Thị trường

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản gặp khó

Xuất khẩu nông, thủy sản suy giảm đang khiến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này thêm khó khăn.

 Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đang gặp khó khăn - Ảnh: D.Đ.Minh

Theo Tổng cục Thống kê, nếu không có yếu tố đột biến thì khả năng xuất khẩu (XK) cả năm sẽ đạt khoảng 131 tỉ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2012 và cao hơn 4% so với chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, điều đáng nói là những mặt hàng nông sản, vốn là thế mạnh nhiều năm nay của VN, lại đồng loạt suy giảm. Cụ thể kim ngạch XK nhóm nông, lâm, thủy sản từ đầu năm đến nay ước đạt 16,4 tỉ USD, giảm 6,3%. Trong đó, XK cà phê giảm 24%; chè các loại giảm 5,1%; gạo giảm 14,1%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 27,9%, cao su giảm 13,7%...

Giảm nhiều nhất có thể kể đến các mặt hàng cao su, cà phê, gạo, thủy sản. Hiệp hội Cao su VN cho biết trong 10 tháng đầu năm 2013, VN XK 846.453 tấn cao su thiên nhiên, đạt kim ngạch 1,9 tỉ USD, đơn giá bình quân 2.351 USD/tấn. So với cùng kỳ năm trước, XK cao su thiên nhiên tăng nhẹ 3,8% về lượng, nhưng giảm 13,7% về kim ngạch và đơn giá bình quân giảm 16,9%. Giá XK giảm khiến các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Công ty CP cao su Tây Ninh (TRC), một trong những đơn vị XK cao su hàng đầu, vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và 9 tháng đầu năm 2013. Theo đó, doanh thu thuần quý 3/2013 của TRC đạt 194,7 tỉ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ...

Ngành thủy sản cũng một năm lao đao khi hầu hết các mặt hàng đều giảm sút. Đối với cá tra, sự sụt giảm nhu cầu kéo dài tại các thị trường chính, nhất là EU, khiến người nuôi cá và doanh nghiệp XK chật vật. Nhiều hộ nuôi cá bỏ ao, giá cá và nguồn nguyên liệu cho chế biến bấp bênh. XK cá tra trong quý 3/2013 đạt 424 triệu USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tổng XK 9 tháng đạt gần 1,3 tỉ USD, giảm 1,4%. Tỷ trọng kim ngạch XK của cá tra trong lĩnh vực thủy sản bị sụt giảm từ 28,6% xuống còn 26,5%...

Đối mặt thêm nhiều khó khăn

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), hiện Bộ Tài chính đang rà soát danh mục biểu thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi hiện hành và xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan. Đến nay, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát 3.425 dòng thuế, qua đó dự kiến giữ nguyên thuế suất thuế NK của 2.963 dòng thuế là nguyên liệu đầu vào trong nước chưa sản xuất được. Đây chủ yếu là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản để chế phẩm nông sản, thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nước không nuôi trồng được hoặc nuôi trồng không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, dự kiến mức thuế suất NK mặt hàng cá thu sẽ tăng từ 12 lên 13%, tôm hùm đá từ 10 lên 15%, cua ghẹ vỏ mềm tăng từ 0 lên 3%, tôm sú và tôm chân trắng, tôm càng xanh tăng từ 10 lên 12%. Ngoài ra, để khuyến khích sử dụng sản phẩm nuôi trồng trong nước và thống nhất với mức thuế suất của các mặt hàng trong nhóm nhuyễn thể, Bộ sẽ điều chỉnh mức thuế suất NK: hàu, sò điệp, trai, sò sống và đông lạnh tăng từ 0 lên 3%, bạch tuộc đông lạnh (mã HS 03075910) từ 10 lên 15% trong năm 2014.

Việc tăng mức thuế suất NK của một số mặt hàng thủy sản như: cá thu, tôm, nhuyễn thể, cua ghẹ... đang khiến các doanh nghiệp không khỏi lo lắng. Hiện nay, các DN XK tôm đang thiếu nguyên liệu trầm trọng và sản xuất cầm chừng, không đủ nguyên liệu vì tôm chết do dịch bệnh, sản lượng nuôi trồng đạt mức thấp. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi thương lái đẩy mạnh mua tôm nguyên liệu tươi đưa sang Trung Quốc. 10 tháng đầu năm nay, XK hải sản cũng giảm mạnh hơn so với dự đoán của nhiều DN, trong đó có nguyên nhân lớn là thiếu nguyên liệu trong nước phục vụ cho hoạt động XK. Để đẩy mạnh XK, đa dạng hóa sản phẩm, nhiều DN buộc phải chọn phương án NK nguyên liệu để chế biến XK do nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% công suất của nhà máy. Chỉ trong vòng 5 năm từ 2009 - 2012, tổng kim ngạch NK thủy sản đã tăng gấp đôi lên gần 700 triệu USD. Như vậy, với mức tăng thuế suất NK như Bộ Tài chính dự kiến, hoạt động sản xuất, XK của DN hải sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Theo Thanh Niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo