Doanh nghiệp: Nạn nhân và thủ phạm của tham nhũng
Trước đây dư luận xã hội chủ yếu cho rằng doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng. Nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp chủ động dùng tiền bạc hối lộ để giành lợi thế.
Đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) giữa các nhà tài trợ quốc tế với Chính phủ sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới, với chủ đề về liêm chính trong kinh doanh. Chuẩn bị cho hoạt động này, ngày 22-10, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), Thanh tra Chính phủ cùng Đại sứ quán Anh đã tổ chức hội thảo đánh giá tình hình và tìm giải pháp thu hút cộng đồng doanh nghiệp (DN) mạnh dạn tham gia vào công cuộc chống giặc nội xâm.
Sẵn sàng bôi trơn nếu có lợi
Chia sẻ nghiên cứu năm 2012 do Thanh tra Chính phủ phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, bà Trần Thị Lan Hương - chuyên gia thể chế của WB khẳng định DN không chỉ là nạn nhân mà đã trở thành thủ phạm gây ra tham nhũng. Biểu hiện rất rõ là DN góp phần tạo ra vòng luẩn quẩn của tham nhũng. Đáng chú ý, trong vòng luẩn quẩn này, ở số DN trả lời là từng tham gia hối lộ thì có tới 75% cho biết có những lúc họ tự nguyện quà cáp cho cán bộ công quyền mà không chờ gợi ý hay dọa dẫm. “Chúng tôi giật mình với kết quả ấy” - ông Ngô Mạnh Hùng, Cục phó Cục PCTN (Thanh tra Chính phủ), cho biết.
Theo ông Hùng, các nghiên cứu trước đây và kể cả dư luận xã hội chủ yếu cho rằng DN là nạn nhân của tham nhũng. Nhưng nay thì đã rõ hơn: DN sẵn sàng thỏa hiệp với các tệ nạn, dùng tiền bạc hối lộ để tìm lợi thế trong kinh doanh, giành hợp đồng, hoặc đơn giản “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” để phòng ngừa phiền hà, nhũng nhiễu có thể sẽ xảy ra nơi cửa công. “Về bản chất, người làm kinh doanh biết cách tính toán thiệt hơn với tham nhũng. Chấp nhận một chút chi phí bôi trơn có khi
Lối thoát: Sạch từ nội bộ
Mặc dù lợi ích từ mỗi “phi vụ” luẩn quẩn cụ thể đó có thể là cao nhưng nghiên cứu cũng cho thấy hậu quả tiêu cực về tổng thể. Cụ thể, so sánh hai năm 2010 và 2012, tỉnh/thành nào mà hiện tượng tham nhũng ít hơn (thể hiện qua tỉ lệ DN trả lời có đưa hối lộ thấp hơn) thì hiệu quả hoạt động của DN ở đó lại cao hơn.
Vậy làm thế nào để DN thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó, hợp lực cùng xã hội chống lại các biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu của công chức? “Trước hết, mỗi công ty nên tự xây dựng quy chuẩn trong sạch nội bộ” - ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc FURAMA Đà Nẵng, chia sẻ kinh nghiệm.
“Tự DN chúng tôi đã là một chuỗi cung ứng nội bộ, từ tuyển dụng nhân sự, mua sắm tài sản, vật tư, thiết kế sản phẩm, dịch vụ, tiếp thị, bán hàng… Mỗi hoạt động ấy, nếu không nghiêm khắc thì đã tự phát sinh tham nhũng” - ông Vinh nói. Chính vì vậy, FURAMA đã thiết lập hệ thống quản lý liêm chính chặt chẽ, ít nhất là không để phát sinh tham nhũng ngay trong chính nội bộ mình.
Tương tự, Mercedes-Benz VN (MBVN) cũng duy trì cho mình các chuẩn mực liêm chính - một giá trị cốt lõi từ tập đoàn mẹ Daimler. Giám đốc Nguyễn Ngọc Hạnh cho biết tuân thủ các tiêu chí về liêm chính không chỉ được áp dụng trong nội bộ công ty mà còn được MBVN đòi hỏi với các đối tác kinh doanh của mình. Theo đó, trong các thỏa thuận làm ăn luôn có hai điều khoản: Đối tác phải cam kết tuân thủ pháp luật về PCTN của VN và MBVN có quyền yêu cầu kiểm tra sổ sách chứng từ của đối tác bất cứ lúc nào nếu có nghi ngờ liên quan đến tham nhũng.
Hành động tập thể nói không với tham nhũng
Nhưng đó là các tập đoàn lớn, còn các DN vừa và nhỏ thì làm sao đủ nguồn lực, kinh nghiệm để kháng cự lại tham nhũng, trong khi chấp nhận hối lộ có khi lại được việc hơn? Câu trả lời, theo bà Nguyễn Kim Liên (cố vấn thể chế, Bộ Phát triển quốc tế Anh), là cộng đồng DN nên có hành động tập thể.
VN từng có những kinh nghiệm như thế. Chẳng hạn, năm 2007 Ban quản lý (BQL) Khu công nghệ cao TP.HCM và Intel đã ký kết biên bản ghi nhớ về đạo đức kinh doanh và quy tắc ứng xử. Trên cơ sở đó, năm tiếp theo, 12 DN tại khu công nghệ cao đã ký thỏa ước liêm chính với Intel, trong đó cam kết xử lý nghiêm các hình thức tham nhũng, có chương trình đào tạo cán bộ về liêm chính và khuyến khích các nhà cung cấp, khách hàng của mình cùng thực hiện. Về phía BQL cũng cam kết đào tạo, nâng cao nhận thức cán bộ về liêm chính; khuyến khích các đối tác của mình tuân thủ các chuẩn mực đạo đức kinh doanh. BQL cũng tuyên bố hỗ trợ các DN trong quan hệ hành chính với các bộ, ngành liên quan, để thúc đẩy và thực thi đạo đức kinh doanh.
Đánh giá về khả năng thiết lập các nhóm, liên minh DN vì liêm chính, ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Văn phòng DN vì phát triển bền vững (VCCI) cho rằng đây là vấn đề mới. Cùng với sự thức tỉnh từ phía cộng đồng DN, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ. Chẳng hạn, trong việc mua sắm công, Chính phủ cần có những quy định cụ thể khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho DN liêm chính. Đồng thời, Chính phủ lên danh sách đen những DN có dấu hiệu tiêu cực. Chỉ khi bàn tay DN - bàn tay Chính phủ cùng hòa nhịp thì PCTN mới hy vọng chuyển biến.
Theo PL TPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo