Doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ
Khó khăn và phá sản
Tính đến cuối tháng 9 năm 2011 có 606.900 doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, cũng tính đến thời gian này đã có 160.930 doanh nghiệp phá sản, không còn hoạt động. Như vậy nếu trừ số những doanh nghiệp không còn hoạt động đi thì cả nước chỉ còn lại 445.970 doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp đang thực sự hoạt động chắc chắn còn thấp hơn rất nhiều bởi trong thực tế có nhiều doanh nghiệp vừa mới thành lập nhưng chưa hoạt động vì gặp khó khăn.
Khó khăn kéo dài đang khiến các doanh nghiệp sống dở, chết dở. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại không mang lại hiệu quả như ý muốn, thậm chí bị ngư trệ, nhiều lao động không có việc làm...
Trước những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ để doanh nghiệp đứng vững trong năm 2012. Trên tinh thần đó, các giải pháp như: mở rộng tín dụng, giảm lãi suất, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm 50% số tiền thuê đất trong năm 2011 và 2012 cho các doanh nghiệp sản xuất… đã bước đầu được triển khai. Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, thì đây là những giải pháp thiết thực, có ý nghĩa, tuy nhiên phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa lại chưa thực sự được hỗ trợ, chưa tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chỉ có 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa vay được vốn ngân hàng và có 200.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (trong tổng số 360.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động) được giãn thuế, 236.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm 30% số thuế phải nộp năm 2011. Giãn thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ giải quyết tạm thời một phần khó khăn cho doanh nghiệp. Sau hai năm được giãn, doanh nghiệp phải nộp dồn khoản thuế của cả hai năm thì còn khó khăn hơn bởi chuyện làm ăn của doanh nghiệp trong năm nay được báo còn khó hơn cả năm 2011.
Như vậy khó khăn kéo dài khiến không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa phải gồng mình chống đỡ, phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh để tồn tại. Nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh ngừng hoạt động, phá sản...
Cần một sự thay đổi
Về các giải pháp tài chính cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Sự - Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng: Doanh nghiệp không quan trọng là được cho, được giảm những gì. Quan trọng là các chính sách được thực hiện đến đâu.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia đồng tình: Đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai từ lâu, nhưng nhiều chính sách cũng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, chưa đâu vào đâu.
Đơn cử như việc thành lập cũng như hiệu quả hoạt động của các loại quỹ hỗ trợ DNNVV chưa thực sự đi vào đời sống doanh nghiệp: Việc thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện từ năm 2001, đến nay chỉ có 13/63 tỉnh thành thành lập được Quỹ này và mô hình quỹ còn nhiều khiếm khuyết, không phù hợp; việc lập Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng đã phê duyệt từ năm 2009 nhưng cũng chưa được thành lập; Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia tuy được thành lập nhưng “cũng quá xa vời vì doanh nghiệp không tiếp cận được”; Nhà nước khuyến khích thành lập Vườn ươm doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp có thời hạn trong giai đoạn khởi nghiệp, nhưng nhiều nơi còn thiếu nhất quán, thiếu vốn thực hiện…
Theo chuyên gia kinh kế Vũ Đình Ánh, các vấn đề tài chính phát sinh ngày càng nhiều và phức tạp nên không thể trông chờ có ngay những giải pháp đồng bộ mà phải triển khai ngay những chính sách có thể giải quyết vướng mắc tại chỗ với quan điểm là tạo ra những thuận lợi tài chính cao nhất cho doanh nghiệp. Theo ông Ánh, sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta thay thế các ưu đãi thuế bằng việc hỗ trợ tài chính nhà nước từ Quỹ Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ tài chính cho khoản đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề mà chúng ta cần tập trung phát triển…
Ngoài ra, một số đề xuất khác cũng đã được các chuyên gia kinh tế và nhiều doanh nghiệp đưa ra như: Nên bãi bỏ luôn những khoản phí, lệ phí không phù hợp, không hợp lý như lệ phí quản lý tài sản, phí tư vấn tài chính, phí giải ngân khoản vay; thành lập ngân hàng chính sách cung cấp tín dụng riêng cho DNNVV…
Phan Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông