Doanh nghiệp không mặn mà vay vốn
Hiện nay, không chỉ các ngân hàng lớn như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank... mà nhiều nhà băng khối cổ phần quy mô nhỏ hơn như HDBank, ABBANK, SeABank, VietBank, OCB, Tienphong Bank…. cũng đã giảm sâu lãi suất cho vay và dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mức lãi suất được các ngân hàng này cho vay dao động 12-14% mỗi năm nhưng doanh nghiệp vẫn chưa muốn tiếp cận vốn vay.
Phó tổng giám đốc một công ty sản xuất hàng may mặc tại quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện hàng tồn kho tại đơn vị ông còn khá cao, sức mua thị trường chưa được cải thiện, nên doanh nghiệp không thiết tha lắm với việc vay vốn để đầu tư, sản xuất, kinh doanh dù thời gian Tết nguyên đán sắp đến gần.
Giám đốc một công ty nhựa lớn tại TP.Hồ Chí Minh thông tin, trong 3 quý đầu năm nay, sản xuất khó khăn, hàng tồn kho nhiều, lãi ngân hàng cao, buộc ông phải thu hẹp sản xuất và giảm bớt nhân công. Những tháng cuối năm, nhu cầu hàng hóa chắc chắn sẽ tăng lên, nhưng ông vẫn quyết định đặt hiệu quả lên hàng đầu chứ không chạy theo số lượng. "Tôi dự định sẽ sản xuất hàng hóa dựa vào nguồn vốn tự có là chính và chỉ vay ít vốn ngân hàng bổ sung thêm", ông nói.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết, lúc trước thì doanh nghiệp tìm ngân hàng, nay gần như ngân hàng đang ráo riết đi tìm doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông chỉ có những doanh nghiệp lớn, khỏe mới nhận được sự ưu ái này. Còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó khăn, tài chính không lành mạnh, không có tài sản thế chấp thì vẫn khó tiếp cận vốn nhà băng, nếu có sẽ phải trả lãi suất tương đối cao 16-19%.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Đông Trịnh Văn Tuấn nhận định, tình hình kinh tế năm nay còn nhiều khó khăn nên theo ông khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thời gian tới không tốt. Ông Tuấn cho biết, dù nhà băng đã đưa ra nhiều chính sách để thúc đẩy tín dụng, trong đó khá linh hoạt về điều kiện cho vay nhưng nhìn chung doanh nghiệp tốt chưa thực sự có nhu cầu về vốn.
"Những hợp đồng mới hiện nay gần như không phát sinh, chủ yếu là những hợp đồng vay cũ. Thậm chí, nhiều hợp đồng đã duyệt xong từ lâu nhưng doanh nghiệp vẫn chần chừ chưa muốn giải ngân", ông nói.
Chủ tịch OCB thông tin, hiện tín dụng của nhà băng ông đã tăng được 10%. Dự kiến hết năm nay, ngân hàng nỗ lực lắm may ra mới tăng trưởng hết chỉ tiêu được cấp 15%.
Lãnh đạo HDBank cho rằng, lãi suất hiện đã giảm về 15% một năm. Với khách hàng thuộc 4 nhóm tín dụng ưu tiên, lãi suất cho vay chỉ còn 13% mỗi năm, thậm chí, có một số khách hàng trong lĩnh vực xuất khẩu được hưởng lãi suất 11 -12% một năm nhưng tín dụng vẫn giải ngân chậm.
Theo ông, hiện lãi suất không còn là tất cả đối với các doanh nghiệp mà quan trọng hơn là do sức cầu của thị trường yếu, hàng tồn kho chưa có dấu hiệu giảm. Do vậy, doanh nghiệp chưa thể đẩy mạnh hoạt động sản xuất- kinh doanh, khiến nhu cầu về vốn khó tăng, còn phía ngân hàng cũng thận trọng trong việc cung ứng tín dụng.
Đồng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á cho biết, lãi suất áp dụng cho vay các mảng ưu tiên như nông nghiệp nông thôn có lãi suất 13% một năm. Bản thân ngân hàng ông có nguồn vốn rất ổn định. Tuy nhiên, để tìm doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn (như có hoạt động lành mạnh, có nguồn vào ra ổn định)... thì rất ít.
Trao đổi với VnExpress.net chiều 29/10, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh thông tin, hiện nay room tín dụng còn nhiều, thanh khoản của các ngân hàng lại khá tốt do vừa mới được nới thời gian đáo hạn huy động vàng thêm 7 tháng.
Do đó, thời gian tới ông Minh cho biết, các nhà băng sẽ có điều kiện thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm. Hiện nay, các ngân hàng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn khoảng 200.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay để sản xuất hàng hóa cung ứng Tết Nguyên đán.
Đối tượng cho vay tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu và lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Lãi suất cho vay vào khoảng 13%.
Điểm mới ở đây là, bên cạnh việc áp dụng các điều kiện cho vay như thông thường, nhà băng sẽ cho phép doanh nghiệp được phép thế chấp bằng dòng tiền bán hàng (thay vì chỉ tập trung vào tài sản đảm bảo như trước đây). "Chúng tôi hy vọng, trong những tháng còn lại của năm, nguồn vốn 200.000 tỷ đồng này sẽ sớm được giải ngân vào nền kinh tế", ông Minh nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo các nhà băng, tín dụng tăng trưởng được hay không cũng không hẳn do bản thân ngân hàng, mà còn tùy thuộc vào thị trường tiêu thụ, sức mua của người tiêu dùng.
Đoàn Huế (Theo VnEpress)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh