Thị trường

Doanh nghiệp thủy sản: Vẫy vùng trong khó khăn

Thiếu vốn và “đói” nguyên liệu cùng với các chi phí đầu vào tăng cao trong khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp là những trở ngại mà doanh nghiệp thủy sản đang vướng phải trong thời điểm vốn đang chồng chất khó khăn này.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) thừa nhận, chưa bao giờ ngành thủy sản lại lâm vào tình cảnh khó khăn như vậy.

 

Bức tranh tối

 

Lần đầu tiên, xuất khẩu tôm sú liên tục giảm trong ba tháng, các doanh nghiệp thủy sản đang “méo mặt”, chỉ tiêu xuất khẩu quý II/2012 chắc chắn sẽ không đạt được.

 

Thị trường xuất khẩu chủ lực là châu Âu bị giảm mạnh, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải chuyển hướng sang thị trường châu Á. Tuy nhiên, đại diện Vasep cũng cho biết, trong tháng 4/2012, có 26 lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo tại Nhật, tăng 36,8% so với 19 lô của tháng trước đó.

 

Còn tại thị trường truyền thống là Mỹ, từ đầu quý II/2012 đến nay, thủy sản Việt Nam xuất sang Mỹ bị nhiễm salmonella tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản lâm vào tình thế lao đao, sản lượng và giá trị xuất khẩu bị giảm mạnh.

 

Ông Trần Thiện Hải - Chủ tịch Hiệp hội chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep) nhận định: Nguồn vốn bị thắt chặt, hàng loạt chi phí đầu vào tăng từ 10 – 35% và sự xuất hiện thêm các khoản chi phí mới như thuế bảo vệ môi trường cho túi nilon, phí kiểm dịch… đã khiến từ đầu năm đến nay 30% doanh nghiệp thủy sản phải hoạt động cầm chừng, khoảng 10 - 20% doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa do khó tìm đầu ra cho sản phẩm.

 

Riêng trong quý I/2012, có khoảng 30% doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản có nguy cơ ngừng sản xuất, kinh doanh vì những khó khăn nêu trên. Đặc biệt, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đã giảm từ con số 800 quý I/2011 xuống còn khoảng 500 trong quý I năm nay.

 

Trăm dâu đổ đầu doanh nghiệp

 

Lý giải cho vấn đề này, theo ông Dương Ngọc Minh - Tổng giám đốc Cong ty cổ phần Hùng Vương (Tiền Giang) cho rằng, ngành thủy sản Việt Nam đang bị “kiệt sức” do phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đều phải vay vốn ngân hàng để làm vốn lưu động. Khi dòng vốn này bị chặn lại và bị ngân hàng thu hồi vốn lại do sợ rủi ro đã tạo nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và khai thác thêm thị trường mới và khả năng thanh toán nợ tiền mua cá nguyên liệu.

 

Ở khía cạnh khác, doanh nghiệp thủy sản gần đây đã có nhiều kiến nghị gửi tới các bộ ngành xem xét việc quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y tại Thông tư 04/2012/TT-BTC. Với mức phí kiểm dịch lô hàng dưới 12 tấn là 200.000 đồng, từ 12 đến 14 tấn là 400.000 đồng/lô (tăng trung bình 1,5 – 2 lần so với quy định trước đây) đã trở thành gánh nặng thêm cho doanh nghiệp.

 

Hơn nữa, việc lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng cùng các biện pháp, thủ tục kiểm soát trước khi xuất khẩu đã khiến hàng thủy sản của các doanh nghiệp phải chờ từ 7 – 10 ngày trước khi xuất khẩu đã làm giảm hẳn năng lực và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Theo thông tin từ Vasep, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường Châu Âu chiếm thị phần tiêu thụ tới 40% hiện đang bị ngưng trệ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tuy có ký được các đơn hàng mới nhưng vẫn không muốn xuất hàng vì sợ bị “ngâm vốn”, khó thu hồi được công nợ. Một số doanh nghiệp đã xếp loại các nhà nhập khẩu ra thành nhiều nhóm A, B, C... để đánh giá năng lực trả nợ khi giao hàng.



Từ đầu năm đến nay, 30% doanh nghiệp thủy sản phải hoạt động cầm chừng, 10 - 20% doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa do khó tìm đầu ra cho sản phẩm.

 

Theo ông Nguyễn Văn Đạo - Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (Tiền Giang) thì, phương thức mua bán hiện nay đòi hỏi phải lấy tiền liền và hạn chế tối đa việc thanh toán chậm để bảo tồn nguồn vốn và xoay nhanh vốn lưu động để sản xuất.

 

Còn theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Vasep, thông lệ trước đây, các doanh nghiệp thường cho khách hàng thiếu nợ từ 30 – 45 ngày sau khi xuất hàng hoặc chậm chí nhiều hợp đồng còn được các doanh nghiệp cho khách hàng bán hết mới thanh toán tiền, thì hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đã thắt chặt điều kiện này và yêu cầu nhà nhập khẩu phải thanh toán L/c từ 20 – 30% giá trị lô hàng và hàng về tới cảng phải chuyển tiền ngay.

 

Giải pháp tháo gỡ

 

Theo ông Dương Ngọc Minh, hiện số ít các doanh nghiệp ngành thủy sản còn vốn tự có hoặc trong diện “thẻ xanh” được ngân hàng giải ngân để hoạt động. Doanh nghiệp nào không có khả năng thì phải buộc chọn giải pháp giảm công suất, cắt giảm tối đa các khoảng chi phí, thậm chí phải ngưng hoạt động tạm thời do không có vốn lưu động và thanh toán tiền khi mua cá nguyên liệu cho nhà máy.

 

Gần đây, Chính phủ xây dựng các gói giải pháp nhằm cứu doanh nghiệp trong vấn đề “khát vốn”. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp trong ngành thủy sản cho rằng khó hấp thụ được nguồn vốn vay này do thủ tục quá nhiêu khê dù đây là ngành ưu tiên nằm trong gói hỗ trợ của Chính phủ.

 

Từ vấn đề này, ông Trương Đình Hòe cho rằng, với lãi suất cao như hiện nay cùng với thị trường xuất khẩu khó khăn thì không có doanh nghiệp nào liều vay. Doanh nghiệp có hoạt động tốt, lợi nhuận cũng chỉ đủ trả lãi suất ngân hàng và các chi phí khác mà không có tích lũy thặng dư để tiếp tục phát triển.

 

Từ quan điểm đó, ông Hòe cho rằng, ngành ngân hàng nên nghiên cứu chính sách linh hoạt phù hợp với đặc thù của ngành thủy sản để giúp các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có nguồn vốn mạnh đủ sức cạnh tranh trên thị trường thủy sản thế giới. Đồng thời Vasep cũng kiến nghị nên bãi bỏ quy định kiểm tra, kiểm nghiệm lô hàng và cấp chứng thư xuất khẩu thủy sản vào Nhật Bản và Canada.

 

Vasep kiến nghị gỡ vướng trong quy định môi trường

Ngày 15/05/2012, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN đã có Công văn số 49/2012/CV-VASEP gửi Bộ trưởng Bộ TN-MT và Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường về việc Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN Chế biến Thủy sản trong việc thực hiện các qui định về quản lý môi trường.

Công văn nêu rõ, sau khi Bộ TN-MT ban hành QCVN 40:2011/BTNMT: quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (ban hành theo Thông tư số 47/2011/TT-BTNMT ngày 28/12/2011) thay thế QCVN 24:2009/BTNMT đã có nhiều DN thủy sản gặp khó khăn lớn do QCVN 40:2011/BTNMT đã không xem xét đến thực tế hết sức khách quan và đặc thù của ngành chế biến thủy sản.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN, Hiệp hội VASEP kiến nghị đề nghị Bộ trưởng Bộ TN-MT xem xét và chỉ đạo việc sửa đổi một số quy định về xử lý chất thải, nước thải tại 1 số văn bản: QCVN 11:2008/BTNMT; QCVN 40:2011/BTNMT... Cụ thể:

Thứ nhất, các nhà máy chế biến thuỷ hải sản nằm trong KCN được phép áp dụng & thực hiện theo quy chuẩn QCVN 11:2008/BTNMT như các nhà máy nằm ngoài KCN khi bản thân nhà máy đã có hệ thổng xử lý nước thải đạt chuẩn theo QCVN 11:2008.

Thứ hai, kiến nghị sửa đổi QCVN11:2008 và bỏ câu: “Ngoài 9 thông số quy định tại Bảng 1, tuỳ theo yêu cầu và mục đích kiểm soát ô nhiễm, giá trị C của các thông số ô nhiễm khác áp dụng theo quy định tại cột A hoặc cột B của bảng 1 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5945:2005 - Chất lượng nước - Nước thải công nghiệp - Tiêu chuẩn thải” trong mục 2.2 của quy chuẩn QCVN 11:2008/BTNMT.

Thứ ba, xem xét nâng mức cho phép một số thông số trong quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT ngang bằng với các nước khu vực, đặc biệt chỉ tiêu Phospho, Amoni và một số chỉ tiêu khác như: Chất rắn lơ lửng (TSS), COD, Tổng Nitơ...

Thứ tư, có quy định chính thức xác định bùn thải của loại hình chế biến thủy hải sản không phải là bùn thải nguy hại.

Thứ năm, xây dựng chỉ tiêu và đánh giá, công bố cho các Doanh nghiệp và cộng đồng biết về các Đơn vị đủ năng lực tư vấn & xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đạt chất lượng.

Thứ sáu, cho phép các KCN tự quản lý về xử lý chất thải, nước thải vì như vậy sẽ dễ dàng hơn trong khâu quản lý. Khi các nhà máy nằm trong KCN sẽ phải tuân thủ theo quy định của từng KCN, quản lý theo từng ngành nghề như vậy sẽ hiệu quả hơn.

Thứ bảy, xem xét và có giải pháp để hỗ trợ các Doanh nghiệp thủy sản trong việc giải quyết các chất rắn và các hóa chất độc hại trong trường hợp tại địa phương không có cơ sở xử lý chất thải có giấy phép hoạt động và có đủ năng lực.

P.V

 
 
Theo DDDN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo