Thị trường

Doanh nghiệp than khó với lãnh đạo thành phố

Tại cuộc gặp đầu năm giữa lãnh đạo TP.HCM với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn diễn ra sáng 13/3, các doanh nghiệp đã “đồng thanh” kêu khó từ việc vay vốn, lãi suất cao, chính sách thuế bất cập cho đến thủ tục hành chính nhiêu khê…

Theo ông Huỳnh Văn Hải, chủ tịch hội Doanh nghiệp huyện Hóc Môn, số doanh nghiệp từ vài trăm công nhân cách đây vài năm nay chỉ còn mươi người ở địa bàn này ngày càng tăng lên. Doanh nghiệp ở đây chủ yếu quy mô nhỏ, lãi suất ngân hàng cao càng rơi vào khốn đốn.

 

Chính sách tiếp cận vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhà nước nghe thì dễ nhưng thực tế hết sức nhiêu khê. Ngay cả sản phẩm mới được đánh giá cao về công nghệ và tiềm năng thị trường, nhưng 12 tháng rồi doanh nghiệp qua nhiều sở ngành vẫn chưa có được câu trả lời dù đã đáp ứng rất nhiều thủ tục. “Chủ trương chính sách thì đồng hành với doanh nghiệp nhưng quy trình thủ tục tạo ra quá nhiều vật cản”, ông Hải than phiền.



Theo tính toán của hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, 60% doanh nghiệp nhỏ hiện không đủ vốn duy trì sản xuất, chỉ có 20% có cơ hội vượt khủng hoảng. Theo thống kê đến năm 2011, 10.000 doanh nghiệp tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh đóng cửa, là con số cao nhất trong 20 năm qua. Giá vốn năm qua đã tăng khoảng 30% do tăng quá nhiều nguồn: giá nguyên liệu đầu vào, tăng lương cơ bản, phí bảo hiểm, điện nước, nhiên liệu, chi phí dịch vụ, đặc biệt là lãi suất… trong khi giá bán hàng hoá chỉ tăng từ 5 – 7% làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp.

 

Ông Đặng Quốc Hùng, phó chủ tịch hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ, cho rằng doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam nhờ được hưởng mức lãi suất thấp đã có lợi thế cạnh tranh, làm doanh nghiệp trong nước càng lâm vào khó khăn, chưa kể tình hình tỷ giá giảm khiến doanh nghiệp xuất khẩu bị động và tăng khoản lỗ.

 

Ông Trần Việt Anh, phó chủ tịch hội Cao su và nhựa TP. Hồ Chí Minh, bức xúc về thuế bảo vệ môi trường đánh lên túi nilông. Quy định hợp lý nhưng không rõ ràng, loại túi thân thiện môi trường doanh nghiệp xuất hàng triệu đô mỗi tháng nhưng không lưu hành được trong nước vì không có nơi chứng nhận.

 

“Cũng cái máy sản xuất ra găng tay hay áo mưa không chịu thuế, nhưng sản xuất túi đựng tôm cá, bánh kẹo chịu thuế”. “Mấy ngàn doanh nghiệp nhựa thành phố lâm vào khó khăn, việc đánh thuế thiếu cơ sở thực tế khiến nhiều doanh nghiệp dời nhà máy ra các vùng phụ cận (như Mộc Bài) để sản xuất và đưa vào thị trường là bất cập”.

 

Đối thoại với doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Hạnh, phó cục trưởng cục Thuế TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, chi phí vốn tăng cao trong khi sức mua giảm, lợi nhuận giảm, sản xuất đình trệ dẫn đến hệ quả chỉ trong tháng Hai số doanh nghiệp khai lỗ lên đến 2.500, chiếm 15% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn. Nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng xấu bởi có đến 50% doanh nghiệp đã âm thuế thu nhập doanh nghiệp. “Thành phố có chính sách giãn và giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ nhưng thực chất chẳng đáng bao nhiêu, vậy nên chăng miễn cho doanh nghiệp trong một thời hạn nhất định”, ông Hạnh kiến nghị.

 

Cũng theo ông Hạnh, dù thành phố có chính sách miễn giảm, ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp nhưng theo thống kê của cục Thuế, trong một đồng vốn có thì đến ba đồng vốn vay, mà chi phí cho vốn vay hiện quá cao.

 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh thừa nhận vốn vay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. “Các ngân hàng cuối năm qua tập trung nhiều cho vấn đề thanh khoản nên chưa chú trọng vốn cho các dự án có tính khả thi của thành phố, tình hình này sắp tới sẽ được cải thiện”, ông Minh cho biết.

 

Chủ trì hội nghị, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà kết luận, những phản ánh của doanh nghiệp cảnh báo việc giảm lòng tin về cách điều hành và giải quyết thủ tục của các cấp chính quyền – là yêu cầu lớn nhất trong việc cải cách hành chính hiện nay. Bắt đầu từ tuần tới, phó chủ tịch sẽ trực tiếp tiếp nhận và xử lý từng vụ việc liên quan đến các vướng mắc của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ông phụ trách. Doanh nghiệp có thể đăng ký trực tiếp với cá nhân ông Hà, văn phòng uỷ ban, sở Công thương hoặc các hiệp hội.

 

Đối với những vướng mắc vượt thẩm quyền, lãnh đạo thành phố sẽ tìm cách kiến nghị có lập luận và phương pháp để thuyết phục cấp trên nhanh và hiệu quả hơn. Ông cũng đề nghị các hiệp hội cần đề xuất cụ thể về các yêu cầu của doanh nghiệp mình để thành phố có biện pháp hỗ trợ vì hiện nguồn vốn từ các nguồn hỗ trợ vốn đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng… đều có nhưng việc giải ngân chưa hiệu quả.

 

Theo SGTT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo