Pháp luật

Doanh nghiệp sốc nặng vì bỗng dưng bị truy thu tiền tỷ

Đây là trường hợp của Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn và hơn 30 doanh nghiệp khác chuyên kinh doanh mặt hàng “tời nâng kiểu thùng”. Sau hơn 4 năm kinh doanh không “điều tiếng” gì, các công ty này bỗng dưng bị trát đòi truy thu hàng tỷ đồng tiền thuế.

Bất ngờ bị hồi tố

Theo đơn kiến nghị của Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn gửi các cơ quan báo chí, công ty này được thành lập từ năm 2005 và đến năm 2008 bắt đầu nhập khẩu mặt hàng “tời nâng kiểu thùng” của Trung Quốc về qua Chi cục hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và chi cục hải quan Bắc Hà Nội. Trong suốt thời gian trên, công ty luôn khai báo đầy đủ, chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước.

Tuy nhiên, ngày 7/2/2012 và ngày 20/2/2012, công ty này lần lượt nhận được giấy mời họp của hai đơn vị hải quan trên để bàn về việc xác định lại mã số HS áp cho mặt hàng “tời nâng kiểu thùng” theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan. Và tại hai cuộc họp này, công ty mới tá hỏa biết mình là một trong những doanh nghiệp bị truy thu thuế tiền tỷ mặt hàng “tời nâng kiểu thùng” được nhập khẩu từ năm 2008 đến nay bởi hai văn bản chỉ đạo của Tổng cục Hải quan là công văn số 285/TCHQ – TTr ngày 19/1/2012 và công văn số 456/TCHQ-TTr ngày 7/2/2012.

Theo chỉ đạo của văn bản số 456/TCHQ-TTr : “Mặt hàng để được áp vào mã HS 84281090 phải là loại “tời nâng kiểu thùng (có tên gọi khác là trục tải thùng kíp) ở dạng các thùng chứa hoặc hòm xe có thể tích lớn, đáy mở tự động, thường dùng vận chuyển than trong hầm lò, chất đốt hoặc quặng cho lò cao, lò nung vôi... Nếu không đáp ứng được các yêu cầu trên thì tùy theo hàng hóa thực tế nhập khẩu để áp vào mã số phù hợp 84281021, 84281029, 84281010”.

 

Trong khi đó, mặt hàng “tời nâng kiểu thùng” mà Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn nhập về có tên tiếng Anh là “hoists” là một thiết bị chở người và hàng hóa được dùng trong xây dựng các tòa nhà cao tầng. Chính vì cách định nghĩa và mục đích sử dụng khác nhau này mà phía hải quan không chấp nhận cho áp mã HS 84281090 (không phải chịu thuế suất nhập khẩu ưu đãi 10%) đối với mặt hàng “tời nâng kiểu thùng” của Công ty nhập khẩu công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn mà phải áp lại theo mã HS 8428102100 (phải chịu thuế suất nhập khẩu ưu đãi là 10%).

Dựa vào hai văn bản này, vào các ngày 1/6/2012 và 18/6/2012, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị và Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội lần lượt ban hành các quyết định về việc ấn định thuế đối với mặt hàng “Tời nâng kiểu thùng” do Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn nhập khẩu từ năm 2008, với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng (điều chỉnh thuế nhập khẩu từ 0% lên thành 10% đối với các lô hàng đã thông quan).

Sốc nặng

Theo lãnh đạo Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn, quyết định truy thu đối với mặt hàng trên khiến công ty và các doanh nghiệp khác sốc nặng bởi thực tế qua nhiều năm làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng này, công ty đều khai mã HS 8428109000 theo đúng mã ghi trên Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa do Phòng thương mại của Trung Quốc cấp: “H.S Code” là 8428109000. Trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu, Chi cục Hải quan Hữu Nghị và Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội cũng đã kiểm tra hồ sơ, hướng dẫn các doanh nghiệp áp mã mặt hàng là HS 8428109000 và cho thông quan.

 

 

 

Một tờ khai nhập khẩu của Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn đã được hải quan kiểm tra và cho thông quan

 

 

Điều này cho thấy có sự thống nhất cao giữa doanh nghiệp và hải quan trong việc khai báo về khái niệm mặt hàng và chủng loại trong suốt 4 năm qua vì hàng nghìn mặt hàng “tời nâng kiểu thùng” đã được nhập về theo đường chính ngạch để phục vụ sản xuất trong nước. Ấy vậy mà đùng một cái, ngành hải quan lại kết luận là công ty khai sai và đòi truy thu thuế ngược hàng nghìn chiếc “tời nâng kiểu thùng” nhập khẩu từ năm 2008.

 

Cái “sai” ở đây cần phải phân định rõ là do doanh nghiệp khai sai hay do trình độ hạn chế của các bộ hải quan bởi trong suốt thời gian kinh doanh mặt hàng này, công ty đều tuân thủ khai theo đúng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và hướng dẫn của cán bộ hải quan và được thông quan đúng quy định. Đến nay, vì một lý do nào đó mà khái niệm “tời nâng kiểu thùng” có sự hiểu khác nhau thì đó không phải là lỗi của phía doanh nghiệp và bắt một mình doanh nghiệp phải gánh chịu cái “sai” đó. Do vậy, cần phải xem xét lại quyết định truy thu thuế hàng nghìn chiếc “Tời nâng kiểu thùng” nhập khẩu từ năm 2008 của Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn.



 

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng "tời nâng kiểu thùng" của phía Trung Quốc cũng áp theo mã HS 8428109000


 

Mặt khác, ông Tống Văn Tuấn, Giám đốc Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn Đây cho rằng, các quyết định này không phù hợp với các quy định của pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp vì theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Quản lý thuế năm 2006 và Điều 58 Nghị định của Chính phủ số 154/2005/NĐ - CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục Hải quan, kiểm tra, giám sát Hải quan, căn cứ để cơ quan Hải quan có thể ấn định thuế là: “Người khai thuế dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai báo căn cứ tính thuế, tính và kê khai số thuế phải nộp; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, chính xác các căn cứ tính thuế làm cơ sở cho việc tính thuế”.

 

Các căn cứ để hồi tố này đều không đúng với trường hợp của Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn. Còn tại phần cuối chính văn bản 456/TCHQ-TTr của Tổng cục Hải quan cũng ghi rõ: “Việc phân loại hàng hóa, xác định mức thuế đối với các mặt hàng nêu trên phải căn cứ vào các văn bản quy định cho từng thời kỳ (Thông tư số 85/2003/TT-BTC ngày 29/8/2003, Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12/4/2010 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuấtkhẩu, nhập khẩu; chú giải HS; danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam và biểu thuế nhập khẩu được ban hành qua các thời kỳ) và thực tế hàng hóa nhập khẩu” cho thấy việc truy thu ngược thuế 4 năm về trước đối với công ty là không thỏa đáng và không đúng với chính tinh thần xử lý từng vụ việc của Tổng cục Hải quan.

Kiến nghị

Ông Tống Văn Tuấn cho biết, đến thời điểm này, công ty thật sự rơi vào bế tắc nếu bị phía hải quan quyết truy thu gần 2 tỷ đồng đối với công ty vì hàng nghìn chiếc “tời nâng kiểu thùng” nhập về từ năm 2008 đã được bán hết cho khách hàng và được hạch toán chi phí theo biểu thuế cơ quan Hải quan đã áp dụng tại thời điểm nhập. Nay 2 tỷ đồng tiền nợ bỗng dưng “rơi xuống” đầu, công ty sẽ không biết hạch toán vào đâu, đấy là chưa kể công ty sẽ bị lỗ nặng vì khi bán máy không tính vào giá thành số tiền bị truy thu này. Đối với những doanh nghiệp bị truy thu thuế lên tới 10 tỷ đồng thì chỉ còn chọn cách phá sản…

Do vậy, ông Tuấn kiến nghị: Việc Tổng cục Hải quan ban hành văn bản số 456/TCHQ-TTr được hiểu là một sự thay đổi cơ chế, chính sách của cơ quan có thẩm quyền. Tại các thời điểm Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn nhập hàng trước đó, quy định này vẫn chưa được ban hành, Công ty Sơn Đông không được biết đến sự điều chỉnh này nên không thể kết luận Công ty Sơn Đông kê khai sai mã HS để từ đó tiến hành ấn định thuế đối với Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn.

Về hiệu lực thời gian của văn bản số 456/TCHQ-TTr: Theo quy định của Nhà nước và pháp luật, thời điểm có hiệu lực của văn bản được quy định ngay trong văn bản đó. Trong trường hợp tại văn bản không quy định cụ thể về thời điểm có hiệu lực thì ngày hiệu lực được xác định là ngày ký ban hành văn bản. Áp vào trường hợp này thì văn bản số 456/TCHQ-TTr sẽ có hiệu lực sớm nhất kể từ ngày ban hành văn bản (từ ngày 7/2/2/2012 trở về sau).

 

Do vậy, khẩn thiết đề nghị cơ quan Hải quan và các các cơ quan chức năng khác xem xét lại quyết định ấn định tăng thuế đối với mặt hàng “tời nâng kiểu thủng” để giúp cho Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn, cùng nhiều doanh nghiệp khác thoát khỏi thiệt hại về kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Đoàn Huế (Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo