Doanh nghiệp kiều bào và niềm mong ước
Đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; đồng chí Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN; đồng chí Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao; và các đồng chí Lãnh đạo các Bộ, ngành, chức năng liên quan; các đồng chí Đại sứ, Trưởng đại diện cơ quan Việt Nam tại nước ngoài... và nhiều đại biểu đại diện cho lãnh đạo các địa phương đã đến tham dự Hội nghị.
Sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đọc diễn văn khai mạc Hội nghị, ông Tạ Nguyên Ngọc- Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ủy ban Người Việt nam ở nước ngoài đã báo cáo Hội nghị về tình hình và công tác Người Việt nam ở nước ngoài trong thời gian qua cũng như mục tiêu của Hội nghị lần này, đó là: Các đại biểu trong và ngoài nước cùng trao đổi, đánh giá tình hình thế giới và trong nước, những nhân tố đang và sẽ tác động đến cộng đồng, xác định tầm nhìn, định hướng cho công tác để Người Việt nam ở nước ngoài thực sự là bộ phận, là nguồn sinh lực được phát huy mạnh mẽ, nhằm xây dựng cộng đồng vững mạnh, đóng góp cho quá trình hội nhập toàn diện, phù hợp với “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020” của đất nước.
Đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí nêu rõ: Sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của bà con kiều bào trong những năm qua với nhiều hoạt động như: đầu tư về nước, hoạt động nhân đạo,... Hội nghị lần này cần tập trung thảo luận, nhìn lại quá trình phát triển của cộng đồng thời gian qua, đồng thời có những đề xuất ý kiến, phát huy sáng kiến với Đảng và Nhà nước về công tác kiều bào.
Đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Các đại biểu thay mặt bà con kiều bào về dự Hội nghị chân thành cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với bà con kiều bào, đồng thời cũng nêu bật lên tấm lòng của bà con luôn hướng về quê hương và mong muốn xây dựng quê hương đất nước. Mong muốn lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cần nghiên cứu để các thủ tục hành chính, đầu tư về nước cần thông thoáng hơn, tạo ra sự hấp dẫn để bà con đầu tư về quê hương. Đặc biệt, công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng để bà con nắm được thông tin trong nước, có hình thức hướng dẫn, hỗ trợ tầng lớp thanh niên trẻ việt kiều trong việc học tiếng Việt để họ gắn bó hơn với quê hương đất nước.
Các đại biểu cũng trao đổi các kinh nghiệm cũng như biện pháp nằm nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trong cộng đồng Người Việt nam ở nước ngoài, đặc biệt là các thế hệ thứ hai, thứ ba...
Buổi chiều 27 và sáng 28/9, Hội nghị tiếp tục với 4 hội thảo chuyên đề: “Tương lai cộng đồng - những vấn đề của hội nhập và phát triển”; “Bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc - động lực đoàn kết cộng đồng, gắn bó đất nước”; “Trí thức Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - từ tiềm năng đến hiện thực”; “Doanh nhân kiều bào vì tương lai cộng đồng và đất nước” do các cơ quan chức năng chủ trì.
“Doanh nhân kiều bào vì tương lai cộng đồng và đất nước” là một trong những chủ đề thu hút sự chú ý của nhiều đại biểu tham dự và các phóng viên tham gia Hội nghị. Con số thống kê cho thấy đã có 51/63 tỉnh thành trong cả nước có các dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài với hơn 3.500 doanh nghiệp kiều bào có số vốn đăng ký và đóng góp trên 8 tỷ USD. Phần lớn do các kiều bào từ Mỹ, Canada, Australia, Nga... đầu tư về nước. Họ là cổ đông chính trong một số ngân hàng, dự án bất động sản, trung tâm thương mại, khách sạn đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhẹ. Qua đó, các dự án đã góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước.
Tham luận của các đại biểu đã nêu bật những đóng góp và các biện pháp thu hút trí thức kiều bào về tham gia đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh việc chỉ rõ những bất cập trong chính sách vĩ mô chưa thuận lợi cho kiều bào về đầu tư tại Việt nam, các Đại biểu cũng chỉ rõ các cơ hội có thể làm được ngay và cách làm một cách chi tiết và khoa học, đó là kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua Hội người việt nam tại nước ngoài như Nhật bản, Cộng hòa Séc, Liên bang Nga...
Bộ Công Thương và Bộ KHĐT chủ trì hội thảo: Doanh nhân kiều bào vì tương lai cộng đồng và đất nước
Đặc biệt, tại Hội nghị lần này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng đã báo cáo về công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo. Qua báo cáo của Thiếu tướng, bà con đã có cái nhìn cụ thể và chi tiết về vấn đề chủ quyền cũng như tình hình thực tế về biển đảo Việt Nam.
Thiếu tướng khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là: quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam, Việt nam sẵn sàng ra tòa án Quốc tế để giải quyết tranh chấp về vấn đề này và sẵn sàng tuân theo phán quyết của tòa án Quốc tế. Đồng thời, với truyền thống của dân tộc ta lấy hòa hiếu làm đầu nên chủ trương của Đảng và Nhà nước là giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng phương pháp hòa bình.
Thiếu tướng cũng nêu bật lên nhận định rằng: Chiến tranh chỉ gây tổn hại cho hòa bình thế giới nói chung và nền kinh tế của các nước nói riêng. Khi nền kinh tế đất nước phát triển vững mạnh thì không một thế lực nào có thể xâm lược được, vì vậy, sự đóng góp, đầu tư của bà con Việt kiều không chỉ góp phần xây dựng đất nước mà còn chính là góp phần bảo vệ đất nước. Bài phát biểu của thiếu tướng được bà con nhiệt liệt đón nhận và hoan hô nhiều nhất. Điều đó đã cho thấy sức ảnh hưởng do những thông tin cụ thể về tình hình chủ quyền đất nước và đúng mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước của bà con.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng tham luận tại Hội nghị.
Phát biểu tại buổi Lễ Bế mạc, ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã kết luận, thông qua Hội nghị này, bà con đã có những cái nhìn cụ thể và khách quan hơn về tình hình kinh tế xã hội đất nước, đặc biệt là tình hình bảo vệ chủ quyền đất nước. Thứ trưởng mong muốn, bà con tham dự Hội nghị lần này sẽ là cầu nối với các bà con trên khắp thế giới, hướng đến một cộng đồng đoàn kết và hướng về quê hương đất nước. Sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn thay mặt Bộ Ngoại giao đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho các tập thể và cá nhân Việt kiều có những thành tích trong công tác kiều bào.
Ông Đặng Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổng kết những hoạt động đã qua của Hội nghị. Dưới chủ đề bao trùm và các hội nghị chuyên đề, các đại biểu đã có những tham luận nổi bật, đóng góp thiết thực cho việc xây dựng các chính sách liên quan đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, nhiều ý kiến của bà con có những đóng góp cho các chính sách của Nhà nước liên quan đến kiều bào, nhiều ý kiến về các biện pháp thu hút tri thức kiều bào, thu hút đầu tư của bà con về quê hương. Cũng tại Hội nghị, các bà con đã có đóng góp thiết thực như: quyên góp xây dựng trường học tại Trường Sa của bà con ở Ba Lan, Séc, Italy…; quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, cho quỹ Vừ A Dính của bà con ở Thái Lan, Hàn Quốc, Lào…
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao đã tổ chức chiêu đãi các đại biểu tham dự Hội nghị. Tối 28/9/2012 một Chương trình Đại nhạc hội chào mừng thành công của Đại hội đã được tổ chức. Trong ngày mai 29/9/2012, sẽ diễn ra Đại hội Hiệp hội doanh nhân Việt Nam và các đại biểu sẽ đi thăm quan cơ sở sản xuất, các công trình trọng điểm, các khu công nghiệp, công nghệ cao… theo từng chuyên đề của Hội nghị.
Bích Hường (Từ TP. Hồ Chí MInh)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo