Thị trường

Doanh nghiệp được nhập vàng nguyên liệu

NHNN sẽ sớm cấp phép cho các hoạt động nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, nhưng chỉ cho các DN có đủ điều kiện.

Chưa “đo” được nhu cầu

 
Gần đây một số DN sản xuất vàng trang sức “kêu” về việc thiếu nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên, theo một chuyên gia về vàng, thực ra hiện nay chưa có đánh giá về nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức ở mức nào.
 
Ở một góc nhìn khác, một cán bộ lâu năm trong lĩnh vực quản lý ngoại hối cho rằng, trước đây khi chưa có Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, mỗi khi có nhu cầu về vàng nguyên liệu, các DN thường xin nhập khẩu với 2 mục đích: một là để can thiệp thị trường; hai là bổ sung vào nguồn nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
 
Một số chuyên gia nhận định chung là nhu cầu vàng nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức có, nhưng không quá lớn. Thực tế các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ của Việt Nam chủ yếu là nhẫn và dây chuyền trọng lượng chỉ vài chỉ, thậm chí có cả những loại nhẫn, hoa tai tuy hình thức “hoành tráng” nhưng thực tế hàm lượng vàng trong đó chỉ mấy phân.
 
Bên cạnh đó, lượng xuất khẩu vàng trang sức cũng không nhiều (trung bình mỗi năm tổng giá trị vàng trang sức xuất khẩu của Việt Nam không quá 500 triệu USD/năm, trong khi các nước khác trong khu vực, con số này lên đến vài hàng tỷ USD). Do đó nhu cầu thực về vàng nguyên liệu không quá lớn.
 
Cũng có ý kiến cho rằng, trong khi chất lượng vàng miếng được “đo” bằng thương hiệu SJC và được NHNN quản lý chặt chẽ thì vàng trang sức lại chưa được quản lý chặt, khiến hiện tượng nhập lậu đã xảy ra. Vậy ai quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ ngay từ khâu nguyên liệu?
 
Ông Nguyễn Thanh Trúc – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty vàng Agribank Việt Nam cho biết, để kiểm soát việc nhập lậu này không ai khác chính là cơ quan hải quan, quản lý thị trường, an ninh. Bởi một khi vàng nguyên liệu đã được nhập lậu về trót lọt rồi mới đem bán cho các tổ chức, cá nhân sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ thì không có bất cứ chứng cứ gì để quy kết rằng số vàng đó là nhập lậu.
 
“Vấn đề đặt ra là ai kiểm tra chất lượng số vàng đó? Ngay bản thân Agribank, nếu có khách hàng mang bán vàng nguyên liệu, nhân viên sẽ kiểm tra tuổi vàng và trọng lượng là mua với giá đang niêm yết trên thị trường chứ không thể biết nguồn gốc vàng là nhập lậu hay không” – ông Trúc nói.
 
Trở lại vấn đề thiếu vàng nguyên liệu, trao đổi với chúng tôi chiều hôm qua (5/9), lãnh đạo vụ chức năng của NHNN khẳng định: NHNN sẽ sớm cấp phép cho các hoạt động nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, nhưng chỉ cho các DN có đủ điều kiện.
 
Nhập vàng nguyên liệu theo lô
 
Theo Điều 14, Nghị định 24, ngoài việc NHNN nhập khẩu vàng nguyên liệu về thì trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu, NHNN có thể xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho DN khi DN đã được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và DN kinh doanh vàng; Mặt khác, DN kinh doanh vàng này phải có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài được NHNN cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm.
 
Đối tượng khác là DN đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng có nhu cầu nhập khẩu do DN khai thác ở nước ngoài được NHNN xem xét cấp Giấy phép. Ngoài ra, NHNN xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trong năm cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) căn cứ vào năng lực sản xuất và báo cáo tình hình xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ của năm trước.
 
Vậy, những điều kiện cụ thể đối với DN được nhập khẩu vàng nguyên liệu là gì? Tại Điều 3, Mục 2, Thông tư 16/2012/TT-NHNN quy định điều kiện cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với DN hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ như sau: Thứ nhất, DN phải có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
 
Thứ hai, DN phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do NHNN cấp. Thứ ba, DN phải có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để phù hợp với kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Cuối cùng, DN không được vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong thời hạn 12 tháng liền kề, trước thời điểm đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.
 
“DN đáp ứng đủ điều kiện trên, nộp hồ sơ cho Chi nhánh NHNN trực thuộc và NHNN thẩm định xem liệu DN có đủ khả năng, năng lực sản xuất, nhu cầu về nguyên liệu thì mới cấp phép. NHNN sẽ cấp phép theo hạn mức, nhưng DN chỉ được nhập vàng nguyên liệu về dần dần. Chẳng hạn, một DN được NHNN cấp phép hạn mức cho nhập khẩu về 1 tấn vàng, nhưng DN chỉ được nhập theo từng lô từ 50 kg đến 100 kg để tránh rủi ro về giá; đồng thời giúp DN không bị đọng vốn ” – lãnh đạo Vụ chức năng của NHNN nhấn mạnh.
 
Tuy nhiên, thực tế là nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức không chỉ có mỗi nguồn duy nhất là nhập khẩu mà còn có từ hai nguồn khác là vàng tái chế từ vàng trang sức mỹ nghệ khác (những vàng trang sức, mỹ nghệ đã hết mốt được người dân bán ra) và từ vàng “thô” khai thác trong nước.
 
“Vàng trang sức thì có nhiều loại tuổi vàng. Ít người đeo nhẫn vàng trang sức mà phải đủ bốn số chín. Đa số vàng trang sức được chế tác từ các loại vàng nguyên liệu có hàm lượng 14 kara, 18 kara, 20 kara… có khi còn thấp tuổi hơn. Việc cho nhập khẩu vàng nguyên liệu là giải pháp nhằm bổ sung nguồn chứ không phải chỉ có duy nhất từ nguồn nhập khẩu này DN mới có nguyên liệu sản xuất vàng trang sức”, lãnh đạo vụ chức năng NHNN nêu quan điểm.
 
Theo Thời báo ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo