Tin tức - Sự kiện

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang xa dần nông nghiệp

Có một thực tế là, hiện nay là các DNNVV VN đang có xu hướng không muốn đầu tư vào nông nghiệp cho dù đây là ngành được xác định là mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Năng lực đổi mới DNNVV trong lĩnh vực NN đang giảm dần

 

Điều này được thể hiện ở năng lực đổi mới DNNVV trong lĩnh vực nông nghiệp đang giảm dần. Cụ thể là tỷ lệ đa dạng hóa sản phẩm, phát triển mới và cải tiến sản phẩm đều giảm trong những năm gần đây, từ 66,3% năm 2005 xuống còn 54,2% năm 2013.

Điều này không chỉ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm của ngành nông nghiệp, mà còn cho thấy trình độ, năng lực công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam không những đã thấp, mà còn đang bất ổn về phát triển. Đơn cử như, nghề làm nước mắm hộ gia đình tại Khánh Hòa đang có quy trình sản xuất không thống nhất, mỗi gia đình làm theo cách riêng của mình.

Do thế mà sản phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó làm giảm hiệu quả kinh doanh và làm giảm khả năng hoạch định tài chính, gây khó cho khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng.

Bên cạnh đó, mặc dù trong những năm gần đây, kinh tế hộ nông trại phát triển tương đối rầm rộ nhưng đến nay lại chững lại, nhiều nông trại phá sản do thua lỗ...

Tại sao kinh tế trang trại lại không phát triển bền vững, không giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh? Theo ý kiến của tôi, bởi hầu hết các chủ trang trại đều có chung tâm lý: đất đai không phải của họ nên không yên tâm đầu tư. Hơn nữa, phần lớn trang trại đều không bảo đảm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, dịch bệnh.

Đặc biệt, tiếng là trang trại nhưng thực chất vẫn là nông hộ quy mô nhỏ. Trong khi đó, các HTX dịch vụ nông nghiệp lại chưa thực sự phát huy được vai trò “nhạc trưởng”; chưa thực sự là cầu nối, giúp doanh nghiệp và nông dân hợp tác. Từ bất cập này, nhiều hợp đồng liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân đã mau chóng bị phá vỡ...

Do vậy, vấn đề đặt ra là muốn doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, cần phải cơ cấu tổ chức lại sản xuất nông nghiệp một cách khoa học, hợp lý theo chuỗi liên kết chặt chẽ và sự tham gia của nhiều bên như nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, HTX. Sự liên kết này nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tập trung nguồn nguyên liệu, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và kết nối sản xuất với thị trường.

Diễn đàn Doanh nghiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo