Thị trường

Doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ công nghệ

65,9% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam khẳng định sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh. Điều này cho thấy những khó khăn hiện tại của nền kinh tế không ảnh hưởng tới kỳ vọng cũng như tầm nhìn trong tương lai của các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư tại Việt Nam.

Đó là kết quả điều tra về hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương(trong đó có Việt Nam) của Cơ quan Xúc tiến thương mại đầu tư Nhật Bản (JETRO) công bố mới đây. Tuy nhiên, theo ông HIROKAZU Yamaoka, Trưởng đại diện văn phòng JETRO cho biết, không chỉ mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp Nhật Bản cũng sẵn sàng chia sẻ công nghệ với các doanh nghiệp Việt Nam .

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác, cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trong năm 2013?

- Đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam đang ghi nhận những chuyển biến mạnh mẽ. Việt Nam đang có được những thế mạnh nhất định và vẫn sẽ là một trong số những quốc gia ưu tiên của Nhật Bản trong những năm tới. Tuy nhiên, nếu xét đến các khía cạnh như nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, môi trường đầu tư và cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa thực sự hoàn thiện thì cũng có quan điểm cho rằng, việc tăng cường hơn nữa đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2013 sẽ không dễ dàng.

Theo ông, những khó khăn chính mà doanh nghiệp Nhật Bản gặp phải trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư vào Việt Nam là gì?

- Trong khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, thách thức lớn nhất về mặt kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung là vấn đề chi trả tiền lương cho nhân viên. Theo khảo sát của JETRO, có tới 81,5% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang đối mặt với khó khăn này.

Chất lượng nguồn nhân lực, ý thức của người lao động địa phương và "độ phức tạp" trong giải quyết các thủ tục hải quan, hành chính cũng là những vấn đề lớn còn tồn tại khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản gặp khó trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, việc cung cấp (hay nội địa hóa) nguyên vật liệu, linh kiện trong ngành sản xuất chế tạo tại Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết và hiện đang là rào cản rất lớn cho khả năng mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo điều tra mới nhất của JETRO, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, linh kiện của Việt Nam chỉ đạt 27,9%, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của khu vực châu Á - châu Đại Dương (47,8%). Theo ông, nguyên nhân do đâu và làm thế nào để Việt Nam cân bằng được con số này?

- Thực tế cho thấy, nội địa hóa là khó khăn mà bất cứ quốc gia đang phát triển nào cũng đều gặp phải. Tuy nhiên, cũng cần xem xét vấn đề dưới góc nhìn đa chiều. Vấn đề không chỉ nằm ở chính sách mà còn bao hàm cả "yếu tố sẵn sàng" (đón nhận khoa học - công nghệ) của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nếu như trước đây, hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao thường "giữ công nghệ" rất kỹ (cho riêng mình) thì nay, tâm lý đó đã cởi mở hơn. Thực tế là rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang thiếu "người kế thừa". "Quan hệ cộng sinh" là một logic về mặt kinh tế, và các doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam cần cố gắng tận dụng, chuẩn bị thật tốt các yếu tố cần thiết, đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực.   

Theo ông, Chính phủ Việt Nam nên làm gì để có thể thu hút được nhiều hơn nữa mối quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản, cũng như Chính phủ Nhật Bản sẽ làm gì để giúp Việt Nam trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế?

- Cá nhân tôi cho rằng, đã qua rồi thời kỳ mà việc đầu tư kinh doanh ở Việt Nam dễ dàng, mang lại lợi nhuận cao và nhanh chóng. Đã đến lúc Việt Nam cần thúc đẩy phát triển một nền kinh tế phát triển theo chiều sâu. Hay nói cách khác là tập trung sản xuất hàng hóa công nghệ cao, nhằm mang lại giá trị gia tăng lớn hơn và từng bước hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện tại, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã được thành lập, thu hút sự tham gia của 1.400/1.700 doanh nghiệp. Chúng tôi rất kỳ vọng vào năm 2013 - năm hai nước tiến tới kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, giới doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản sẽ có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn ông!

 

 

Thảo Nguyên (Theo KTĐT)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo