Thị trường

Doanh nghiệp Việt trong cơn bĩ cực

Bức tranh doanh nghiệp Việt Nam năm 2012 dường như còn tối hơn, ảm đạm hơn bởi những khó khăn và áp lực về lãi suất.

Năm 2011, cả nước có tới 450/495 doanh nghiệp và 90% công ty chứng khoán đang niêm yết trên sàn giao dịch tập trung báo lỗ; khoảng 50% số doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng hơn nửa số làng nghề trên cả nước hầu như bị tê liệt hoạt động. Thế nhưng, bức tranh doanh nghiệp Việt Nam năm 2012 dường như còn tối hơn, ảm đạm hơn bởi những khó khăn và áp lực về lãi suất….

 

“Đại gia” cũng “méo mặt”

 

Báo cáo ngày 17/4 của Chính phủ trình bày tại phiên họp sáng 20/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong quý 1/2012 đã có trên 2.400 doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể và khoảng trên 11.600 doanh nghiệp (số công bố tại họp báo thường kỳ tháng 3/2012 của Chính phủ tương ứng là trên 2.200 và 9.700 doanh nghiệp) đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế. 
 
 
Như vậy, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước. Riêng số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 62,18%.
 
 
Trong tổng số doanh nghiệp đã giải thể, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đăng ký giải thể nhiều nhất (chiếm 26,1%); tiếp đến là ngành công nghiệp, khai khoáng (14,7%), ngành xây dựng và bất động sản (10,7%) và ngành vận tải - kho bãi (9,9%).
 
 
Đồng thời, trong quý 1/2012 cả nước có 17,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký khoảng 100,3 nghìn tỷ đồng, giảm 6% về số lượng doanh nghiệp và giảm 10% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.
 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, trong quý I/2012, các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đều có chiều hướng xấu đi về lợi nhuận, doanh số, hàng tồn kho, hiệu suất xử dụng máy móc, cũng như số lượng lao động…

 

Tỷ lệ doanh nghiệp ngừng sản xuất và giải thể trong năm 2011 và quý I/2012 là 8,4% (trong đó ngừng sản xuất là 4,3%, giải thể là 4,1%, tỷ lệ giải thể của doanh nghiệp ngoài quốc doanh  trong nước chiếm 9,2%).


 


Chỉ tính trong hai tháng đầu năm 2012 ở Hà Nội đã có 169 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm 2011; Còn TP. Hồ Chí Minh thì có 526 /931 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước), 5.012 doanh nghiệp  ngừng hoạt động, 1.725 đơn vị chờ làm thủ tục giải thể, phá sản, 1.198 doanh nghiệp đã bỏ trốn, mất tích; 1.136 đơn vị tạm ngừng có thời hạn… tăng gấp 4-6 lần năm 2011.

 

Nhìn chung, tình trạng vay "nóng" hay xiết nợ hàng loạt hiện diễn ra khá phổ biến. Mối lo nợ đọng và phá sản gia tăng ở mọi ngành và doanh nghiệp.
 
 
Dù là “đại gia” như Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Vinacafe Buôn Ma Thuột, hay doanh nghiệp nhỏ và vừa tiểu thủ công nghiệp, nhất là trong ngành kinh doanh bất động sản, Thép, điều và chế biến thủy sản… đều vậy.
 
 
Không ít doanh nghiệp chuyển sang “buôn chuyến”, từ sản xuất chuyển qua làm thương mại, nhập hàng bán ở nội địa, lấy ngắn nuôi dài, hoạt động cầm chừng nuôi nhân sự; không đủ động lực tái cấu trúc theo chiều sâu như kêu gọi của Chính phủ và đòi hỏi của thực tiễn cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt…
 

Lãi suất cho vay quá cao và kéo dài

 

Thông thường, ở các nước thị trường phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể trong ba năm đầu sau khi thành lập khoảng 25-30%; con số này gia giảm tùy theo bối cảnh kinh doanh khó khăn hay thuận lợi của thị trường trong nước và quốc tế.
 
 
Thế nhưng, thực tế Việt Nam cho thấy, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp (thường trên dưới 10 - 20% tổng doanh nghiệp) rút lui có thông báo hay biến mất lặng lẽ khỏi thị trường là việc bình thường.
 
 
Nguyên nhân thường do những khó khăn về tài chính hoặc rủi ro từ phản ứng và cạnh tranh thị trường; do thay đổi chiến lược kinh doanh cho phù hợp tình hình mới; do cân nhắc lợi ích trong hoạt động mua - bán và sáp nhập doanh nghiệp…
 
 
Đơn giản hơn, có thể chỉ là do nhà đầu tư muốn lợi dụng kẽ hở trong cơ chế quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp mà thực hiện thủ tục thành lập và phá sản doanh nghiệp nhằm trốn thuế, trốn nợ, trốn tránh các nghĩa vụ tài chính với nhà nước và các đối tác của mình v.v…
 

Thực tế cũng cho thấy, hiện nay, các khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp Việt Nam liên quan trước hết với sự gia tăng chi phí sản xuất kinh doanh tăng do lãi suất cao và sức mua cả trong và ngoài nước đều giảm mạnh.

 

Trong vài năm trở lại đây, lãi suất cho vay thương mại của hệ thống ngân hàng luôn ở mức cao. Đặc biệt, kể từ năm 2011 và quý 1/2012, lãi suất cho vay thông thường lên tới hơn 20%/năm, cao hơn gấp từ 3 - 4 lần so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Hiện tại, lãi suất cho vay tại Trung Quốc, Indonesia khoảng 5-6%/năm, còn Singapore thấp hơn. Mức trung bình của khu vực từ 6 - 8%/năm…
 
 
 
Như vậy, ở ta khoản này cao gấp từ 2-3 lần tỷ suất lợi nhuận bình quân chung xã hội theo thực tế kinh doanh thông thường của doanh nghiệp.

 


Tỉnh Thanh Hóa trong những tháng đầu năm 2012, so cùng kỳ năm trước bị giảm 29% về số doanh nghiệp và 17% về vốn đăng ký mới. Trên địa bàn tỉnh này có 350/2.401 doanh nghiệp (chiếm 15%) không phát sinh doanh thu; 58 doanh nghiệp dừng hoạt động, 190 doanh nghiệp xin tạm dừng hoạt động. Còn TP. Buôn Ma Thuột có tới 1/3 (767 trong tổng 2.380) doanh nghiệp trên địa bàn đang rơi vào tình trạng rất khó khăn do đói vốn, doanh số kém, không có nguồn thu. Trong số đó, 110 doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động từ 6 tháng tới một năm, 14 doanh nghiệp làm thủ tục phá sản.

 
 
Theo VCCI, tới ngày 20/4/2012, vẫn có khoảng 50% doanh nghiệp đang vay vốn mức lãi suất trên 18%. Trong khi đó, mức lãi suất mà khoảng 75% doanh nghiệp có thể chịu được là 15%.
 
 
Lãi suất cao khiến doanh nghiệp từ chối vay, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng quý 1/2012 âm tới 1,96%. Đây là mức âm lần đầu tiên trong suốt thập kỷ qua và buộc các ngân hàng lớn cạnh tranh mua trái phiếu, tín phiếu, buôn bán liên ngân hàng…
 

Chưa hết, việc dỡ bỏ trần lãi suất cho vay sớm, trong khi khống chế trần lãi suất huy động, đã tạo áp lực buôn bán vốn lòng vòng, thiếu minh bạch và cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động tín dụng; khiến dòng vốn tín dụng ngân hàng  bị dồn tụ vào một số khách hàng và lĩnh vực kinh doanh đủ sức chịu lãi vay cao, nhất là cho vay phi sản xuất.

 

Điều đó khiến rủi ro tín dụng gia tăng và làm vô hiệu hóa chủ trương tập trung cho vay sản xuất, nhất là cho vay tái cơ cấu, phát triển  nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Rủi ro tín dụng gia tăng

 

Thực tế đã, đang và sẽ còn cho thấy, yêu cầu gay gắt hạ lãi suất cho vay trước hết được quy định bởi áp lực phá sản từ phía các doanh nghiệp do lãi suất cao kéo dài. Hơn nữa, yêu cầu về hạ lãi suất cho vay còn nhằm sự bảo đảm công bằng và nâng cao trách nhiệm xã hội của các ngân hàng thương mại trong so sánh với các doanh nghiệp khác.
 
 
Điều này dễ nhận thấy khi so sánh chệnh lệch lãi suất đầu vào (12-17%) và đầu ra (16-25%) của các ngân hàng thương mại trong thời gian qua rất cao, chưa từng có tiền lệ (từ 8 tới hơn 10% trong khi chỉ cần 2,5-3% là đủ bù đắp các hoạt động kinh doanh của ngân hàng).
 
 
Điều này đang và sẽ mang lại những món lợi nhuận, cũng như nợ khó đòi hàng ngàn tỷ đồng cho các ngân hàng. Hơn nữa, mức lương, thưởng cao phổ biến của các nhân viên ngân hàng trở thành nỗi buồn xã hội khi so với đa số các doanh nghiệp và người lao động của họ đang hưởng mức lương thấp hơn nhiều lần...
 
 
Về triển vọng, mặc dầu các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn đánh giá cao triển vọng trung và dài hạn của nền kinh tế. Song, theo nhiều dự báo, đến cuối quý 2/2012, làn sóng doanh nghiệp trong nước phá sản, dừng hoạt động và không nộp thuế sẽ tiếp tục gia tăng.
 
 
VCCI cho biết, có 68,5% số doanh nghiệp được hỏi có kế hoạch duy trì và mở rộng sản xuất, trong khi 31,5% cho biết sẽ thu hẹp mô hình, ngừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2012.
 
 
Đặc biệt, việc gia tăng doanh nghiệp phá sản hay thu hẹp hoạt động vì  không chịu nổi chi phí vốn và sản xuất cao dễ làm tăng áp lực thất nghiệp và an sinh xã hội, giảm thu nhập, giảm sức mua thị trường và căng thẳng cân đối ngân sách Nhà nước như một vòng xoáy lặp lại với mức độ ngày càng cao.
 
 
Điều đó, đến lượt mình, có thể làm tăng bất ổn kinh tế-xã hội vĩ mô do nguy cơ vỡ nợ doanh nghiệp và ngân hàng, tăng sức ép thất nghiệp và an sinh xã hội, tăng các tranh chấp kinh tế và lao động…
 
 
Nói như Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng BIDV, thể trạng của doanh nghiệp đã "kiệt quệ" lắm rồi, nếu không có giải pháp kịp thời thì triển vọng trước mắt số doanh nghiệp phá sản sẽ gia tăng rất nhiều…
 
 
Theo GĐ&XH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo