Doanh nghiệp nội cần ưu đãi
Bởi nếu chỉ đưa ra một con số mang tính định lượng về số DN chết, nhiều người sẽ lại biện hộ rằng, số DN thành lập mới cũng gia tăng. Rằng những DN làm ăn manh mún, thiếu chiến lược bị thanh lọc là tất yếu. Nhưng có một điều đáng lo ngại hơn lại là ở nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề... nhãn hàng nội hầu như đã biến mất, thay vào đó là các thương hiệu ngoại.
90% thị trường hóa mỹ phẩm nội địa thuộc về các DN nước ngoài. Rất khó để tìm thấy dầu gội đầu, bột giặt, kem đánh răng thuần Việt trên quầy kệ của siêu thị nội địa. Từ năm 2010, 80% thị phần nước giải khát trong nước về 2 ông lớn Coca- Cola và PepsiCo. Tỷ trọng nắm giữ của các DN nước ngoài chắc chắn đã tăng lên đáng kể vì trong gần 4 năm qua, đã có thêm một số thương hiệu nước giải khát lớn trong nước bị thôn tính. Các nhà sản xuất nước đóng chai nội cũng chỉ giữ một tỷ lệ khiêm tốn, khoảng 20% thị phần trên chính sân nhà. DN nước ngoài cũng đang chi phối thị trường thức ăn chăn nuôi; ngành cơ khí trong nước lép vế.
Có thể thấy, ngày càng có nhiều địa bàn chúng ta "thua toàn tập" và nhường sân cho các DN ngoại. Lý do "thua" xưa nay đều "đổ" cho DN nội sức cạnh tranh kém, tiềm lực tài chính yếu, quản trị lạc hậu... Những điều này không sai nhưng còn thiếu. Một nguyên nhân quan trọng đóng góp vào hậu quả nói trên là các DN nội đang bị thua thiệt so với các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Họ phải đóng thuế TNDN cao hơn, thuê đất với giá đắt hơn, vay vốn lãi suất cao hơn; tiếp cận thị trường khó khăn hơn... "Thể trạng" yếu hơn lại phải cạnh tranh thiếu công bằng, việc nhiều DN nội bị hất cẳng ngay chính thị trường của mình cũng điều dễ hiểu. Hơn nữa, trong một số lĩnh vực chúng ta lại quá thận trọng trong việc hỗ trợ DN nội. Còn nhớ các chính sách giãn, giảm, gia hạn thuế cho DN nội bị nhiều người, nhiều cơ quan có thẩm quyền nâng lên đặt xuống, bàn đi tính lại về tỷ lệ, thời gian áp dụng vì sợ hụt thu. Mới nhất là trong lĩnh vực đầu tư casino, DN nội bị loại ngay từ trong dự thảo nghị quyết về hoạt động kinh doanh loại hình này khi quy định vốn đầu tư tối thiểu phải 4 tỉ USD.
Khai thác lao động giá rẻ, tiếp cận tài nguyên; hưởng các ưu đãi về thuế, đất đai; các chính sách bảo hộ công nghiệp cũng như tận dụng các chuẩn mực thấp hơn về môi trường nhưng rất nhiều DN FDI đang lách luật, sử dụng mọi chiêu trò để chuyển giá, trốn thuế. Những DN có lợi nhuận cũng tìm mọi cách chuyển về nước, phần đóng góp cho VN rất nhỏ. Vì vậy, nếu không nhanh chóng có những sửa đổi, chọn lọc lại ưu đãi, dứt khoát nói không với các đòi hỏi vượt khung của các nhà đầu tư ngoại, nền kinh tế sẽ tiến dần đến chỗ phụ thuộc ngày càng lớn vào ngoại lực.
Đã đến lúc phải dồn ưu đãi cho DN trong nước để họ được vượt qua khó khăn và trở thành trụ cột chính cho nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo