quy định mức đóng góp tương ứng của từng lao động cụ thể mà chỉ quy định là hộ nông nghiệp và đối tượng khác.
 
Thủy điện xả lũ gây hại hàng trăm tỷ đồng
 
Theo ban soạn thảo dự thảo, việc phân loại hai đối tượng phải đóng phí là chưa phù hợp vì hiện nay số lượng các tầng lớp, thành phần trong xã hội ngày càng đa dạng, phong phú và thu nhập có những chênh lệch đáng kể.
 
Vì những bất cập này nên theo ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT, những năm qua, quỹ phòng chống thiên tai luôn ở trong tình trạng thu không bù đủ chi.
 
Theo Bộ NN-PTNT, trong ba năm qua, Việt Nam đã mất hơn 50.000 tỉ đồng vì bão lũ, trong đó, chỉ riêng năm 2013 tổng thiệt hại về vật chất ước tính hơn 25.000 tỉ đồng, bằng tổng thiệt hại của hai năm trước đó.
 
Trong khi đó, từ ngày 15 đến ngày 17/11 vừa qua, tại các tỉnh miền Trung, mưa kết hợp với việc 15 thủy điện xả lũ cấp tập trong đó 9 hồ xả lũ với lưu lượng lớn hơn 400 m3/s như Bình Điền (Thừa Thiên-Huế) 654 m3/s; Sông Tranh 2 (Quảng Nam) 2.352 m3/s, các sông ở Quảng Trị, hạ lưu sông Thu Bồn và từ Phú Yên đến bắc Khánh Hòa đang lên và dự kiến sẽ đạt đỉnh mức trên báo động 3 đã khiến hơn 30 người thiệt mạng, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
 
Thế nhưng, EVN lại khẳng định do các hồ trực thuộc vận hành hồ chứa theo đúng quy trình đơn hồ và liên hồ, chủ động điều tiết kết hợp với công tác điều hành phối hợp vận hành khai thác các nguồn điện hợp lý nên “đã giữ được an toàn hồ đập, không gây tác động xấu tới hạ du”.
 
GS.TS Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội cơ học Thủy khí Việt Nam, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Thủy lợi, Khoa xây dựng Thủy lợi-Thủy điện, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng cho biết, cần có đơn vị giám sát độc lập, có sự hỗ trợ của camera, máy móc thiết bị và nguồn lực con người nhằm kiểm soát quy trình xả nước tại các hồ chứa thủy điện. 
 
"Không thể chấp nhận việc xả lũ gây chết người, hư hại tài sản của nhân dân. Việc quy hoạch và xây dựng thủy điện phải đảm bảo điều tiết nước, nước xả lũ không được gây lũ bất thường cho vùng hạ du. Tuy nhiên, rất tiếc là thực tế từ năm 2009 đến nay đều ngược lại. Các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến hiệu suất phát điện mà bỏ qua lợi ích cộng đồng khiến người dân bị thiệt hại”, ông Hùng nói. 
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo