Doanh nghiệp: Oằn lưng gánh thuế phí
Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thay vì đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm bớt các loại thuế, phí để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì nhiều loại phí đã được "đẻ" thêm, làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp. Theo báo cáo vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố, tỉ lệ thuế và phí/GDP ở Việt Nam cao gấp 1,4 - 3 lần so với các nước trong khu vực.
Gánh oan thuế giá trị gia tăng
Bên cạnh các loại thuế cơ bản như thuế thu nhập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, môn bài, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ (trường hợp doanh nghiệp bán tài sản)..., nhiều khoản thuế đang bị đánh chồng chéo, thuế trùng thuế. Chẳng hạn, doanh nghiệp đã thực hiện các nghĩa vụ thuế kể trên và người lao động cũng đã đóng thuế thu nhập cá nhân nhưng đến khi nhận cổ tức bằng tiền mặt, cổ đông lại tiếp tục đóng thuế thu nhập cá nhân. Như vậy là thuế chồng thuế.
Sự tồn tại dai dẳng của những bất cập trong chính sách thuế khiến không ít doanh nghiệp không còn xem việc thực hiện nghĩa vụ thuế là trách nhiệm và quyền lợi chính đáng mà là gánh nặng. Ví dụ trong lĩnh vực sản xuất - chế biến nông sản (chi phí nguyên liệu đầu vào chiếm khoảng 40% - 50% giá thành) thì thuế giá trị gia tăng là nỗi bức xúc lớn từ nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cho biết theo quy định của Nhà nước, nông dân được miễn thuế giá trị gia tăng. Doanh nghiệp thu mua nông sản từ nông dân, nông dân không có hóa đơn giá trị gia tăng nhưng khi bán hàng thì doanh nghiệp thu mua nông sản vẫn phải chịu thuế giá trị gia tăng 10% và không được hoàn khoản thuế này. Mỗi năm, chỉ riêng tiền thuế giá trị gia tăng Vinamit phải đóng hơn 20 tỉ đồng.
Không chỉ thiệt hại lớn, doanh nghiệp còn bị áp lực cạnh tranh từ các cơ sở nhỏ. Các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở nhỏ có thể lách 10% thuế giá trị gia tăng bằng cách bán hàng trực tiếp ra thị trường hoặc bán cho thương lái nước ngoài, chỉ cần có lãi là bán.
Trong khi đó, doanh nghiệp lớn phải nộp thuế 10% nên giá vốn đã cao hơn các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở nhỏ 10%. Đa số người tiêu dùng ưu tiên mua hàng giá rẻ hơn, thế là doanh nghiệp làm ăn chân chính thiệt đơn thiệt kép.
"Các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi bất cập này nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ những cơ quan có thẩm quyền" - ông Viên ngao ngán.
Các doanh nghiệp sản xuất giấy cũng khổ sở vì phải cõng 10% thuế giá trị gia tăng.
Theo ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Giấy Sài Gòn, đặc thù của các doanh nghiệp sản xuất giấy là sử dụng một phần nguyên liệu mua từ ve chai. Người mua bán ve chai, đại lý ve chai không có pháp nhân nên không xuất hóa đơn bán hàng, không có thuế giá trị gia tăng đầu vào. Năm 1998, Bộ Tài chính cho khấu trừ 3% giá trị gia tăng trên bảng kê thu mua nhưng từ năm 2002 đến nay quy định này đã bị bãi bỏ, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành.
Ám ảnh thuế môi trường
Có hiệu lực từ đầu năm 2012, thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông là nỗi ám ảnh đối với các doanh nghiệp nhựa. Căn cứ theo luật thuế này, mỗi tháng có doanh nghiệp nhựa sẽ phải đóng vài tỉ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường.
Đã có một số doanh nghiệp mất khách hàng, đình trệ sản xuất vì chịu không thấu khoản thuế lên đến 40.000 đồng/kg túi ni lông. Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan hữu trách bằng văn bản, đề nghị sửa đổi những bất hợp lý của Luật thuế Bảo vệ môi trường.
Ông Hồ Đức Lam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho biết: Mới đây liên bộ Tài chính - Công Thương đã họp, đề nghị Chính phủ chỉ đánh thuế đối với túi shopping PET, các loại túi nhựa còn lại không đánh thuế. Không biết bao giờ mới có hướng dẫn cụ thể về thuế đối với túi ni lông. Trước mắt, các doanh nghiệp phải chọn giải pháp thương lượng với khách hàng.
"Nếu khách hàng không chịu tăng giá do cộng thêm thuế thì doanh nghiệp chấp nhận nợ thuế, sau này Nhà nước vẫn quyết thu thuế đối với các mặt hàng túi ni lông không phải là shopping PET thì truy nộp sau. Trong trường hợp cộng thuế bảo vệ môi trường vào giá bán, doanh nghiệp sẽ mất hết khách hàng vì các doanh nghiệp sản xuất có sử dụng bao bì ni lông sẽ nhập khẩu bao bì để không phải chia sẻ chi phí tăng do thuế" - ông Lam than thở.
Bầm dập hoàn thuế
Hoàn thuế cũng là gánh nặng đối với nhiều doanh nghiệp. Chẳng hạn, trong lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc, doanh nghiệp nhập khẩu vải để sản xuất hàng xuất khẩu, trước đây không phải đóng thuế nhập khẩu (sau 275 ngày chưa xuất hàng mới đóng thuế). Mới đây, Bộ Tài chính quyết định bỏ ân hạn này.
Theo đó, doanh nghiệp phải đóng thuế trước, khi nào xuất hàng sẽ được hoàn thuế. Các doanh nghiệp xuất hàng may mặc theo hình thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) mà nhập khẩu nguyên liệu nhiều thì sẽ phải vay tiền ngân hàng để đóng thuế, đến lúc muốn hoàn thuế chắc chắn bầm dập vì thủ tục nhiêu khê.
Cứ đà này, doanh nghiệp may mặc xuất khẩu sẽ chọn phương án làm hàng gia công, thà lợi nhuận thấp nhưng an toàn còn hơn chịu lỗ khoản tiền lãi suất ngân hàng và nhọc nhằn đi "xin" được hoàn thuế. Điều này có nghĩa là ngành may mặc quay trở lại... xuất phát điểm, không có nhiều cơ hội để phát triển.
Theo NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân