Doanh nghiệp mỏi mòn chờ cơ chế
Được đầu tư hơn 700 tỉ đồng, nhưng nhà máy cồn ethanol của Cty TNHH Đại Việt (Đắc Nông) mỗi tháng chỉ sản xuất được 5-7 ngày do sản phẩm không tiêu thụ được, càng làm càng lỗ nặng. Cty là một trong 6 nhà máy xăng sinh học đã có sản phẩm ra thị trường đón đầu chủ trương của Chính phủ, nhưng đã 5 năm trời, DN này phải “tự bơi”, và mỏi mòn chờ cơ chế, chính sách để đưa xăng sinh học vào sử dụng rộng rãi.
Càng làm càng lỗ
Ngày đầu tuần, nhưng nhà máy sản xuất cồn của Cty TNHH Đại Việt - tọa lạc tại KCN Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đắc Nông - yên ắng lạ thường. Khu sản xuất chỉ lèo tèo vài công nhân kỹ thuật bảo trì máy móc, khối văn phòng cũng chỉ mấy nhân viên vẻ rất nhàn. Theo ông Nguyễn Trọng Toàn - TGĐ Cty - dự án của Cty có công suất 64 triệu lít cồn ethanol/năm, dự kiến nâng lên 100 triệu lít/năm, nhưng đang hoạt động cầm chừng. Mỗi tháng chỉ làm 5 - 7 ngày, sản xuất khoảng 1 triệu lít để xuất khẩu sang Singapore, Hàn Quốc hoặc Thái Lan, Đài Loan (TQ). Ông Toàn cho biết: "Nhà máy xây dựng năm 2007, hoàn thành năm 2009. Hoạt động chưa được bao lâu thì gặp “bão” lãi suất ngân hàng, sản phẩm không tiêu thụ được nên DN lao đao. Thời điểm nhộn nhịp, nhà máy có 215 công nhân, chưa kể lao động thời vụ, nhưng bây giờ chỉ còn một nửa mà không đủ việc làm, Cty cố gắng trả lương cứng cho công nhân cầm cự, chờ tình hình sáng sủa hơn...".
Cũng như các DN khác, Cty Đại Việt đầu tư nhà máy cồn để đón chủ trương đưa xăng sinh học E5 vào sử dụng rộng rãi tại 7 tỉnh, TP theo đề án của Chính phủ. Song chủ trương so với tiến độ ban đầu bị chậm cả năm trời, Cty đành xuất khẩu cầm cự, hiệu quả kinh tế rất thấp. Ông Toàn cho biết, tại thị trường Châu Á, các DN Việt Nam phải "né" thời vụ thu hoạch sắn của Brazil mới xuất khẩu cồn được. Bởi đây là nước có lịch sử sản xuất cồn lâu đời, nguyên liệu dồi dào và ổn định, công nghệ tiên tiến nên chúng ta không cạnh tranh nổi. Hơn nữa các thị trường này chủ yếu mua cồn ethanol để làm hóa chất, sản xuất mỹ phẩm nên sản lượng tiêu thụ rất ít ỏi, các DN Việt Nam có làm nhiều cũng không bán được, thậm chí còn lỗ nặng.
Cơ chế chưa rõ ràng
Có thể coi việc đưa xăng sinh học vào sử dụng rộng rãi tại 7 tỉnh, TP từ ngày 1.12.2014 tới đây là "ánh sáng cuối đường hầm" cho các DN sản xuất cồn ethanol. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Toàn cho biết, hiện người dân vẫn hiểu rất lơ mơ về xăng sinh học, dù các phương tiện truyền thông đã quảng bá nhiều về loại xăng này. Còn các DN kinh doanh xăng dầu nữa, chưa rõ họ có sẵn sàng chào đón hay không? Chủ trương là vậy, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có những biện pháp mang tính bắt buộc hoặc chế tài, chẳng hạn các địa phương không làm thì bị xử lý như thế nào? Về cơ chế, các đơn vị sản xuất vẫn chưa được biết giá bán cồn cho pha chế xăng sinh học là bao nhiêu, trong khi họ tự tính tối thiểu phải 14.500 đồng/lít thì mới có lãi. Theo các DN, hiện Trung Quốc đang đẩy giá mua sắn lát lên 225USD/tấn (giá FOB giao tại cảng Quy Nhơn), trong khi giá cồn chỉ 780USD/tấn nên sản xuất cồn bị lỗ. Cũng do bài toán giá cồn, dù đã bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng xây nhà máy, các DN vẫn chưa dám đầu tư vùng nguyên liệu. "Phải đảm bảo có lãi thì chúng tôi mới lo nguyên liệu chứ, không lẽ xây dựng vùng nguyên liệu rồi đem sắn đi buôn" - ông Toàn nói. Hiện mỗi năm nông dân làm ra khoảng 1,4 triệu tấn sắn lát, nhưng họ có trồng sắn nữa hay không chủ yếu do thị trường Trung Quốc quyết định chứ không phải các nhà máy cồn.
Chỉ còn vài tháng nữa là đến thời điểm đưa xăng sinh học vào sử dụng rộng rãi, nhưng còn quá nhiều vấn đề có tính quyết định vẫn chưa được giải quyết. Trao đổi với PV Lao Động, ông Biện Văn Minh - Giám đốc Sở Công Thương Đắc Nông - cho biết, sắp tới sở mới tiến hành làm việc cụ thể với DN, bàn biện pháp thực hiện chủ trương của Chính phủ.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo