Chủ tịch VSSA: Chuỗi liên kết mía đường có nguy cơ bị huỷ hoại bởi đường lậu
Doanh nghiệp thuỷ sản đối mặt ba nỗi lo / Doanh nghiệp thủy sản tăng tốc xuất khẩu sang Mỹ
Ngành mía đường đang đối mặt nhiều khó khăn khi giá mía giảm, đường tồn kho lớn, nhập lậu diễn biến phức tạp, sinh kế của người dân cũng như chuỗi liên kết mía đường bị đe doạ. Để làm rõ thực trạng cũng như giải pháp, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA).
Được biết, hàng loạt nhà máy đường hiện đang rơi vào tình cảnh khó khăn vì đường tồn kho. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về thực trạng này?
Ông Nguyễn Văn Lộc: Không chỉ các nhà máy đường mà cả chuỗi liên kết mía - đường đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Các nhà máy đường đang thu mua mía của khoảng 200.000 hộ nông dân trồng mía trên cả nước. Giá mua mía liên tục tăng, đến vụ 2023/2024 đã tăng 152% so với vụ 2019/2020.
Giá thu mua mía tăng dẫn đến giá thành sản xuất đường tăng. Tuy nhiên, từ giữa năm 2024 đến nay, giá đường Việt Nam liên tục giảm, đường sản xuất từ mía của các nhà máy không bán được phải tồn kho. Lần đầu tiên trong nhiều năm, ngành đường Việt Nam chứng kiến cảnh tượng đã gần kết thúc vụ ép, mà đường vụ ép trước vẫn còn, chưa tiêu thụ hết.
Thị trường đường Việt Nam đang trong cảnh thừa cung, trong đó các loại đường bất hợp pháp đang chiếm hết thị phần đường tự do, khiến cho đường sản xuất từ mía không tìm được đầu ra tiêu thụ. Lượng đường tồn kho tại các nhà máy đang rất lớn. Hiện một số nhà máy không còn chỗ chứa trong kho, phải chất đầy các lối đi trong nhà máy. Nhiều nhà máy đang nợ tiền mía nông dân và lương công nhân. Chuỗi liên kết mía - đường có nguy cơ bị hủy hoại, lấy đi sinh kế của hàng trăm ngàn nông dân và công nhân.
Thị trường đường Việt Nam đang có nhiều diễn biến bất thường khi đường Thái Lan nhập lậu đang được lưu thông tự do và tiêu thụ công khai; đường vi phạm quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở sang chiết đóng gói và đường phèn sản xuất từ đường lậu cũng đang hiện diện trên thị trường. Tất cả các loại đường này đều có đặc điểm là thực phẩm không thể chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Đáng chú ý, các vi phạm không còn giới hạn ở các đối tượng nhỏ lẻ, thời vụ mà lan rộng đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân đầy đủ, được cấp giấy phép kinh doanh. Điều này cho thấy sự tinh vi và tổ chức bài bản hơn trong các hành vi vi phạm. Số vụ vi phạm ngày càng gia tăng, với nhiều trường hợp điển hình bị phát hiện và xử lý.

Theo ông, vì sao đường nhập lậu vẫn vào Việt Nam, có phải vì giá rẻ hơn hay lý do gì?
Ông Nguyễn Văn Lộc: Mặc dù giá đường Việt Nam có mức giá thấp nhất so với các nước trồng mía trong khu vực (Philippine, Indonesia, Trung Quốc) nhưng đường lậu vẫn rẻ hơn. Quy mô thị trường đường Việt Nam hiện nay khoảng 2,3 – 2,4 triệu tấn/năm, trong đó nguồn cung đường hợp pháp bao gồm đường sản xuất từ mía và đường nhập khẩu chính ngạch chỉ từ 1,3 – 1,5 triệu tấn, chiếm khoảng 60% tổng cung đường. Lượng đường còn lại khoảng 0,8 – 1 triệu tấn là đường không rõ nguồn gốc xuất xứ - chính là loại đường bất hợp pháp đang lưu hành trên thị trường.
Số liệu chính thức từ ngành đường Thái Lan cho thấy, sau khi dịch COVID-19 kết thúc vào cuối năm 2021 và các biện pháp kiểm tra biên giới được nới lỏng, đã xảy ra hiện tượng gia tăng đột biến lượng đường Thái Lan nhập khẩu vào Campuchia và Lào.

Bên cạnh đó, theo Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) trong ấn bản Sugar Year Book 2023 và 2024, từ Campuchia và Lào đã xuất hiện lượng lớn đường xuất khẩu không xác định rõ điểm đến.
Khi đối chiếu các dữ liệu nói trên, có thể thấy rõ bản chất của tình trạng đường nhập lậu trên thị trường Việt Nam hiện nay chính là đường phá giá có xuất xứ từ Thái Lan. Chính lượng đường giá rẻ, nhập lậu này đã tạo áp lực lớn lên thị trường nội địa, kìm hãm và ép giá, khiến giá đường tại Việt Nam hiện đang thấp nhất trong khu vực.
Đường nhập lậu hiện nay chủ yếu đi qua các tuyến biên giới nào? Có sự thay đổi gì về phương thức, thủ đoạn so với trước đây?
Ông Nguyễn Văn Lộc: Đường nhập lậu hiện nay có nguồn gốc Thái Lan sau đó vào Việt Nam qua biên giới giữa Việt Nam với Campuchia và Lào. Đường lậu từ Lào vào Việt Nam chủ yếu tập trung tại khu vực Lao Bảo, Quảng trị. Đường lậu từ Campuchia vào Việt Nam trải dài suốt tuyến biên giới từ Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Bình Phước.
Phương thức chính vẫn là lợi dụng sơ hở trong kiểm soát để đưa hàng qua khu vực biên giới vào nội địa cũng như tận dụng tiện ích của thương mại điện tử để thiết lập các kho đường bên kia biên giới, hệ thống lưu thông phân phối đường trực tiếp đến tận người sử dụng, không còn những kho đường lậu quy mô lớn trong nội địa như trước đây.
Phương thức thủ đoạn mới này đã nâng tầm hoạt động thương mại đường nhập lậu lên mức độ tinh vi, ít lộ liễu hơn so với trước đây và gây khó cho cơ quan quản lý.
Năng suất mía và lượng đường dự trữ của Việt Nam hiện nay so với khu vực như thế nào? Hiệp hội đánh giá ra sao về sức ép từ đường nhập lậu và đường phá giá?

Chủ tịch VSSA lo ngại chuỗi liên kết mía - đường có nguy cơ bị hủy hoại, lấy đi sinh kế của hàng trăm ngàn nông dân và công nhân.
Năng suất mía của Việt Nam hiện đang ở mức dẫn đầu trong khu vực, tuy nhiên không thể nào cạnh tranh được với bởi đường phá giá xuất xứ từ Thái Lan, và đường lậu tại thị trường Việt Nam chính là loại đường này. Việc đối phó với đường phá giá xuất xứ Thái Lan không hề dễ dàng trong bối cảnh thị trường đường thế giới bị biến dạng trầm trọng vì sự can thiệp và các biện pháp trợ cấp của các chính phủ.
Thái Lan đã thiết lập hệ thống trợ cấp, trợ giá đồ sộ và tinh vi để hỗ trợ ngành đường xuất khẩu đường ra thị trường thế giới từ nhiều năm cho phép thực hiện chế độ hai giá, với giá thị trường trong nước luôn luôn cao hơn giá xuất khẩu, để có thể xuất khẩu ở bất kỳ giá nào ra thị trường thế giới.
Năm 2016, Brazil đã nộp hồ sơ kiện Thái Lan ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các biện pháp trợ cấp ngành đường không phù hợp với các quy định về thương mại quốc tế của WTO. Cùng năm đó, Liên minh châu Âu (EU) và Guatemala cũng đã cùng tham gia vụ kiện.
Thái Lan đã tìm cách trì hoãn và vô hiệu hóa vụ kiện bằng cách tránh né việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Đến ngày 6/3/2024, tức sau 8 năm, WTO vẫn chưa thể đưa ra được phán quyết và Thái Lan đã tìm cách dàn xếp thỏa thuận với Bazil để không tiếp tục đưa vấn đề ra giải quyết tại WTO.

VSSA đã có những kiến nghị gì cụ thể với Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các địa phương để siết chặt kiểm soát nhập lậu đường?
Ông Nguyễn Văn Lộc: Thời gian qua, hiệp hội đã gửi kiến nghị đến Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp & Môi trường).
Trong đó, đề nghị chấn chỉnh kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh đường nhập lậu không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ (có nguồn gốc Thái Lan thể hiện trên bao bì). Chấm dứt việc kiểm tra chỉ đối chiếu hóa đơn, không kiểm tra chứng từ nhập khẩu và các thông tin truy xuất nguồn gốc theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh các loại đường sang chiết đóng gói vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa và xử lý theo quy định pháp luật. Kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh và toàn bộ các cơ sở sản xuất đường phèn về xuất xứ nguyên liệu. Nếu không có hồ sơ chứng minh là đường hợp pháp đề nghị xử lý theo luật hình sự về tội buôn lậu và trốn thuế.
Đồng thời, tạm dừng lưu thông tất cả các lô đường nhập lậu bị tịch thu và được bán đấu giá để đưa trở lại thị trường mà hóa đơn không có thông tin về nguồn gốc xuất xứ.
Hiệp hội đã kiến nghị các bộ ưu tiên chấn chỉnh hoạt động của thị trường đường để thị trường này hoạt động đúng bản chất, phù hợp quy định pháp luật, lành mạnh, an toàn, công khai, minh bạch, bền vững, chống thất thu thuế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo