Doanh nghiệp thủy sản sẽ đóng cửa hàng loạt?
Quy định cá tra xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn tỉ lệ mạ băng (lớp nước đóng băng trên bề mặt sản phẩm) 10% và hàm lượng độ ẩm 83% được áp dụng theo hiệu lực của nghị định 36 năm 2014 của Chính phủ.
Theo các doanh nghiệp, việc thực hiện theo quy định mới nhằm nâng cao chất lượng cá tra VN là cần thiết, nhưng cần thí điểm để thăm dò phản ứng của thị trường và nên có lộ trình phù hợp.
Giá cao, nhà nhập khẩu “lắc đầu”
Một số doanh nghiệp tại An Giang vừa gửi đơn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT cho dời thời hạn thực hiện nghị định 36 thêm một năm nữa.
Theo đơn này, nếu áp dụng ngay tiêu chuẩn trên, giá bán phải nâng lên 3,4 USD/kg (bình quân tăng 1 USD/kg) nên nhà nhập khẩu nước ngoài không chịu mua.
Ông Doãn Tới - tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt - cho biết sau khi nghị định 36 ra đời, công ty đã cố gắng thương thảo nhưng các nhà nhập khẩu không chấp nhận nâng giá và... ngưng mua, họ bảo nếu giá bán tăng thì sẽ chuyển qua sản phẩm khác.
Ngày 29-12, ông Dương Việt Thắng cho biết vừa gửi thư cho Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep)- với nội dung thông báo công ty sẽ đóng cửa và cho công nhân nghỉ việc từ ngày 1-1-2015 vì áp dụng theo quy định mới sẽ không bán được hàng. Lãnh đạo tỉnh An Giang cũng cho biết “có bảy công ty sẵn sàng đóng cửa từ 1-1-2015” nếu vẫn áp dụng quy định như trên.
Bên cạnh đó, nhiều thị trường cũng không có nhu cầu về sản phẩm có tỉ lệ mạ băng và độ ẩm như theo nghị định 36, cho nên doanh nghiệp có làm theo quy định này thì giá thành sản phẩm sẽ tăng lên nhưng lại khó bán được hàng.
“Sản xuất ra mà không bán được thì nhà máy chỉ có nước đóng cửa, hàng ngàn công nhân phải nghỉ việc” - ông Tới bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Ký - tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) - khẳng định không nhiều thị trường chấp nhận tỉ lệ mạ băng và hàm lượng nước theo nghị định 36.
Tính chất và đòi hỏi chất lượng sản phẩm của mỗi thị trường thường khác nhau, vì vậy không nên quy định tỉ lệ quá cứng nhắc về tỉ lệ mạ băng và độ ẩm. Chẳng hạn với thị trường Mỹ, châu Âu... có thể từng bước áp dụng quy định của nghị định 36.
Còn đối với những thị trường khác thì tùy thuộc yêu cầu của nhà nhập khẩu, miễn sao sản phẩm đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vượt qua được các tiêu chuẩn kiểm soát về kỹ thuật của thị trường đó.
“Việc thực hiện nghị định 36 là cần thiết để nâng chất lượng, uy tín sản phẩm, nhằm lập lại trật tự, loại trừ nạn cạnh tranh không lành mạnh của một số doanh nghiệp, nhưng thực hiện phải có lộ trình, từng bước để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, thích nghi” - ông Ký đề xuất.
Ông Dương Việt Thắng - phó giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam (TP Cần Thơ) - cho biết sản phẩm cá tra có độ ẩm 83% từ lâu doanh nghiệp ông vẫn bán cho khách hàng ở các nước nhưng chỉ chiếm khoảng 2% tổng sản phẩm xuất đi của công ty.
“Hiện tại với giá cả bình thường, doanh nghiệp đã phải cạnh tranh chật vật với sản phẩm cá Minh Thái (còn gọi là cá Alaska Pollack) của Trung Quốc. Nếu phải áp dụng chuẩn mới làm giá cá tăng lên khoảng 1 USD/kg thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục khó khăn, không sống nổi” - ông Thắng nói.
Sẽ sửa đổi cho phù hợp?
Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành, ông Phan Văn Sáu - bí thư Tỉnh ủy An Giang - cho biết có bảy doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến đăng ký gặp ông để trình bày bức xúc vì họ sẽ “chết” nếu áp dụng quy định độ ẩm 83% và tỉ lệ mạ băng 10% từ 1-1-2015.
“Vấn đề này là hết sức cấp bách, Chính phủ cần có chỉ đạo ngay” - ông Sáu đề nghị. Ông Sáu cũng cho rằng “thời gian qua có quy định nhưng thiếu kiểm tra, có doanh nghiệp làm tỉ lệ mạ băng 50-60%. Phải kiểm tra chặt chẽ trước khi xuất, chứ vì sợ mà quy định quá khắt khe vô hình trung gây khó cho doanh nghiệp”.
Tương tự, ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ví von: “Nước mặn, ngọt thì tôm cá sẽ cảm nhận trước hết, trời mưa nắng thì sâu bọ sẽ biết trước, nói vậy để thấy sự nhạy cảm của doanh nghiệp là rất nhanh, đôi khi ta cảm nhận được thì bao doanh nghiệp vất vả, chết rồi mới thấy rằng chính sách ban hành là không phù hợp”.
Ông Hoan đề nghị chính sách ban hành cần mang tính đối thoại và lường trước được những cái khó của doanh nghiệp.
Trước các ý kiến của lãnh đạo nhiều địa phương và cơ quan liên quan, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nêu quan điểm “nếu chính sách ban hành không phù hợp thì phải sửa đổi cho phù hợp”.
Cho rằng quy định như trên là cứng nhắc, ông Ninh yêu cầu Bộ NN&PTNT báo cáo về kiến nghị của các địa phương và doanh nghiệp xung quanh quy định tỉ lệ mạ băng và hàm lượng ẩm trong cá tra xuất khẩu của nghị định 36 năm 2014 có ý kiến đề nghị Chính phủ thảo luận để sửa đổi ngay trong phiên họp sắp được tổ chức.
Theo ông Ninh, nhiều quy định có một vài chỗ không phù hợp đã được chỉnh sửa bằng cách này rất nhanh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo