Thị trường

Doanh nghiệp tự cứu bằng giảm giá

Cam kết giữ chất lượng, vận động ngành liên quan cùng giảm để kích thích sức mua.

Thời gian gần đây, vấn đề giải cứu doanh nghiệp, giải quyết tình trạng ế ẩm thường được đưa ra bàn trong các hội thảo. TS Thái Trí Dũng (Trường ĐH Kinh tế) cho rằng trước khi trông chờ vào Nhà nước thì doanh nghiệp một số lĩnh vực có thể giảm giá, cắt giảm lợi nhuận để tự cứu.

 

Vận động giảm giá toàn chuỗi

 

Với ngành du lịch, hiện Vietnam Airlines có gói kích cầu du lịch nội địa là giảm giá vé máy bay 40% cho các hãng lữ hành. Tuy nhiên, để có được giá tour hấp dẫn, Vietnam Airlines cũng đề nghị các hãng lữ hành cùng phải cam kết giảm giá từ 10% đến 18%.



Tăng giá vô tội vạ

Hai năm trước, giá phòng tại một khách sạn chỉ 300.000 đồng/ngày đêm thế nhưng vừa qua họ báo tăng giá, đến cả triệu đồng/ngày đêm. Hỏi ra thì họ bảo các chi phí điện, nước, nhân công… đều tăng nên phải tăng mới đủ sống. Tuy nhiên, việc tăng giá phải tương ứng với tăng chi phí đầu vào, còn lấy cớ chi phí đầu vào tăng để tăng giá kinh khiếp thế thì chúng tôi đành phải chọn đơn vị khác để phối hợp làm tour.

Một doanh nghiệp lữ hành

 

Một doanh nghiệp lữ hành cho biết: “Lợi nhuận của công ty được khoảng 25% trên giá tour, giờ nếu giảm giá 18% thì chúng tôi không thể giảm nổi!”.

 

Vì sao còn lãi 7% mà không thể? Doanh nghiệp này cho rằng còn phải tích lũy, đề phòng các rủi ro khác nữa. “Phải kêu gọi khách sạn, nhà hàng, hãng xe… cùng giảm giá thì giá tour mới thực sự giảm nổi”.

 

Giảm giá tour là có thể nhưng phải có kiểm soát, nếu không doanh nghiệp cứ rao giảm giá nhưng chất lượng cũng giảm theo. Ví dụ, suất ăn khoảng 100.000 đồng, nay giảm giá nhưng chất lượng chỉ tương đương 80.000 đồng thì khách hết tin, càng chết!

 

Ông Trần Thế Dũng, Phó Trưởng nhóm Kích cầu du lịch nội địa, cho biết sắp tới nhóm kích cầu sẽ đến một số địa phương để vận động khách sạn, nhà hàng dịch vụ ăn uống, các doanh nghiệp vận chuyển cùng giảm giá.

 

Doanh nghiệp du lịch mà vắng khách thì các doanh nghiệp “hậu cần” này cũng bị lây, cho nên phải hợp tác cùng giảm giá với nhau, không thì ảnh hưởng dây chuyền. Đồng thời, các doanh nghiệp trong chuỗi dịch vụ cũng phải cam kết chất lượng không thay đổi.

 

Giảm giá cắt lỗ

 

Một doanh nghiệp lữ hành cho biết sở dĩ còn hút được khách là vì giá rẻ, đã cắt giảm lợi nhuận xuống mức chỉ 2%. “Ở thời điểm này, tôi chỉ mong có khách, có doanh thu để duy trì được bộ máy hoạt động, còn lợi nhuận tích lũy thì không dám nghĩ đến nữa” - giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ.

 

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Saigon Food, cho biết thực phẩm chế biến thì không để hàng tồn lâu được. Có thời điểm công ty đã phải “đẩy” hàng bằng cách giảm giá, có sản phẩm phải giảm đến 20%. Bà chia sẻ việc giảm giá sâu gây lỗ nhưng phải chấp nhận, nếu không giảm giá thì không bán được hàng, sẽ lỗ nặng hơn.

 

Ngành giày dép là một trong những ngành có lượng hàng tồn kho nhiều. Ông Đỗ Long, Giám đốc Công ty Bitas’, cho biết sản phẩm ngành này khó để quá sáu tháng trong nhà xưởng. Giảm giá, bán lỗ cũng phải đẩy ra.

 

Ngành bị xem là có hàng tồn kho nhiều, tuy nhiên ông Hồ Đắc Lam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho biết ngành nhựa thường sản xuất theo nhu cầu chứ không sản xuất đại trà dự trữ như vài ngành khác. Do đó việc tồn kho ở ngành nhựa nằm trong mức cho phép chứ không rủi ro nhiều.

 

Ngoài ra, hàng nhựa để lâu trong kho được, không bị hỏng. Vì vậy doanh nghiệp cũng thường chờ thị trường “ấm lên” sẽ bán ra. Cũng có trường hợp doanh nghiệp muốn giữ thị phần thì sẽ chấp nhận giảm giá, giảm lợi nhuận để tăng sản lượng bán ra.

 

Theo PL TPHCM

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo