Doanh nghiệp thận trọng trước M&A
Thương hiệu đóng vai trò quyết định
(congthuong) Theo đánh giá của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), sáp nhập doanh nghiệp (M&A) theo kiểu thôn tính là bên mua (tiềm lực tài chính và kinh nghiệm quản trị mạnh) thực hiện mua cổ phần chi phối đối với một số DN mục tiêu. Đơn cử, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, một số DN yếu kém, kinh doanh không hiệu quả được coi là “mục tiêu cơ bản”. Nhà đầu tư lựa chọn trong nhóm này những DN nợ ít, không có cổ đông nhà nước hoặc tỷ lệ cổ phần nhà nước ở mức thấp để thực hiện chiến dịch thu gom cổ phiếu. Trong khoảng thời gian ngắn, họ có thể thôn tính DN để thực hiện chiến lược tái cơ cấu theo mục đích của mình.
Trường hợp khác, nhà đầu tư chiến lược mua khoảng 10- 30% vốn điều lệ của DN theo các đợt phát hành riêng lẻ nhằm mục tiêu ban đầu là đầu tư tài chính hoặc được ưu tiên cung cấp/mua hàng theo giá thị trường.
Sau đó, trong quá trình là cổ đông lớn, có thể DN gặp khủng hoảng do điều hành kém hoặc do tham nhũng, lúc này giá cổ phiếu liên tục lao dốc. Để cứu lấy mình và có thể theo đề nghị của các cổ đông lớn, đối tác chiến lược sẽ tăng mua tỷ lệ cổ phần và thực hiện M&A.
Trong các cuộc thôn tính, yếu tố thương hiệu đóng vai trò trung tâm. Theo khảo sát gần đây nhất của Công ty McKinsey & Company thì “các tài sản vô hình đóng vai trò chính yếu trong các thương vụ M&A và thương hiệu là phần đáng để cân nhắc nhất”.
Thận trọng trước sáp nhập kiểu “thôn tính”
Hầu hết các DN sau khi bị thôn tính, tên tuổi dần mai một. Bởi lẽ quy luật của thị trường là thương hiệu yếu sẽ bị thôn tính bởi thương hiệu mạnh hơn; cổ đông nắm giữ nhiều cổ phẩn nhất sẽ quyết định sự phát triển của DN.
Thậm chí, một số DN lập báo cáo tài chính giả, dự án “ma” để vay tiền ngân hàng đi thôn tính. Hay một nhóm nhà đầu tư cấu kết với nhau và lũng đoạn một vài ngân hàng để lấy tiền đi thu gom cổ phiếu DN. Những hành vi trái pháp luật này đang gây nguy hiểm cho DN và là “điểm đen” trên thị trường M&A hiện nay.
Trong bối cảnh M&A đầy biến động như hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các DN đang đối mặt với nhiều rủi ro. Vì vậy, cần khôn ngoan tìm các cơ may tồn tại cho mình trước khi bị thôn tính.
VAFI cho rằng, cần có khuôn khổ pháp lý thuận lợi để dễ dàng cải tổ cấu trúc cổ đông DN theo hướng tăng tỷ trọng cổ đông tổ chức, cổ đông chiến lược trong từng DN; giảm nhanh tỷ trọng cổ phần nhà nước, cổ phần nhà đầu tư cá nhân nhằm tạo điều kiện cho DN thuận lợi trong thay đổi phương thức quản trị DN cũng như dễ dàng trong huy động vốn. Đây là phương thức chống bị thôn tính hiệu quả hoặc nếu không, cũng có được lựa chọn sáp nhập sòng phẳng với DN khác.
Nguyễn Hải
End of content
Không có tin nào tiếp theo