Doanh nghiệp sẽ “chết” vì ngồi chờ hết khủng hoảng!
Đó là lý do khiến khó khăn trong kinh doanh chậm được khắc phục và số doanh nghiệp phá sản tiếp tục gia tăng.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dự báo, cả năm nay sẽ có khoảng 50.000 doanh nghiệp “rời khỏi” thị trường, năm 2011 con số doanh nghiệp “tháo chạy” cũng ở mức đó. Như vậy, chỉ trong 2 năm có khoảng 100.000 doanh nghiệp rời bỏ cuộc chơi đầy cam go và thử thách. Các doanh nghiệp phá sản chiếm tỷ lệ cao nhất là ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, nông lâm nghiêp, thủy sản…
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, 70% doanh nghiệp đang cố gắng trụ lại thương trường trong tình trạng sức khỏe yếu ớt. Điều này chứng tỏ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong tiêu thụ sản phẩm và vốn.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang “chết lâm sàng”, không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà doanh nghiệp lớn cũng lao đao; khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp vẫn là đầu vào tăng giá, đầu ra tắc nghẽn, nợ nần chồng chất, khát khao tìm vốn đầu tư nhưng không gặp được vốn. Khó khăn về vốn, về đầu ra của sản phẩm dẫn đến tình trạng hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục rút lui khỏi thị trường.
Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh cho rằng: Những khó khăn trong sản xuất kinh doanh chậm được tháo gỡ do chính sách Nhà nước còn nhiều bất cập, trong khi đó doanh nghiệp chưa thật sự chủ động để ứng biến với tình hình. Các công ty thường thiếu chiến lược đầu tư và chiến lược thị trường dài hạn. Đa số doanh nghiệp hiện nay chạy theo thị trường thay vì dẫn dắt thị trường. Kinh doanh theo kiểu hy vọng thị trường sẽ tốt lên thay vì phải hành động trước thị trường.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thường thiếu thông tin và phân tích dài hạn, thiếu nghiên cứu thị trường. Muốn tồn tại và phát triển thì năng lực cốt lõi cần có là: quản trị rủi ro, quản lý tài sản, dịch vụ ngân hàng đầu tư, đội ngũ nghiên cứu mạnh, khả năng môi giới cho khách hàng cá nhân lẫn tổ chức.
Trước khó khăn của doanh nghiệp cũng như hiệu quả của chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, chuyên gia kinh tế và hiệp hội ngành nghề bày tỏ mong muốn, có giải pháp mạnh hơn, thông thoáng hơn và an toàn hơn. Trước mắt, nên tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản nhằm giảm nợ xấu, giảm hàng tồn, tăng sức mua. Về lâu dài, Chính phủ nên có những gói hỗ trợ mới giúp đỡ doanh nghiệp về nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất, giảm chi phí đầu vào.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bản thân sự cố gắng của doanh nghiệp có vai trò quyết định. Thay vì thụ động ngồi chờ hết khủng hoảng, các doanh nghiệp phải nhanh chóng có biện pháp tái cơ cấu cho phù hợp với tình hình mới để có thể đứng vững và vượt qua khủng hoảng.
Việt Nguyên (Theo PetroTimes)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hơn 250 gian hàng tham gia Hội chợ Xuân Đà Nẵng 2025
Giải pháp giúp thanh toán thuận tiện trên các chuyến bay
Giá xăng vượt 21.000 đồng/lít
6 sự kiện nổi bật của ngành hải quan năm 2024
Ổn định kinh tế vĩ mô và hạ tầng là đòn bẩy cho thị trường bất động sản
Giá vàng ngày 10/1/2025: Thị trường vàng tiếp tục đà tăng mạnh