Doanh nghiệp huy động vàng: Rủi ro cho người gửi
Đó là cảnh báo của các chuyên gia sau khi nhiều doanh nghiệp và cửa hàng vàng tranh thủ ngân hàng dừng huy động và giữ hộ vàng để huy động nguồn vốn này.
(Tuổi Trẻ) Sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước cấm các NH thương mại huy động vàng tiết kiệm và tạm ngừng giữ hộ vàng, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng đã nhân cơ hội này tung ra dịch vụ huy động vàng có trả lãi cho người gửi.
Lãi suất gần 2%/năm
Sáng 9/7, trong vai người có nhu cầu gửi vàng đến liên hệ, chúng tôi được nhân viên Công ty Doji cho biết vừa tạm ngưng huy động vàng, chờ chỉ đạo mới từ cấp trên. Với khách hàng có nhu cầu, nhân viên công ty sẽ ghi lại số điện thoại, khi nào mở lại dịch vụ sẽ gọi điện thông báo. Trước đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, để đón đầu quy định NH thương mại không được giữ hộ vàng, Công ty Doji đã mở dịch vụ huy động vàng của cá nhân. Lãi suất gửi vàng được công ty này áp mức 1,2%/năm nếu gửi kỳ hạn 1 tháng, kỳ hạn 12 tháng lãi suất 1,9%/năm. Nhân viên chi nhánh Công ty Doji tại TP.HCM cho biết đã nhận gửi với số lượng từ 4-5 lượng vàng.
Liên hệ nhiều cửa hàng vàng trước đó có thông tin nhận gửi vàng vào sáng 9-7, PV Tuổi Trẻ đều nhận được câu trả lời đã tạm ngưng hoặc “không triển khai”. Riêng công ty vàng tư nhân trụ sở tại quận 6, TP.HCM cho biết vẫn nhận gửi vàng nhưng không trả lãi suất. Khi khách hàng đến gửi, tiệm vàng sẽ làm biên nhận, bất cứ khi nào cần người gửi cũng có thể rút vàng.
Dù nhiều công ty thông báo tạm ngưng nhận gửi vàng, nhưng theo ông Trần Thanh Hải - tổng giám đốc Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), thực tế một số DN vẫn âm thầm huy động vàng, do nhu cầu gửi vàng của người dân rất lớn sau khi kênh gửi cho NH bị khép lại. Cũng theo ông Hải, có thể tới đây hoạt động huy động vàng của DN sẽ biến tướng dưới nhiều hình thức khác như hợp đồng cầm cố, giữ hộ...
Tổng giám đốc một công ty vàng tại quận 1 cũng cho rằng các DN vàng không còn được vay vàng của NH, trong khi lãi suất vay VND quá cao. Bằng việc huy động vốn vàng của người dân, DN có được nguồn vốn rẻ, chỉ xấp xỉ 2%/năm để làm vốn lưu động kinh doanh. Ông này cũng cho biết hiện nay giá vàng nữ trang, đặc biệt vàng nhẫn, đang chạy đua theo giá vàng miếng SJC nên việc vay vàng từ người dân sau đó chuyển sang vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang rất có lợi cho DN kinh doanh vàng.
Ông Vinh (quận 3) cho biết sau khi các NH đồng loạt chấm dứt huy động vàng và tạm ngừng giữ hộ vàng, nhiều người thân trong gia đình ông đang rất bối rối chưa biết xử lý đối với số vàng sắp đến hạn hợp đồng như thế nào. Sau khi nghe thông tin có một số DN huy động vàng, gia đình ông cũng tính tìm đến DN mở dịch vụ huy động vàng hoạt động uy tín để để gửi. Bà Hoàng (Phú Nhuận) cho biết không muốn chuyển số vàng tích cóp lâu nay thành tiền, nên “việc gửi vàng tại các DN với lãi suất xấp xỉ 2%/năm là giải pháp mà tôi tính đến, chưa kể việc mang vàng về nhà cất giữ là rất rủi ro”.
“Giao trứng cho ác”
Trước thực tế này, nhiều chuyên gia cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn nếu gửi vàng tại các DN. Theo luật sư Trần Xoa - giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, các tiệm vàng là công ty trách nhiệm hữu hạn, những đơn vị này chỉ chịu trách nhiệm trên số vốn đã đăng ký. Trong trường hợp các đơn vị này huy động vốn vàng của nhiều người dân, sau đó làm ăn thua lỗ không trả được nợ thì nếu có kiện ra tòa, chỉ những trường hợp có nhận tài sản thế chấp từ những công ty này mới được ưu tiên giải quyết trước. Sau đó, nếu còn tài sản thì mới giải quyết đến những trường hợp khác.
Theo ông Xoa, ở đây người dân gửi vàng cho các DN tức là DN đi vay nhưng lại hoàn toàn không có bất kỳ tài sản thế chấp nào. Nếu trong quá trình kinh doanh, DN thua lỗ thì khả năng “mất trắng” là rất cao. Do vậy người dân nên cân nhắc kỹ nếu gửi theo hình thức này. Tổng giám đốc một NH tại TP.HCM cho rằng việc này sẽ tiềm ẩn bất ổn xã hội vì DN không có chức năng giữ hộ và việc giữ hộ này hoàn toàn mang tính chất thỏa thuận dân sự. Bên nhận giữ hộ sử dụng vào việc gì người gửi vàng cũng không kiểm soát được.
Theo chủ tịch HĐQT một NH cổ phần, diễn biến của giá vàng trong nước và thế giới luôn là một ẩn số, ngay chính các NH với đầy đủ biện pháp phòng ngừa rủi ro vẫn khó tránh khỏi thua lỗ khi diễn biến giá vàng ngược lại với dự đoán, nói gì đến các DN. Nguyên thống đốc NH Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho rằng việc gửi vàng tại các DN sẽ là mầm mống rủi ro cho người dân, nhất là khi biến động giá dẫn đến DN kinh doanh thua lỗ. Theo ông Kiêm, để tránh việc các DN nhảy vào cuộc trong thời gian các NH ngưng huy động vàng, NH Nhà nước nên có cơ chế giải quyết việc huy động vốn vàng trong dân sao cho sát với thực tế.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cảnh báo nguy cơ người gửi vàng cho các DN sẽ gặp nhiều rủi ro. Theo ông Ánh, so với các NH, năng lực quản trị rủi ro của các DN không thể nào bằng NH, các DN sẽ ít trách nhiệm hơn với khoản vốn vàng huy động từ người dân. Do vậy khi xảy ra rủi ro, phần thiệt sẽ rơi về phía người gửi. “Việc NH Nhà nước chấm dứt huy động vàng nhưng lại chưa có biện pháp cụ thể nào liên quan đến huy động và sử dụng vốn vàng trong dân là một khoảng trống chính sách và theo tôi, NH Nhà nước cần nhanh chóng lấp đầy khoảng trống này” - ông Ánh để nghị.
Ánh Hồng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chung cư Hà Nội 2025: Chuyên gia dự báo không dễ giảm nhưng khó sốt nóng
Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030: Phải có tư duy đột phá
Giá heo hơi ngày 15/11/2024: Tiếp tục tăng giá tại một số tỉnh phía Nam
Giá nông sản ngày 15/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng, hồ tiêu giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 15/11/2024: USD duy trì đà tăng
Sẵn sàng nguồn cung hàng hoá phục vụ cho cuối năm và Tết
Cột tin quảng cáo