Doanh nghiệp ngả mũ chào thua … hàng lậu!
Trong lúc hàng hóa chất đầy kho không bán được, thị trường khê đọng vì sức mua thấp, các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng tiêu dùng còn phải đối chọi với hàng hóa nhập lậu giá rẻ khiến cho không ít DN phải ngã mũ chào thua … hàng nhập lậu từ khắp nơi đổ về.
Hàng lậu tràn ngập thị trường
TP. Hồ Chí Minh là nơi cung cấp cho thị trường cả nước số lượng lớn các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu nhưng đồng thời còn là “vùng trũng” hứng chịu các loại hàng hóa nhập lậu. Khi hàng hóa tiêu thụ của một số thị trường trong khu vực khó khăn, lập tức các mặt hàng này tìm mọi cách thẩm lậu vào Việt Nam, trong đó nhiều nhất là hàng Trung Quốc.
Chỉ trong một tuần (từ ngày 27/3 đến ngày 3/4), lực lượng quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh đã xử phạt hành chính 50 vụ hàng nhập lậu, giá trị hàng tiêu hủy đã lên tới 314 triệu đồng.
Riêng mặt hàng bột ngọt, trong tuần đã có 11 vụ vi phạm đã bị xử lý. Ngày 29/3, Đội QLTT Tân Bình kiểm tra điểm chứa trữ hàng hóa tại một nhà trên đường Huỳnh Văn Nghệ, P.15, Q.Tân Bình, đã tạm giữ bột ngọt gồm 20 bao (25 kg/bao) hiệu Fufeng hình hai con tôm xuất xứ Trung quốc nhập lậu, 210 kg bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto và 8 kg bao nylon đựng bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto. Cùng với bột ngọt nhập lậu, lực lượng kiểm tra còn phát hiện tại đây số lượng lớn hàng nhập lậu gồm 445 kg bột giặt hiệu Omo (trong đó có nhiều gói là hàng giả), 1.340 hộp kem thoa mặt hiệu PC cream, hiệu Emoon không ghi xuất xứ, 32,5 kg vỏ hộp giấy đựng kem thoa mặt hiệu Young One, hiệu NE, 14 kg bao bì nylon đựng bột giặt giả nhãn hiệu Omo.
Ngày 2/4, Đội QLTT huyện Cần Giờ đã phát hiện một xe tải chở 20 bao bột ngọt Trung Quốc nhập lậu (25 kg/bao) tại thị trấn Cần Thạnh. Các Đội QLTT 6B, 7B, 12B đã tạm giữ 1.528 kg bột ngọt Trung Quốc nhập lậu. Số lượng hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả đã tạm giữ trong quý 1 gồm 1.147.240 đơn vị sản phẩm, 159,65 tấn các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, bia, rượu, sữa nước, thuốc lá điếu, quần áo, điện thoại di động, mỹ phẩm, phụ tùng linh kiện, thiết bị các loại, đồng hồ, kính mắt, giày dép, túi xách, vải sợi... nhập lậu….
Bất lực với hàng lậu?
Nhiều DN sản xuất các mặt hàng mà hàng lậu có số lượng lớn tại thị trường Việt Nam đa số đều lắc đầu "chào thua" vì không cạnh tranh được.
Ông Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc Công ty may mặc Quánh Bình (quận Phú Nhuận) cho biết, hàng lậu mẫu mã đẹp, giá rẻ hơn hàng cùng loại sản xuất trong nước nhờ lậu thuế và có khả năng thâm nhập thị trường nhanh hơn nhờ đánh trúng tâm lý người tiêu dùng vì giá thấp. Theo tính toán của ông Thắng, một chiếc quần kaki nam may bằng vải chất lượng trung bình khá, giá thành sản xuất trong nước là 115.000/chiếc, nhưng sản phẩm cùng loại của Trung Quốc chỉ bán có 95.000- 100.000 đồng/chiếc, nếu mua số lượng nhiều chỉ còn 90.000 đồng/chiếc. “Nhà nước nếu không có phương án để loại trừ quần áo may sẵn nhập lậu thì ngành may mặc trong nước rất dễ "dẹp tiệm" vì không đủ lực để cạnh tranh”- ông Thắng bức xúc.
Theo ghi nhận của một công ty sản xuất bột ngọt trong nước, bột ngọt nhập lậu tiêu thụ tại thị trường Việt Nam hiện nay đa phần là bột ngọt giả hiệu sản phẩm trong nước, nguyên liệu thường là bột ngọt xá (loại dùng trong ngành công nghiệp) và giá bán chỉ bằng 50-70% hàng thật. Bột ngọt nhập lậu vào Việt Nam ngày càng nhiều, không chỉ làm tổn hại đến các DN mà còn gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng vì không thể kiểm soát được về mặt chất lượng.
Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, thứ gì có thể bán được đều có hàng lậu, từ cây kim, sợi chỉ, đồ dùng học sinh đến bánh kẹo, thuốc chữa bệnh, hàng điện tử… Hàng lậu bắt mắt và đặc biệt giá rẻ, đây là hai đặc thù đang giết chết dần hàng hóa sản xuất trong nước. Ông Trịnh Thức Ba, Phó giám đốc Công ty Đại Thành(quận 6)- chuyên sản xuất đồ chơi bằng chất liệu nhựa - cho biết, chừng 5 năm trước các loại đồ chơi Trung Quốc chiếm khoảng 50-60% thị phần nay đã là trên dưới 80%. Ngoài số lượng nhiều, đồ chơi Trung Quốc bằng nhựa giá chỉ bằng phân nửa thậm chí còn thấp hơn so với hàng trong nước cùng loại, lý do hàng Trung Quốc chiếm tới 60-70% là hàng lậu. “ Nếu hàng lậu không được đẩy lùi, nhiều DN sản xuất trong nước sẽ phải "rửa tay gác kiếm" vì không thể cạnh tranh nổi với hàng giá rẻ ào ạt tràn vào thị trường”- ông Ba xót xa nói.
Minh Trí
Theo Công Thương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo