Doanh nghiệp vận tải bị dồn đến chân tường
Trao đổi với PV, luật sư Thái Văn Chung - tổng thư ký hiệp hội - cho rằng nếu áp dụng mức phí như đề xuất của Bộ GTVT là đẩy doanh nghiệp vào chân tường.
* Thưa ông, vì sao Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM có văn bản kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét lại việc thu phí quỹ bảo trì đường bộ?
- Luật sư Thái Văn Chung: Vừa qua Chính phủ ban hành nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 3-3-2012 về thu phí quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2012. Tuy chưa có thông tư hướng dẫn thi hành nhưng chúng tôi nhận định sắp tới các doanh nghiệp vận tải hàng hóa sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi chính thức áp dụng phí này nên tiếp tục có văn bản kiến nghị đến Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính xem xét lại một số nội dung cho phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Thứ nhất: Nhà nước phải kiểm soát được chi phí đầu tư vào đường bộ. Hiện nay chi phí đầu tư vào cầu, đường bộ ở Việt Nam quá cao, ví dụ việc đầu tư 1km đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương hết khoảng 8 triệu USD, số tiền này cao gấp 4-5 lần giá đầu tư 1km đường ở Mỹ!
Thứ hai: Nhà nước phải kiểm soát được chất lượng đường bộ. Nếu giá cả hợp lý, chất lượng đường phù hợp với các tiêu chuẩn thì theo tôi việc duy tu, bảo trì đường bộ sẽ ở mức rất thấp. Bởi vì không kiểm soát được chất lượng (đã có trường hợp thi công đổ nhựa nóng trên nền đất bùn) thì có khi tiền bỏ ra để duy tu, sửa chữa, bảo trì còn nhiều hơn tiền đầu tư mới.
* Vì sao hiệp hội cho rằng việc thu phí quỹ bảo trì đường bộ không công bằng?
- Tôi cho rằng cơ quan nhà nước đề xuất phương thức thu phí hằng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được quy định tại nghị định này chưa bảo đảm được tính công bằng cho người nộp phí và sẽ tạo ra nhiều hệ lụy rất phức tạp. Cụ thể là: Thứ nhất: đối với nhóm xe cá nhân (môtô, xe du lịch), pháp luật hiện hành không hạn chế quyền sở hữu về số lượng đối với mỗi cá nhân. Vì thế sẽ có tình trạng một cá nhân, tổ chức sở hữu một lúc nhiều phương tiện xe cá nhân nhưng chỉ sử dụng một phương tiện tham gia giao thông song vẫn phải đóng phí tất cả phương tiện họ có là chưa công bằng.
Thứ hai: đối với phương tiện vận tải hàng hóa thì phương thức thu phí theo đầu phương tiện lại càng chứng minh tính chưa công bằng giữa những người nộp phí. Cụ thể là mỗi doanh nghiệp tùy theo điều kiện thực tế vận chuyển (chưa kể những rủi ro khác như xe hư hỏng phải nằm lại để sửa chữa, xe bị tai nạn bị tạm giữ, xe vận chuyển nội bộ trong cảng, khu công nghiệp...) nên có lúc không tham gia sử dụng đường bộ nhưng vẫn phải nộp phí do thu phí “hằng năm”. Đó là điều vô lý và không công bằng.
Thứ ba: đối với nhóm xe đầu kéo kéo xơmi rơmooc, nghị định quy định vừa đánh phí trên cả đầu phương tiện là “máy kéo” vừa đánh trên “rơmooc, xơmi rơmooc được kéo bởi ôtô, máy kéo” là càng vô lý. Bởi vì bản thân xơmi rơmooc là thiết bị cơ khí đơn giản, không gắn động cơ, không thể tự hành được. Do đó, nghị định tách thành hai thiết bị riêng biệt để thu phí đối với loại xe tổ hợp chuyên dụng sẽ tạo gánh nặng về phí cho các doanh nghiệp vận tải.
* Theo ông, nếu nghị định này có hiệu lực sẽ tác động đối với doanh nghiệp vận tải ra sao?
- Tôi cho rằng nếu áp dụng mức phí đường bộ như đề xuất của Bộ Giao thông vận tải thì các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, trên một tuyến vận tải từ cảng Cát Lái (Q.2, TP.HCM) đi Cần Thơ, doanh nghiệp vận tải đang phải chịu chi phí cho cầu đường bộ lên đến 19%/tổng giá cước cho một chuyến hàng. Cùng với các chi phí khác như lãi suất vay ngân hàng, dầu, vỏ lốp... quá cao thì gần như nhiều doanh nghiệp vận tải đang kinh doanh không có lợi nhuận.
Việc Nhà nước áp dụng phương thức thu phí trên đầu xe theo kỳ đăng kiểm (hoặc là 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm... tùy theo đời xe cũ hay mới) thì chẳng khác nào dồn doanh nghiệp vào chân tường. Nghĩa là phải đi vay và trả lãi hai lần cho phương tiện hoạt động. Nếu doanh nghiệp chỉ cần có 10 xe đầu kéo với thời hạn đăng kiểm là 1 năm/lần thì phải đóng một lúc cho Nhà nước số tiền khoảng 19,56 triệu đồng/năm cho quỹ bảo trì đường bộ, chưa kể phí của xơmi rơmooc.
Nên chăng Nhà nước áp dụng cách thu phí hằng tháng đối với từng loại phương tiện. Tháng nào phương tiện không hoạt động, không tham gia giao thông đường bộ thì không phải nộp phí bảo trì đường cho Nhà nước.
* Như vậy, ý của hiệp hội ra sao?
- Để bảo đảm tính công bằng trong việc thu phí, chúng tôi kiến nghị nên cho thu phí quỹ bảo trì đường bộ thông qua xăng dầu. Theo đó, người nào sử dụng đường bộ nhiều, tiêu hao nhiên liệu nhiều thì đóng phí nhiều; cách thu đơn giản, hạn chế được tình trạng thất thu cho Nhà nước. Riêng các đối tượng có sử dụng xăng dầu nhưng không tham gia sử dụng đường bộ, tôi cho rằng Bộ Tài chính có đủ khả năng và kinh nghiệm để thực hiện các thủ tục hoàn phí cho các đối tượng này.
Theo Ngọc Ẩn thực hiện (Tuổi Trẻ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
FID báo cáo sai khoản lỗ