Bình luận

Doanh nghiệp khởi sắc từ hoạt động đổi mới sáng tạo

Đổi mới sáng tạo và khoa học và công nghệ luôn đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững doanh nghiệp thì các doanh nghiệp cần quan tâm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.

Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

Đó là khẳng định của ông Phạm Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ khi chia sẻ về vai trò của đổi mới sáng tạo đối với hoạt động khoa học và công nghệ.

Tại sao doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo?

Đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng và thay đổi mô hình kinh doanh. Thông qua ĐMST giúp doanh nghiệp cạnh tranh được với các đối thủ, môi trường cạnh tranh khốc liệt do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ (KH&CN) và điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay. Nhất là trong điều kiện suy thoái kinh tế, thực hiện ĐMST là vì sự tồn tại và phát triển bền vững doanh nghiệp.

Hoạt động KH&CN là hoạt động sáng tạo và đóng góp phần lớn các lĩnh vực ĐMST của doanh nghiệp. Theo đó, hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp bao gồm nhiều lĩnh vực như đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, đổi mới dịch vụ, đổi mới marketing, đổi mới logistic, đổi mới mô hình kinh doanh.

“Các công ty tiên tiến, công ty đa quốc gia, với phương châm để trở thành công ty luôn dẫn đầu thị trường không còn cách nào khác là luôn phải đi trước đối thủ một bước về phát triển sản phẩm và công nghệ để đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng với giá cả phải chăng và chi phí tối ưu”, ông Phạm Ngọc Minh cho biết.

Ông Phạm Ngọc Minh đưa ra dẫn chứng, so với nhiều quốc gia khác, Hàn Quốc và Nhật Bản, họ rất nghèo về tài nguyên thiên nhiên nhưng đã trở thành các nước công nghiệp phát triển với nhiều tập đoàn xuyên quốc gia và dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, yếu tố mang tính quyết định là do họ có chính sách đúng đắn và đầu tư đúng mức cho KH&CN. Năm 2011, Nhật Bản đầu tư cho R&D là 3,67% GDP, Hàn Quốc là 3,74%, vượt cả Mỹ 2,7%, Đức 2,3%, Pháp 1,9%. Bên cạnh đó là hoạt động ĐMST mạnh mẽ của các doanh nghiệp.

Ông Akio Morita – Người sáng lập Hãng Sony đã từng nói: “Chìa khóa để phát triển sản nghiệp là ở tính sáng tạo, hơn nữa tính sáng tạo này phải thể hiện cả ba mặt: Khoa học kỹ thuật, qui hoạch sản phẩm và tính thị trường. Nếu thiếu một mặt nào đó thì kinh doanh có thể tự lụn bại”.

 

Đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực phía Nam

Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với sức ép về cạnh tranh trong nước và quốc tế cùng với những chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nâng cao trình độ quản lý và nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật, quan tâm thúc đẩy hoạt động KH&CN và ĐMST trong doanh nghiệp.

Ở khu vực phía Nam, nhất là thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố, như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ,… là địa bàn trọng điểm tập trung sản xuất công nghiệp, thương mại – dịch vụ, giáo dục – đào tạo, KH&CN, thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển rất năng động. Trong đó, hoạt động KH&CN cùng ĐMST có nhiều khởi sắc, đóng góp có hiệu quả vào sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Qua khảo sát về hoạt động KH&CN và ĐMST của 150 doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế chủ lực phía Nam, cho thấy: Đối với ngành nhựa, phần lớn doanh nghiệp đã có các hoạt KH&CN và ĐMST. Nhiều doanh nghiệp đã khai thác và thương mại hóa các sáng chế thành công, như Công ty Hoàng Thắng, Công ty TNHH CompoTech,…

Đối với ngành lương thực – thực phẩm, đã có hàng trăm kết quả nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới đã được đưa và sản xuất thành công và chiếm lĩnh thị trường. Điển hình như Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (NutiFood) đã nghiên cứu hơn 35 loại sản phẩm sữa và bột dinh dưỡng khác nhau với công thức được nghiên cứu phù hợp theo từng lứa tuổi, bệnh lý,…phù hợp với thể chất người Việt Nam và sản phẩm đã chiếm lĩnh thị trường; Công ty Tân Hiệp Phát nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm nước giải khát thảo mộc: Trà xanh O độ, trà thảo mộc Dr Thanh,… Hoạt động ĐMST của Vinamilk đã tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm đặc thù cho trẻ em Việt Nam, đã cho ra đời các sản phẩm sữa tươi, sữa chua và đặc biệt là sữa bột dưới thương hiệu Dielac như Dielac Alpha, Dielac Mama… được chứng nhận quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm HACCP,…

Tính đến nay, trong ngành này đã có 3 doanh nghiệp đã thành lập Quỹ phát triển KH&CN, có 17 doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ. Việc áp dụng các hệ thống quản lý và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã được đa số các doanh nghiệp quan tâm thực hiện, nhất là các hệ thống quản lý liên quan đến chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm, HACCP, GMP, GAP,… Phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hoạt động ĐMST đã được doanh nghiệp chú trọng và phát triển.

Đánh giá về hoạt động ĐMST của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực phía Nam, ông Phạm Ngọc Minh cho rằng, hoạt động này còn một số hạn chế, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp hầu hết còn lạc hậu, hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cải tiến công nghệ, đổi mới hoạt động kinh doanh – tiếp thị và phong trào phát huy sáng kiến, lao động sáng tạo trong các doanh nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Năng suất lao động còn thấp, sản phẩm hàng hóa rất khó thâm nhập vào thị trường các nước phát triển, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn hạn chế.

Ông Phạm Ngọc Minh cho rằng, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần quan tâm thúc đẩy hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững doanh nghiệp.

 

Theo IPP
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo