Doanh nghiệp “khổ” vì Thông tư
Doanh nghiệp, chuyên gia lên tiếng
Theo đánh giá của đại đa số doanh nghiệp thì Thông tư 20 chưa phù hợp với tình hình thực tiễn về hiện trạng kinh tế và thị trường kinh doanh như hiện nay. Việc quy định năm sản xuất của máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ 3-7 năm thì đời máy cũ được nhập phải rơi vào những năm 2005, 2007 trở lại đây. Trong khi những đời máy trước đó, thậm chí máy đời năm 1990-2000 trở về trước vẫn hoạt động tốt vì giá trị của một chiếc máy rất lớn, có thời gian sử dụng lâu dài.
Lập luận của cộng đồng máy thiết bị xây dựng, nông nghiệp cho rằng, hiện nay trên thị trường trên 90% máy móc, thiết bị xây dựng, nông nghiệp là máy móc cũ được nhập về từ các nước phát triển như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…là những quốc gia có nền công nghệ hiện đại tiên tiến, chất lượng sản phẩm luôn được đánh giá cao, vòng đời công nghệ dài hạn. Do vậy, “việc đánh giá năm sản xuất chỉ từ 3-7 năm là chưa thỏa đáng”.
Hay trên thực tế, các nước có nền khoa học kỹ thuật hiện đại vẫn sử dụng thiết bị máy móc có năm sản xuất 1980-1990, thậm chí có nước như Singapo, Malaysia, Thái Lan, các nước Trung Đông…vẫn sang nhập lại máy móc đã qua sử dụng tại Việt Nam. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng với cách làm như Thông tư 20 quy định thì chúng ta “đang đi ngược lại với quy luật chung của sự phát triển công nghệ, nhất là đối với một nước công nghệ còn hạn chế như Việt Nam, 100% máy móc thiết bị xây dựng vẫn phải nhập khẩu, khả năng về kỹ thuật hạn chế nên chưa đủ khả năng sản xuất”.
Trên cơ sở ý kiến trên, cộng đồng DN kiến nghị Nhà nước không quy định về thời hạn sử dụng tính từ năm sản xuất, mà chỉ quản lý về tiêu chuẩn chất lượng còn lại theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, điểm (1), (2) Điều 6 của Thông tư 20 quy định chất lượng máy móc phải còn 80% chất lượng ban đầu trở lên. Đa phần ý kiến của doanh nghiệp đều phản bác và yêu cầu được Bộ KHCN làm rõ tiêu chuẩn nào để lấy làm cơ sở, căn cứ để đánh giá mức độ còn lại của máy móc thiết bị. Hơn nữa, theo như quy trình quản lý chất lượng hiện nay, Luật chất lượng sản phẩm có Nghị định 132/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Cả hai văn bản đều quy định Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm về các phương tiện thi công công trình trùng với những loại máy móc thiết bị được liệt kê trong Điểm b Khoản 2 Điều 6. Do đó, chắc chắn một điều rằng, khi Thông tư 20 được thực hiện sẽ gây chồng chéo về đối tượng quản lý, gây khó khăn cho cơ quan quản lý cũng như cho DN nhập khẩu.
Câu hỏi được cộng đồng máy móc thiết bị xây dựng, nông nghiệp đặt ra, nên chăng siết chặt việc nhập máy cũ nhưng lại để thả nổi cho một thị trường máy mới của Trung Quốc kém chất lượng sẽ ồ ạt vào thị trường, trong khi giá thành cao hơn so với một chiếc máy cũ cùng chủng loại nhập khẩu từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…mà chất lượng kém hơn?
Đưa ra kiến nghị sửa đổi Thông tư 20, GS Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn FDI cho rằng điều kiện nhập khẩu máy móc thiết bị quy định tại điều 6 có rất nhiều điểm cần làm rõ. Thế nào là chất lượng còn lại (?), căn cứ công suất hay nhìn bên ngoài máy móc, thiết bị? Vì sao lại là 80% mà không phải 70%, và làm thế nào để xác định một cỗ máy, một dây chuyền công nghiệp còn 80% chất lượng ban đầu?. GS Mại cho rằng “chắc chắn không ai làm được cả và cũng khó trang bị các phòng giám định đủ sức làm việc đó”.
“Khi tôi làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về hợp tác và đầu tư đã nhiều lần trao đổi với lãnh đạo Bộ KHCN (Anh Đặng Hữu là Bộ trưởng, Anh Lê Quý An là Thứ trưởng) về quy định tỷ lệ % như kiểu này, trên thực tế một số nhà đầu tư Nhật Bản tại Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng cho chúng tôi biết, chỉ cần có phong bì đủ nặng là đạt được quy định đó. Về sau Bộ KHCN đã bỏ quy định như vậy”, GS Mại cho biết.
Về quy định thời gian sử dụng máy móc, thiết bị khác nhau từ 3-15 năm, theo GS Mại thì tiêu chí cũng chưa rõ ràng. Ví dụ, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp chỉ có 3 năm, trong khi những máy này chỉ sử dụng theo thời vụ, mỗi năm vài vụ, mỗi vụ không quá vài tháng, trong khi máy móc thiết bị trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản sử dụng quanh năm lại 7 năm, động cơ máy thủy phục vụ đánh bắt xa bờ lại đến 10 năm?
Theo GS Mại, cần quy định rõ trách nhiệm của DN khi nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng phải đảm bảo 3 tiêu chí: Đảm bảo không gây tác động đến môi trường sinh thái; Đảm bảo an toàn lao động; Tiết kiệm năng lượng, không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
“DN nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ để kinh doanh nên đã lựa chọn những thứ thích hợp với từng ngành, từng loại công việc, cơ quan nhà nước không nên và không thể làm thay DN, mà nên thực hiện đúng chức năng giám sát mà thôi”, GS Mại thẳng thắn.
Nguy cơ hết cơ hội kinh doanh
Ông Phan Văn Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP phát triển máy xây dựng Việt Nam (Vinacoma) cho rằng, có rất nhiều điểm khi áp dụng sẽ không đảm bảo được các yếu tố như thông tư đề ra.
“Thông tư 20 đưa ra đã hạn chế hầu như hoàn toàn lĩnh vực máy móc thiết bị xây dựng nhập khẩu ở thị trường Việt Nam. Nếu Thông tư 20 không có điều chỉnh gì mà vẫn được áp dụng thì DN vô cùng khó khăn. Khi đã bán hết sản phẩm máy móc cũ, sẽ không còn cơ hội nào để kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu máy móc thiết bị vốn đã rất khắc nghiệt trong thời gian gần đây. Và thời gian tới cũng sẽ khó khăn nếu không tìm thấy hướng đi mới nào trong lĩnh vực kinh doanh này”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, khi không còn cơ hội nhập thêm máy móc, DN nhập khẩu máy móc, thiết bị phải tính lại bài toán kinh doanh, từ đó giá bán máy móc sẽ tăng cao, có thể lên tới 20-30%. Khi đó, khó khăn sẽ chia đều cho những DN trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Các dự án muốn mua máy móc đã qua sử dụng từ DN nhập khẩu cũng phải chấp nhận giá đầu vào cao lên, từ đó ảnh hưởng tới dự toán của công trình, dự toán xây dựng.
Một số DN nhập khẩu còn gặp khó khăn vì họ dùng vốn đi vay, có khi lên tới hàng nghìn tỷ, khi không thể nhập thêm máy móc, luồng vốn không quay vòng được thì bài toán tài chính sẽ là thách thức lớn cần giải quyết. Và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động vay vốn của ngân hàng.
Cộng đồng máy thiết bị xây dựng, nông nghiệp đã có văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 20 gửi tới Bộ KHCN cũng như các bộ ban ngành liên quan, mà rốt ráo nhất là kiến nghị Bộ KHCN tạm thời dừng chưa áp dụng thực hiện Thông tư 20 từ ngày 1/9/2014 để tổng hợp ý kiến tham vấn đóng góp của các DN, tổ chức hiệp hội DN, khoa học, cũng như có những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn.
Tuy nhiên, ông Hải cho biết Bộ KHCN vẫn chưa có văn bản chính thức trả lời kiến nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư 20. Ở thời điểm này, các DN không còn cách nào khác là tạm dừng hết việc kinh doanh ở thời điểm này, chờ điều chỉnh từ Bộ KHCN. Từ ngày 25/8, hầu hết các DN trong lĩnh vực nhập khẩu máy móc thiết bị đều ở trong tình trạng “án binh bất động”.
Hoạt động cầm chừng, chờ đợi và phản hồi chính thức từ các cơ quan ban ngành, nhưng điều mà các DN luôn mong muốn lầ các thông tư khi ban hành vừa đảm bảo được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho tất cả cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, người tiêu dùng. Và cũng cần thiết phải trao đổi để có cơ sở xây dựng pháp luật tương ứng với hội nhập quốc tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh