Tin tức - Sự kiện

Doanh nghiệp xã hội còn thiếu khung pháp lý

Ông Nguyễn Đình Cung - Quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, các mô hình doanh nghiệp xã hội (DNXH) ở Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều rào cản, vì chưa được Chính phủ quan tâm đúng mức.

Thưa ông khái niệm DNXH là một khái niệm còn khá mới mẽ ở Việt Nam (VN), hiện nay quy mô và tốc độ phát triển của loại hình doanh nghiệp (DN) này ở nước ta như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Cung: Cho đến năm 2013, số lượng các DNXH ở VN được đánh giá chính thức khoảng hơn 300 tổ chức. DNXH được thành lập sớm nhất từ thời kinh tế bao cấp là các HTX, tổ hợp tác tạo việc làm cho thương binh và người khuyết tật. Đầu những năm 1990, khi bắt đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường, một số ít các doanh nhân xã hội đã tiên phong trong việc thành lập các doanh nghiệp, trường dạy nghề cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn như trẻ em đường phố, trẻ em nghèo, phụ nữ nông thôn… Đây là các DNXH đúng nghĩa đầu tiên được thành lập ở VN. Trên thực tế vì chưa có quy định và cách hiểu thông nhất về DNXH, các số liệu thống kê chỉ có tính ước lượng. Số lượng thực tế các tổ chức thỏa mãn các tiêu chí của DNXH hiện nay có thể lớn hơn nhiều.

Với quy mô còn ít ỏi và manh mún vậy thì các DNXH gặp những khó khăn gì trong quá trình phát triển?

Ông Nguyễn Đình Cung: Những khó khăn của DNXH ở VN xuất phát từ sự hạn chế về nhận thức và thiếu khuôn khổ pháp lý là thách thức trước tiên cần được giải quyết.

Ông Nguyễn Đình Cung - Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trưng ương

Cụ thể, cho đến nay mặc dù DNXH khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới nhưng nhận thức về mô hình mới này còn quá ít ở nước ta. Đa số người dân thậm chí còn chưa nghe tới loại hình hỗn hợp này. Nhiều người biết đến nhưng hiểu không đúng hoặc hoài nghi về tính khả thi của mục tiêu xã hội mà người làm DNXH theo đuổi. Nói chung xã hội vẫn quen với cách nhìn nhận các tổ chức với 2 chức năng và mục tiêu tách biệt: doanh nghiệp “vì lợi nhuận”, tổ chức xã hội, từ thiện “phi lợi nhuận”.

Và một phần khó khăn là do hiện nay chúng ta chưa có các văn bản pháp lý công nhận DNXH, các cấp chính quyền địa phương dù có hiểu biết về DNXH rõ ràng cũng không có những ứng xử khác biệt bởi họ luôn phải làm theo quy định. Cùng là mô hình DNXH, nhưng chắc chắn tổ chức đăng ký dưới hình thức công ty sẽ không thể xin cấp đất, cấp phép thuận lợi được như các tổ chức đăng ký dưới hình thức trung tâm hay cơ sở bảo trợ xã hội.

Chính vì vậy, nhiều DNXH nói rằng họ rất muốn đăng ký dưới hình thức DN để đơn giản hóa và minh bạch hơn các thủ tục quản trị, chế độ tài chính… nhưng họ lại không thể làm vậy, vì dưới hình thức các trung tâm, các tổ chức từ thiện họ thể hiện được bản chất xã hội rõ hơn, được sự thông cảm của xã hội và nhận được nhiều ưu đãi hơn từ chính quyền địa phương.

Vậy theo ông chính phủ cần có những chính sách gì để hỗ trợ loại hình DN này phát triển?

Ông Nguyễn Đình Cung: Sở dĩ các DNXH ở nước ngoài phổ biến là do Chính phủ đã đi trước một bước trong việc nâng cao nhận thức về DNXH. Thông qua các báo cáo và chức năng quản lý nhà nước, phát triển KT-XH, Chính phủ có cơ chế để tiếp nhận, xử lý và ban hành các chính sách. Thông qua cơ chế đó, Chính phủ có thể giới thiệu, dẫn dắt, tuyên truyền cho người dân những thực tiễn, bài học, cách làm có lợi cho cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội. Thiếu những tác động này người dân sẽ phải tự tìm tòi, học hỏi và giải quyết các vấn đề của mình một cách khác nhau và hệ quả là chi phí xã hội sẽ lớn hơn. Do đó, Chính phủ cần chủ động đóng vai trò là “bà đỡ” đối với các hoạt động của DNXH. Đặc biệt là xây dựng một khuôn khổ pháp lý rõ rang sẽ làm tăng hiệu quả quản lý nhà nước cho các DNXH phát triển.

Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo