Doanh nghiệp khát lao động, công nhân...xin thất nghiệp
Lương khủng vẫn khát người
Bước sang quý 2, phải thực hiện nhiều đơn hàng xuất khẩu, công ty may Hòa Minh, khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức, TPHCM, cần thêm 300 công nhân để đẩy nhanh tiến độ thực hiện hợp đồng. Ông Nguyễn An Nhân-bộ phận nhân sự công ty cho biết, treo bảng tuyển người hai tuần nay nhưng mới chỉ có 20 người nộp đơn.
Tình trạng cũng tương tự ở công ty thuộc da Khánh An, khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương. Theo bảo vệ của công ty, việc tuyển dụng 500 người bắt đầu từ sau tết đến nay nhưng vẫn chưa đủ nên bảng tuyển dụng vẫn chưa tháo xuống.
Công ty hứa trả mức lương 4,8 triệu đồng/tháng, bao luôn chỗ ở nhưng đến nay cũng chưa tuyển được 100 người. Tại công ty Pungkook ở khu chế xuất Linh Trung 2 cũng đang tuyển 500 công nhân với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.
Tại khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, những tấm bảng tuyển dụng to đùng của các công ty giăng khắp nhưng vẫn không kiếm ra công nhân.
Tại công ty Sweneo VN, chuyên sản xuất trang phục cao cấp đang tuyển không hạn chế số lượng công nhân với mức lương 5,3 triệu đồng/tháng. Ngoài mức lương được cho là “khủng” này, công ty còn có phụ cấp chuyên cần, bao nhà trọ và bao ăn.
Đại diện phòng nhân sự cho biết, đã hơn 1 tháng tuyển dụng chỉ có hơn 200 công nhân vào làm. Công ty Copa, chuyên về sản xuất túi xách đang tuyển gấp 1.000 công nhân với thu nhập bình quân từ 4-5,8 triệu/tháng.
Ông Gia Huân-đại diện phòng nhân sự cho biết, công nhân vào làm cho công ty ngoài việc được đóng bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định, còn được bao ăn, chi phí đi lại.
Ở Công ty Tai Việt cũng treo bảng tuyển dụng 500 người do đơn hàng tăng lên nhưng vẫn chưa bói ra công nhân. Mức lương mà công ty này đưa ra là 4,5 triệu đồng/tháng.
Công nhân xin ... thất nghiệp
Trong khi doanh nghiệp khát lao động thì các điểm đăng ký thất nghiệp (TN) tại TPHCM lại rồng rắn công nhân đến đăng ký. Tại 6 điểm đăng ký bảo hiểm TN ở TPHCM từ đầu năm đến nay có hơn 20.000 công nhân đến đăng ký TN để hưởng trợ cấp.
Trong khi công nhân…xin thất nghiệp thì doanh nghiệp không kiếm ra lao động. Ảnh: L.N. |
Chị Hồ Thị Anh, công nhân công ty Pongyen ở khu công nghiệp Tân Bình cho biết, trong lúc “nhảy việc”, chưa tìm ra việc mới nên đi đăng ký để hưởng trợ cấp TN.
Với mức lương 5,5 triệu/tháng, theo tính toán mỗi tháng trợ cấp TN cho chị khoảng 3 triệu đồng. Cũng như chị Anh, nhiều công nhân khác cũng đi đăng ký TN với lý do công ty cắt giảm lao động, phá sản.
Theo thống kê của Phòng bảo hiểm thất nghiệp TPHCM, ngoài một bộ phận công nhân TN do lương thấp, chế độ đãi ngộ không hấp dẫn, phần lớn công nhân tự xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp.
Một cán bộ của Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết, trong số hơn 24.000 người đăng ký thất nghiệp từ đầu năm đến nay có không ít lao động nghỉ việc để xin trợ cấp TN chứ thực sự không bị TN. Mặc dù biết vậy nhưng theo đại diện Phòng bảo hiểm TN, những người hưởng trợ cấp vẫn làm đúng luật, bởi luật quy định lao động bị mất việc, nghỉ việc thì được hưởng bảo hiểm TN.
“Đó là chưa kể nhiều công ty cho số ít công nhân nghỉ việc khi họ đã đóng đủ bảo hiểm TN 12 tháng để hưởng trợ cấp, sau đó nhận vào làm lại”- người này nói.
Theo Bảo hiểm xã hội TPHCM, hiện thành phố có khoảng 1,5 triệu người tham gia bảo hiểm TN. Với số lao động hiện nay thì cứ 5 người đóng bảo hiểm TN mới đủ trả cho 1 người được trợ cấp TN.
Ông Cao Văn Sang-GĐ Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết, cũng như bảo hiểm y tế, bảo hiểm TN là nhiều người đóng cho một người hưởng, nhưng thực tế ai đóng bảo hiểm TN cũng tìm cách để hưởng hết nên nguy cơ vỡ quỹ rất lớn.
Thất nghiệp thật phải "chờ"
Theo ông Nguyễn Cao Thắng-Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm kiêm Trưởng phòng bảo hiểm TN TPHCM, do chính sách bảo hiểm TN còn nhiều kẽ hở nên nhiều lao động tính cửa lách để hưởng lợi.
Không ít trường hợp vừa nghỉ việc được vài ngày là tìm được việc làm mới nhưng vẫn đăng ký để nhận trợ cấp TN. Trong khi đó, theo quy định của luật thì người TN phải được giám sát xem họ đã tìm được việc làm hay chưa trong vòng 15 ngày sau khi đăng ký. Theo ông Thắng quy định này rất khó thực hiện.
Anh Nguyễn Văn Đồng, công nhân công ty Copal ở khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, cho biết, nhiều công nhân làm việc với công ty lâu dài, đóng bảo hiểm đầy đủ vẫn xin để hưởng trợ cấp TN, sau khi hoàn thành thủ tục thì vài ngày sau lại thấy đi làm ở công ty khác, vẫn nhận tiền bảo hiểm TN có khi 3-6 tháng.
“Việc làm hiện nay không thiếu. Nghỉ nơi này thì có nơi khác tuyển ngay nên dại gì không đăng ký TN”- anh Đồng cho biết.
Trái lại, nhiều công nhân TN thật sự do doanh nghiệp giải thể, phá sản lại không được hưởng trợ cấp TN. Đã 5 tháng sau khi công ty Waekwang Vina, 100% vốn Hàn Quốc đóng ở huyện Hóc Môn ngưng hoạt động, giám đốc trốn biệt để lại khoản nợ lương công nhân hàng trăm triệu đồng, nhưng công nhân TN vẫn không thể hưởng trợ cấp TN do công ty còn nợ bảo hiểm xã hội cả tỷ đồng. Hàng chục công nhân của công ty Nam Hòa và công ty Thanh Phong Vina ở quận 12 cũng vướng tình cảnh tương tự khi hai đơn vị này nợ bảo hiểm xã hội hơn 1, 7 tỷ đồng.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Cao Văn Sang cho biết, việc không được hỗ trợ TN cho các đối tượng này là bất hợp lý nhưng theo quy định, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội thì làm sao có sổ để trả sổ cho lao động làm thủ tục đăng ký TN.
Theo Ngọc Lâm(TPO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo