Thị trường

Doanh nghiệp lo ngại đảo nợ

Nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo ngại, khi chủ nợ là một số ngân hàng yêu cầu con nợ phải đi vay bên ngoài với lãi suất cắt cổ để trả ngân hàng (đảo nợ), sau đó mới được cho vay lại...

Tái cơ cấu nợ: Chỉ xét doanh nghiệp khó tạm thời

 

Theo văn bản số 2506 ngày 24/4 của Ngân hàng Nhà nước, tiêu chí để được cơ cấu nợ gồm: Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc hoặc lãi vốn vay, nhưng được đánh giá có khả năng trả nợ thì sẽ được xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và lãi vốn vay;

 

Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc hoặc lãi vốn vay đúng thời hạn và được đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì ngân hàng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.



Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải đảo nợ bằng cách vay lãi cắt cổ bên ngoài. Với cách đảo nợ này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp, nếu sau khi vay lãi bên ngoài trả nợ cho ngân hàng nhưng ngân hàng không cho vay lại

Ông Nguyễn Quang, Phó TGĐ Tập đoàn Sơn Hà

 

Trong một lần trao đổi với báo chí về tái cơ cấu nợ, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói, chỉ doanh nghiệp nào khó khăn tạm thời, hướng kinh doanh tốt trong thời gian tới, có khả năng trả nợ mới được ngân hàng cho cơ cấu lại nợ.

 

Theo ông Phạm Quang Tùng, Phó tổng giám đốc BIDV, ngân hàng này sẽ cơ cấu lại nợ cho khách hàng theo hướng: cơ cấu lại các khoản vay, bằng cách gia hạn nợ, định lại kỳ hạn trả nợ cho doanh nghiệp; xem xét cho vay trung và dài hạn, bù đắp cơ cấu khoản vay ngắn hạn để hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại dòng tiền; thực hiện miễn, giảm phần lãi với các khách hàng có thiện chí trả nợ; miễn, giảm phần lãi phạt quá hạn khi khách hàng trả đầy đủ nợ gốc và phần lãi còn lại theo hợp đồng tín dụng đã ký kết.

 

Song song với việc cơ cấu nợ, ông Tùng cho biết BIDV sẽ tính toán giảm lãi suất.

 

Cụ thể, doanh nghiệp huy động được vốn trả nợ ngân hàng sẽ đuợc vay để khôi phục dư nợ với lãi suất 14-15%/năm.

 

Còn ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietpostBank, cho biết: Ngân hàng này sẽ xem xét tổng số nợ phải trả, các khoản thu khó đòi và thực lực vốn hàng hóa, hợp đồng tiêu thụ, hợp đồng mua bán... Chỉ doanh  nghiệp nào khó khăn trước mắt, và về lâu dài có đường hướng trả nợ tốt mới được xét cơ cấu nợ.

 

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cũng cho biết, đang rà soát lại những khách hàng doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có nguồn hàng bán ra để thu về trả nợ sẽ được vay tiếp. Kể cả doanh nghiệp bất động sản cũng được xét cơ cấu lại nợ để cho vay tiếp, nếu dự án đầu tư đã bán được phần lớn, hiện đang vào giai đoạn hoàn thiện.

 

Trao đổi với Tiền Phong, TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, cho rằng, có rất nhiều doanh nghiệp tốt nhưng do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế mà rơi vào cảnh hàng hóa tồn kho, không bán được, những doanh nghiệp này cần được cơ cấu lại nợ, chu kỳ lãi vay.

 

Theo ông Ngân, việc các ngân hàng e ngại cơ cấu nợ làm tăng rủi ro là lẽ đương nhiên. Nhưng với những văn bản hướng dẫn trên của Ngân hàng Nhà nước, chắc chắn khó khăn cho cả phía ngân hàng và doanh nghiệp sẽ đuợc tháo gỡ.

 

Đảo nợ: Biến tướng của tái cơ cấu nợ

 

Trước văn bản 2506, từ ngày 10/4/2012, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 2056 yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp. Nhưng đến nay, đa phần các ngân hàng vẫn rất ngại tái cơ cấu nợ do lo ngại rủi ro. Cũng chính vì lý do này, nhiều ngân hàng đã tái cơ cấu nợ bằng cách “đảo nợ”.

 

Chị Hà Anh, chủ một nhà hàng lớn tại Hà Nội cho hay giữa tháng trước, chị phải vào Sài Gòn để giải quyết khoản nợ quá hạn 500 triệu đồng với một ngân hàng cổ phần. Ngay khi gặp mặt, trưởng bộ phận chi nhánh của ngân hàng này đã đặt vấn đề luôn: chị nên vay bên ngoài để trả vào ngân hàng khoản nợ trên. Ngân hàng cam kết chỉ 03 ngày sau khi trả nợ, sẽ làm hồ sơ cho chị vay lại khoản tiền trên.

 

“Tôi thuyết phục họ khó khăn của tôi chỉ là tạm thời, nhà hàng vẫn cho doanh thu tốt nhưng không được. Tôi đành liều vay “nóng” bên ngoài với lãi suất 5%/tháng để trả. Sau đó tôi phải làm thủ tục để vay của một ngân hàng khác với lãi suất thấp hơn”- Chị Hà Anh nói.

 

 

Ngân hàng luôn nắm đằng chuôi trong việc cho DN đảo nợ	Ảnh: Hồng Vĩnh
Ngân hàng luôn nắm đằng chuôi trong việc cho DN đảo nợ Ảnh: Hồng Vĩnh.

 

Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó giám đốc một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, kể: Ngân hàng cũng bắt công ty vay vốn ở ngoài để trả khoản nợ 1,2 tỷ đồng, với lãi suất 20%/năm. Sau đó, ngân hàng hứa sẽ cho vay lại khoản vốn này với lãi suất 16,5%/năm. Vay chợ đen với lãi cắt cổ để trả nợ ngân hàng mà không chắc chắn sau đó có được vay lại vốn rẻ từ ngân hàng hay không, thôi thà chịu lãi phạt, còn hơn đảo nợ kiểu đó.

 

Theo TP

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo