Doanh nghiệp nhà nước: "Dại gì rút vốn"
Viện đủ lý do
Chủ tịch HĐTV Tổng Cty Lắp máy Việt Nam (Lilama) Nguyễn Đình Hải cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, đơn vị sẽ thoái vốn khỏi toàn bộ các công ty liên kết. Lilama chỉ giữ lại 8 đơn vị nòng cốt (mà đơn vị sẽ nâng vốn điều lệ). Số tiền thoái vốn sẽ tập trung dồn cho các ngành nghề chính. Tuy nhiên, dù thời điểm rút vốn cận kề, nhưng hàng trăm tỷ đồng tiền vốn đầu tư ra bên ngoài vẫn đang nằm trong các doanh nghiệp đối tác vẫn chưa bán, thậm chí chưa tìm được đối tác để bán. Trong đó, phải kể đến, như: Nhà máy que hàn
“Vấn đề là thị trường hiện nay không thuận lợi để rút. Tại nhiều đơn vị góp vốn: Chúng tôi công khai tuyên bố Lilama muốn rút, nhưng chưa tìm thấy người mua. Hiện, ở Lilama 18 chúng tôi còn kẹt 18 tỷ đồng vốn góp. Giờ muốn thoái cũng chưa được, nói gì đến bán. Số tiền hơn 100 tỷ đồng khác đầu tư vào một số doanh nghiệp cũng như lĩnh vực bia rượu, nước giải khát vẫn chưa có cách rút về”, ông Hải cho biết.
Tổng giám đốc một DNNN đang đầu tư góp vốn ngoài ngành ở 20 doanh nghiệp khác cho biết: “Dù Chính phủ đã bật “đèn xanh” thoái vốn dưới mệnh giá, nhưng thực tế không dễ thực hiện. Về nguyên tắc tài chính, phải có dự phòng mới thực hiện được theo phương án này. “Nếu đầu tư 10 và có trích dự phòng được 2 thì mới có thể bán lỗ, thu 8 đồng về. Về thủ tục, khi được phê duyệt đề án mới được phép tìm nhà đầu tư. Thế nhưng, tìm nhà đầu tư rất khó. Nếu doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán thì có thể dễ tìm. Còn tìm để thỏa thuận bán, khó hơn lên trời”.
Vị này cũng kể câu chuyện bi hài trong thoái vốn ngoài ngành. Theo đó, một đối tác làm ăn đồng ý mua lại vốn 58 tỷ đồng của công ty ông ở một đơn vị khác mức giá thỏa thuận từ hơn 1 chấm, với điều kiện cho thanh toán trong 2 năm. Dù cần thoái vốn nhanh, nhưng công ty không dám bán. “Nói cho trả tiền mua trong 2 năm, nhưng có khi 30 năm vẫn chưa đòi được tiền. Lúc đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm”, vị này kể.
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Phùng Đình Thực cho biết, đã xây dựng và thực hiện việc tái cơ cấu từ 4 năm qua, nhưng việc thoái vốn các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành của tập đoàn đang rất khó khăn. Trở ngại chính là sự khác biệt giữa cơ chế chính sách thoái vốn và thực tế thị trường. “Hiện, bán vốn khó, nhưng quy định lại yêu cầu vẫn phải bảo toàn vốn nhà nước”, ông Thực nói.
Chậm do… đang lãi
Thực tế cho thấy, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã thu được khoản lãi khá lớn từ hoạt động đầu tư ngoài ngành. Ở một số đơn vị, số lãi từ đầu tư ngoài ngành còn cao hơn cả số lãi thu được từ hoạt động kinh doanh chính. Do đó, một số nơi thậm chí đã đề nghị lùi thoái vốn.
Như ở Tập đoàn Dệt may Việt Nam, có tổng cộng 11 đơn vị đã thoái vốn với tổng thu 248,24 tỷ đồng. So với số tiền đầu tư ban đầu, không tính lợi tức, cổ tức được chia hàng năm, vốn đầu tư thu về đã tăng thêm 45,8 tỷ đồng so với khi bỏ ra. Tập đoàn Điện lực (EVN) cũng thu lợi từ việc chuyển nhượng vốn đầu tư ngoài ngành. Chỉ riêng bán 1 triệu cổ phần tại Cty Bảo hiểm Toàn cầu cho Cty International ERGO, EVN đã thu lời gấp đôi khi bán với giá 26.000 đồng/cổ phần (mua vào chỉ 13.924 đồng/cổ phần).
Tập đoàn Công nghiệp Cao su cũng thu lãi 23,52 tỷ đồng trong tổng số 168 tỷ đồng (tương đương 28% vốn tại Cty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn. Vietnam Airlines (VNA) cũng có mặt trong danh sách các tập đoàn có lợi khi bán vốn đầu tư ngoài ngành. Chỉ riêng việc rút vốn khỏi Techcombank và Cty Bảo hiểm Bảo Minh, VNA có lãi 130,2 tỷ đồng trong tổng số 427,2 tỷ đồng thu được.
Tai hội nghị tái cơ cấu DNNN mới đây, Chủ tịch HĐTV tập đoàn Petrolimex Nguyễn Ngọc Bảo cũng kiến nghị, thoái vốn tại một số doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đó và gián tiếp ảnh hưởng đến công ăn, việc làm, đời sống của người lao động, tạo áp lực lên các vấn đề kinh tế xã hội khác. Dù nêu khó khăn, nhưng nhìn vào báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm tài chính 2012 của Petrolimex, các ngành kinh doanh ngoài ngành khác mang về cho tập đoàn này khoản lãi lên tới 978 tỷ đồng.
Về việc doanh nghiệp xin chậm thoái vốn, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, chính số lãi rất lớn (từ các khoản đầu tư ngoài ngành) là lý do nhiều tập đoàn, tổng công ty cố xin được giữ đầu tư ngoài ngành thêm vài năm nữa.
Theo ông Doanh, cần cân nhắc việc có nhất thiết phải bán cùng lúc hàng trăm triệu cổ phiếu của các doanh nghiệp. Nếu vì đảm bảo tiến độ hoàn thành thoái vốn vào cuối năm 2015 mà bị lỗ, ai sẽ chịu trách nhiệm khi không bảo toàn được nguồn vốn nhà nước. “Việc thoái vốn cần được xử lý thận trọng, có hiệu quả, tránh mang tính nội bộ khi vốn cổ phần chỉ xoay vòng giữa các công ty trong nội bộ tập đoàn”, ông Doanh nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao