Doanh nghiệp vận tải kêu cứu vì "giấy phép con" của Hà Nội
Quyết định làm khó doanh nghiệp
Gần đây, nhiều ý kiến phản ánh của doanh nghiệp vận tải đã nêu những bất cập trong Quyết định 06/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn.
Theo phản ánh, ngày 25/1/2013, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND kèm theo Quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội.
Sau một thời gian ngắn có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp có xe tải nhẹ và đa số người dân sử dụng dịch vụ vận tải hàng hóa bằng loại xe tải này đều đã chỉ ra được một số vấn đề gây kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, bóp nghẹt huyết mạch lưu thông hàng hóa của thành phố và tạo ra những khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người dân.
Cụ thể, tại khoản 1, điều 5, chương II quy định: "Các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng đến 1,25 tấn: Cấm hoạt động trong giờ cao điểm". Trong đó, giờ cao điểm là giờ được quy định: Sáng từ 6h00 đến 9h00, chiều từ 16h30 đến 19h30 hàng ngày.
Khoản 2, điều 5, chương II quy định: "Các loại xe vận tải có trọng lượng từ trên 1,25 tấn trở lên, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe chuyên dùng và các loại xe máy thi công: Chỉ được phép lưu hành từ 21h00 đến 6h00 sáng ngày hôm sau và phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền".
Lật giở lại khoản 1, điều 2, chương I của cùng quyết định có thể thấy từ "trọng lượng" được giải thích như sau: "Trọng lượng toàn bộ của xe gồm trọng lượng bản thân xe cộng với trọng lượng hàng theo thiết kế".
Tuy nhiên trong thực tế, không có một loại xe tải nào có gắn thùng, đang lưu hành tại Việt Nam lại có tổng trọng lượng bản thân xe cộng với trọng lượng hàng nhỏ hơn 1,25 tấn cả. Thậm chí, chỉ riêng trọng lượng bản thân xe thôi cũng đã vượt qua con số này rồi.
Khi mà tất cả các xe tải chạy trên địa bàn Hà Nội đều có trọng lượng toàn bộ lớn hơn 1,25 tấn, chiểu theo quy định này thì có thể nói rằng, UBND TP. Hà Nội coi như cấm toàn bộ xe tải hoạt động trong khung giờ từ 6h sáng đến 21h tối hàng ngày.
Còn trong khung giờ từ 21h tối đến 6h sáng hôm sau, dù được phép chạy nhưng các xe tải trên 1,25 tấn vẫn cần phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền - một loại "giấy phép con" gây rất nhiều phiền toái về mặt hành chính cho chủ xe và tài xế.
Quy định này còn khiến các chủ phương tiện vận tải tìm cách "lách luật", cho xe tải nhẹ đội lốt các loại xe như xe vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện, báo chí, xe chở thực phẩm tươi sống… để được ưu tiên hoạt động. Cơ chế "xin - cho" hoặc "đi đêm" để có được giấy phép lưu hành nhanh nhất, thuận lợi nhất cũng từ đó được sinh ra.
Khiến doanh nghiệp vào thế phải lách luật!
Anh Trần Quang Minh (Thường Tín, Hà Nội) - chủ một xe tải nhỏ 1,25 tấn - chia sẻ: "Vay mượn mãi tôi mới mua được 1 chiếc xe tải nhỏ để làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, từ khi Quyết định 06 của ban hành, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi xin cấp phép để được đi vào nội thành.
"Thêm vào đó, UBND TP Hà Nội chỉ cho chúng tôi chay từ 21h đêm tới 6h sáng hôm sau nên các mối thuê chở hàng cũng giảm hẳn. Bởi lẽ, công việc buôn bán của người dân Thủ đô thường vào ban ngày, ban đêm họ dành thời gian nghỉ ngơi. Vì thế, thay vì thuê xe tải nhỏ của chúng tôi, họ chuyển sang thuê các loại xe 3 bánh tự chế để vận chuyển hàng hóa cho chủ động. Thời gian tới, nếu khó khăn quá, có lẽ tôi phải bán xe đi để vào Nam mưu sinh".
Đúng như chia sẻ của anh Minh, việc xe tải nhỏ bị hạn chế sẽ là cơ hội để các loại xe ba bánh, xe thương binh tự chế phát triển mạnh, gây mất mỹ quan cũng như an toàn giao thông khi tham gia vận chuyển hàng hóa ồ ạt vào mọi khung giờ.
Một chiến sĩ CSGT công tác tại phòng PC67 – Công an TP. Hà Nội thường xuyên phải làm nhiệm vụ ở một số điểm đen ùn tắc giao thông thì lại bày tỏ sự lo ngại về một số vấn đề nan giải khác liên quan đến Quyết định 06/2013 của UBND TP. Hà Nội.
Theo chiến sĩ này, nếu cấm loại xe tải nhẹ chở hàng hóa lưu thông vào các khung giờ ban ngày thì vô hình chung đã tạo ra một cú hích cho các loại xe 3 bánh tự chế phát triển ồ ạt để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa không thể thiếu trong cuộc sống người dân.
Tại cuộc họp sơ kết 3 ngày thực hiện Kế hoạch tổng điều tra cơ bản, kiểm tra xử lý vi phạm của các phương tiện quá tải, quá khổ; xe 3 - 4 bánh tự sản xuất, lắp ráp lấy danh nghĩa là xe thương binh, bệnh binh, người khuyết tật hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT - Công an TP Hà Nội cho biết, cơ quan này mới chỉ cấp phép cho khoảng 30 xe 3 bánh cho thương binh làm phương tiện đi lại nhưng tại Hà Nội lại đang có rất nhiều loại phương tiện xe 3 bánh lưu thông trên đường mỗi ngày.
Và đây mới là một trong những phương tiện gây ách tắc giao thông trên nhiều tuyến phố và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông khi người lái chạy ẩu, chở cồng kềnh và thường xuyên vi phạm các quy định về giao thông đường bộ.
Từ những bất cập trên, rất nhiều người dân là chủ các xe tải nhỏ và người sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe tải nhỏ bày tỏ sự mong muốn lãnh đạo UBND TP. Hà Nội xem xét lại một số điều khoản của Quyết định 06, tạo điều kiện cho xe tải nhỏ dưới 1,25 tấn được hoạt động ban ngày (trừ giờ cao điểm), bỏ quy định xin giấy phép lưu hành trong khung giờ không cấm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải phát triển, góp phần đẩy mạnh kinh tế Thủ đô và đất nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao