Tin tức - Sự kiện

Doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô xin ưu đãi, giảm thuế suất

Tại buổi tạo đàm, đa số đại diện các doanh nghiệp đều bày tỏ ý muốn được Chính phủ cũng như các Bộ, ban ngành liên quan giảm mức thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt...
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngành công nghiệp ô tô phát triển chưa thực sự mạnh chính vì thế rất cần các đối tác chiến lược có tầm vóc, quy mô, năng lực tài chính đủ mạnh để đầu tư vào ngành này.
 
Thứ trưởng Bộ Công thương, Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi Tọa đàm.
 
Dựa trên số liệu thống kê, về số liệu sản xuất và tiêu thụ ô tô tại Việt Nam năm 2014 đạt khoảng 133.588 chiếc (trong đó xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi là 77.428 chiếc và xe thương mại là 56.160 chiếc), tăng 35% so với năm 2013 ( năm 2013 đạt 98.649 chiếc).
 
Để đưa ngành công nghiệp ô tô ngày càng phát triển, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cũng đưa ra những chính sách phát triển ngành công nghiệp này. Trong đó có các chính sách như hỗ trợ ưu đãi, phát triển công nghiệp hỗ trợ đặc biệt là chính sách thuế.
 
Theo đó, sẽ áp dụng chính sách khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất 3 dòng xe ưu tiên phát triển có công suất tối thiểu là 100.000 xe/năm. Về chính sách thuế: Với ASEAN, lộ trình thuế nhập khẩu tại các năm 2015, 2015, 2017, 2018 tương ứng là 50%, 40%, 30%, 0%. Với các FTAs khác, Việt Nam vẫn giữ mức thuế suất thuế nhập khẩu trung bình của xe nguyên chiếc là 50% từ năm 2019. Ngoài ra, một số loại phụ tùng, linh kiện ô tô đã cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo cam kết đến thời điểm cuối cùng là năm 2014 và giữ nguyên mức thuế suất này từ năm 2014.
 
Cho ý kiến về chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty CP Ô tô Trường Hải cho rằng, để phát triển ngành này thì cần giảm thuế nhập khẩu và thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
 
Ông Dương phân tích, khi thuế suất về 0% thì giá xe sẽ rẻ hơn. Nhưng rẻ bao nhiêu sẽ không căn cứ theo giá xe nhập về mà phải tính trên giá thành sản xuất. Sản lượng rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn hết là thị trường tiêu thụ, "tại sao Toyota và Trường Hải làm tốt là vì chúng tôi có thị phần. Chúng tôi cũng có chiến lược, phải giảm giá thành 15 - 20% ở tất cả các khâu”, ông Dương nói.
 
Cũng theo ông Trần Bá Dương, hiện nay Việt Nam vẫn được hy vọng là điểm đến của các nhà đầu tư chưa có cơ sở sản xuất ở ASEAN. “Hiện tại, Thái Lan và Indonesia là điểm đến tốt nhất cho các nhà đầu tư nhưng khả năng thu hút đầu tư sản xuất tại VN xuất khẩu sang ASEAN vẫn khả thi. Các hãng xe vẫn đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam nhưng chỉ e ngại thị trường chưa đủ lớn. Do đó, muốn thu hút nhà đầu tư thì những chính sách ưu đãi của Chính phủ là bắt buộc”, ông Dương nói.
 
Ông Dương cũng cho rằng, đến năm 2018 mức thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc còn 0%, nhưng để phát triển ngành công nghiệp ô tô, trong 3 năm đó, các doanh nghiệp vẫn cần các chính sách hỗ trợ. “Không có nước nào hoàn toàn mở toang cánh cửa mà họ đều có hàng rào bảo hộ. Theo tôi, các Bộ nên xem lại chính sách thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Hơn nữa, chúng ta phải có mức thuế suất CKD phù hợp để duy trì sản xuất, nếu đạt sản lượng sản xuất nội địa hóa và xuất khẩu như trong chiến lược đề ra thì chúng ta phải ưu tiên", ông Dương khẳng định. 
 
Đồng ý với quan điểm của ông Dương, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, Lưu Đức Huy cho biết, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đang phối hợp để đề xuất xây dựng chính sách ưu đãi cho đầu tư, sản xuất ô tô, trong đó có nghị định hướng dẫn luật thuế TTĐB. “Hiện nay, ngành sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư, được xem xét ưu đãi thuế về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng theo luật Thuế và luật Đất đai nên vẫn phải rà soát xem ưu đãi đến đâu vì luật Đầu tư chỉ có nguyên tắc chung, chưa cụ thể”, ông Huy nói.
 
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Yoshihisa Maruta - Chủ tịch Toyota Việt Nam cho biết, nhìn về tương lai ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam là hết sức tiềm năng. Hy vọng năm 2025-2030 thì dòng xe dưới 10 chỗ (xe cá nhân) trở nên phổ cập ở Việt Nam.
 
"Định hướng của chúng ta là bảo vệ chính sách phát triển đến khi thị trường ô tô đảm bảo, doanh nghiệp đủ mạnh để sản xuất. Quan trọng hơn là làm thế nào để phát triển thị trường ổn định và bền vững trong tương lai", ông Yoshihisa Maruta cho biết.
 
Kết luận về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, sau buổi tọa đàm này, các Bộ, ngành liên quan sẽ xây dựng, hoàn chỉnh các bản dự thảo chính sách mới để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất ô tô tại Việt Nam và sẽ đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của doanh nghiệp trước khi trình Thủ tướng xem xét, thông qua.
Hòa Hậu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo