Doanh nghiệp Việt: Ốm yếu vì chú tâm lobby
Chiều 26/11, phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu về liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2012, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá, trên thực tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian vừa qua chưa khuyến khích được các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Theo đó, hầu như các doanh nghiệp dành nhiều thời gian xử lý các mối quan hệ hơn là tập trung vào đổi mới quản trị và công nghệ, nhất là tại những ngành có thị trường nhạy cảm. Đó cũng chính là lý do giải thích nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại trụ vững trong giai đoạn hiện nay trong khi hàng loạt các doanh nghiệp trong nước phá sản và chật vật tồn tại.
Trong khi đó, theo nhận định của ông Alain Cany, đồng Chủ tịch Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam được coi là một nước nhiều tiềm năng phát triển, nhưng chưa có kỹ năng để quản lý doanh nghiệp.
Khả năng sản xuất của Việt Nam cải thiện nhiều nhưng chưa có khả năng quản lý doanh nghiệp mang tính cạnh tranh như các doanh nghiệp Mỹ, Nhật, châu Âu - đây là những doanh nghiệp đã có bề dày kinh nghiệm, trải qua nhiều thời kỳ kinh doanh và có khả năng quản trị tốt để chống đỡ với những cú sốc bên ngoài.
Tại Việt Nam, theo ông Cany, chỉ thời gian gần đây điều kiện kinh doanh mới gặp khó khăn, trước đó rất thuận lợi. Sở dĩ, môi trường kinh doanh không duy trì được tính ổn định lâu dài vì thiếu vốn và phụ thuộc quá nhiều vào các ngân hàng.
Các doanh nghiệp vay vốn dựa trên tài sản thế chấp và ngân hàng hầu như chỉ căn cứ vào đây để cho vay, không quan tâm nhiều đến khả năng kinh doanh tăng vốn và tính sinh lợi của dòng tiền. Ông Cany cho rằng, khi các khoản vay rẻ không còn nhiều thì doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao khả năng quản trị của mình. Và bên cạnh đó, cũng phải chuẩn bị cho tình huống, trong khó khăn, một số ngân hàng cũng có thể đóng cửa.
"Đó là lý do khiến các doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp Việt Nam: họ vay ít hơn, có được những khoản vay giá rẻ ở nước ngoài, quản trị tốt hơn và không tuyển dụng quá nhiều dẫn đến tồn dư nhân công. Đồng thời, phương thức quản trị nhà máy cũng tốt hơn, cách tổ chức sản xuất so với doanh nghiệp trong nước gần như khác hẳn" - ông Cany cho biết.
(Ảnh: B.D).
Theo ông Vũ Tiến Lộc, các chỉ số về lạm phát, về nhập siêu mặc dù đã giảm hơn dự kiến nhưng cũng đã mang đến cho doanh nghiệp những khó khăn vượt ngoài dự kiến. Tình hình khó khăn toàn diện tác động tới cả doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp lớn, cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Riêng doanh nghiệp FDI đỡ khó khăn hơn cả, do năng lực cạnh tranh ở khu vực này tốt hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với thị trường thế giới và tình hình toàn cầu.
Có một điểm khá thú vị, theo ông Lộc đó là, những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh lại tập trung chủ yếu vào những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năng lực cạnh tranh có vẻ tỉ lệ nghịch với quy mô của doanh nghiệp - ở nền kinh tế Việt Nam hiện nay có tình trạng như vậy - ông Lộc cho hay.
Thắt chặt chính sách quá dài sẽ giết chết doanh nghiệp
Thông tin về nội dung được đề cập và bàn bạc tại VBF ngày 3/12 sắp tới, ông Alain Cany cho biết, với sự tham gia đóng góp tham luận của 15 Hiệp hội, tổ chức trong và ngoài nước, các bên sẽ đối thoại với Chính phủ và đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo đó, Việt Nam đã giữ chính sách thắt chặt và đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Cany, "Điều quan trọng là chúng ta cần phải đưa ra những chính sách như thế này nhưng không nên giữ quá dài. Nếu giữ chính sách này quá dài sẽ giết chết các doanh nghiệp kể cả những doanh nghiệp tốt".
Do vậy, theo ông, Chính phủ cần có những cải cách nền kinh tế một cách sâu sắc, không thể lèo lái nền kinh tế bằng những biện pháp tài khóa, tiền tệ ngắn hạn.
"Chúng tôi cũng đã thảo luận với khu vực tư nhân về những điều mà chúng ta cần làm. Khác với những diễn đàn trước, tuần sau các diễn giả sẽ đưa ra những khuyến nghị trực tiếp để gửi lên Chính phủ nhằm mục tiêu giải quyết cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ".
Ông Vũ Tiền Lộc cho biết, có thể gom các chính sách thành 3 nhóm chính. Thứ nhất, phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục đổi mơi theo hướng cơ chế thị trường. Từ đó, tạo được môi trường minh bạch, rõ ràng và cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo được niềm tin và định hướng được cho doanh nghiệp.
"Trong bối cảnh như thế này càng phải đẩy nhanh hơn chứ không được phép lùi lại" - Chủ tịch VCCI cho hay. Bên cạnh đó, về phía các doanh nghiệp Nhà nước, cần đẩy nhanh cổ phần hóa và phải đặt các doanh nghiệp trong kỷ luật thị trường để tăng tính cạnh tranh.
Nhóm chính sách thứ hai nhắm vào cứu doanh nghiệp, trợ giúp doanh nghiệp. Đây là những chính sách ngắn hạn, bao gồm giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho; giảm thuế, giảm chi phí thuê đất, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng...
Ông Lộc lưu ý, cần cứu doanh nghiệp nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp mà chỉ nhắm vào cứu những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh, có tiềm năng phát triển, song gặp khó khăn tạm thời.
Nhóm cuối cùng là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nội lực. Theo đó, không chỉ hỗ trợ về mặt tài chính mà còn phải hỗ trợ các doanh nghiệp về mặt năng lực quản trị và khả năng cạnh tranh.
Việt Anh (Theo Dân trí)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước