Cạnh tranh

Cuộc chiến giành khách trực tuyến của các chuỗi bán lẻ thực phẩm Mỹ

Động thái lấn sân sang mảng thực phẩm của tập đoàn thương mại điện tử Amazon (Mỹ) đã kích hoạt cho một cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán lẻ thực phẩm trực tuyến ở Mỹ với sự tham gia của các chuỗi cửa hàng thực phẩm truyền thống lẫn các đối thủ mới toanh.

​“Ma trận” chuyển giá và lời giải / Ô tô lắp ráp tăng đột biến, VAMA vẫn kêu khó đáp ứng yêu cầu Nghị định 116

Ồ ạt đầu tư cho mảng bán thực phẩm trực tuyến

Kroger đang thử nghiệm sử dụng xe tự lái giao thực phẩm ở TP. Scottsdale, bang Arizona. Ảnh: Financial Times

Kroger đang thử nghiệm sử dụng xe tự lái giao thực phẩm ở TP. Scottsdale, bang Arizona. Ảnh: Financial Times


Kroger, một trong những chuỗi hàng thực phẩm lớn nhất nước Mỹ với hệ thống 2.800 cửa hàng ở 35 bang, đang đặt cược lớn vào mảng bán lẻ thực phẩm trực tuyến. Kể từ tháng 5-2018, chuỗi cửa hàng này đã công bố một loạt các sáng kiến để củng cố vị thế trên thị trường thương mại điện tử, chiến trường tiếp theo của ngành bán lẻ thực phẩm.

Hôm 16-8, Kroger chính thức thử nghiệm sử dụng các xe tự lái giao thực phẩm ở TP. Scottsdale, bang Arizona để phục vụ các khách hàng sinh sống trong bán kính 2km từ các cửa hàng của Kroger.

Hồi đầu tháng 8, Kroger cũng đã triển khai dịch vụ giao hàng ở bốn thành phố của Mỹ với mức phí 4,99 đô la đối với đơn hàng trực tuyến có trị giá từ 35 đô trở xuống và miễn phí nếu đơn hàng có trị giá hơn 35 đô.

Hồi tháng 5, Kroger đã thâu tóm công ty dịch vụ giao bữa ăn sơ chế lớn nhất Mỹ Home Chef, chuyên phục vụ khách hàng những món ăn sơ chế sẵn, chỉ cần bỏ vào nồi để nấu. Cũng trong tháng 5, Kroger chi 248 triệu đô la để mua 5% cổ phần của hãng bán lẻ thực phẩm trực tuyến Ocado (Anh) để hợp tác phát triển các kho hàng vận hành tự động.

Kroger có động thái tiến ra thị trường quốc tế đầu tiên thông qua một thỏa thuận hợp tác với tập đoàn thương mại điện tử Alibaba để bán những sản phẩm thuộc các nhãn hàng riêng của Kroger ở Trung Quốc. Thỏa thuận này được thông báo hôm 14-8.

 

“Những gì chúng tôi thực sự tập trung hướng tới là khi mọi người quyết định ăn thứ gì đó, họ luôn có thể đặt mua nó từ chúng tôi”, Rodney McMullen, giám đốc điều hành Kroger nói với các nhà phân tích trong cuộc họp báo thông báo kết quả kinh doanh quí 2 của công ty.

Kroger không phải là chuỗi cửa hàng thực phẩm duy nhất hăng hái rót tiền vào những công nghệ mới trong năm nay kể từ khi Amazon gây rúng động ngành bán lẻ thực phẩm với quyết định chi 13,7 tỉ đô la để thâu tóm chuỗi cửa hàng thực phẩm tươi Whole Foods ở Mỹ.

Walmart cũng đang triển khai dịch vụ giao hàng trong ngày cho các đơn hàng đặt mua trực tuyến trên khắp nước Mỹ và mở rộng dịch vụ đặt mua hàng trực tuyến và nhận hàng ở các siêu thị Walmart. Chuỗi cửa hàng bách hóa Target (Mỹ) đã chi 550 triệu đô la để thâu tóm công ty giao hàng trong ngày.

Các chuỗi cửa hàng thực phẩm, có quy mô địa phương hoặc vùng không đủ sức để mua hoặc xây dựng mạng lưới giao hàng của riêng họ, đang ký kết các thỏa thuận hợp tác với công ty khởi nghiệp giao hàng Instacart.

Mối đe dọa từ Amazon

 

Walmart đang mở rộng dịch vụ đặt hàng trực tuyến, nhận hàng tại siêu thị Walmart ra 1.800 siêu thị trên khắp nước Mỹ. Ảnh: Reuters

Walmart đang mở rộng dịch vụ đặt hàng trực tuyến, nhận hàng tại siêu thị Walmart ra 1.800 siêu thị trên khắp nước Mỹ. Ảnh: Reuters


Cuộc cạnh tranh ngày càng leo thang khi Amazon thông báo trong tháng này rằng những thành viên của gói dịch vụ cao cấp Prime ở hai thành phố nhỏ tại Mỹ có thể đặt mua thực phẩm từ hệ thống cửa hàng Whole Foods thông qua một ứng dụng đi động và có thể nhận hàng trong vòng 30 phút sau đó.

Trong khi mua sắm thực phẩm trực tuyến đã phổ biến hơn bao giờ hết ở châu Âu và châu Á, người Mỹ vẫn trung thành với các cửa hàng thực phẩm truyền thống. Doanh thu bán lẻ thực phẩm trực tuyến chỉ chiếm 2% trong tổng doanh thu thực phẩm trị giá 800 tỉ đô la ở mỗi năm, so với mức 5% ở Pháp, 7% ở Anh và gần 17% ở Hàn Quốc, theo công ty tư vấn Kantar Worldpanel.

Tuy nhiên, Kroger và các nhà bán lẻ thực phẩm khác ở Mỹ đang đặt cược lớn rằng thị trường Mỹ đã chín muồi cho sự thay đổi lớn trong thói quen mua thực phẩm, một phần được thục đẩy bởi Amazon. Động thái lấn sân sang mảng kinh doanh thực phẩm của Amazon, công ty thương mại điện tử số một nước Mỹ, đã khiến các chuỗi cửa hàng và siêu thị truyền thống phải chạy đua để tránh số phận bi đát của giống như các hiệu sách truyền thống sau khi Amazon ra đời.

 

Chuỗi cửa hàng thực phẩm tươi Whole Foods chỉ có quy mô trung bình nhưng sự kết hợp gần 500 cửa hàng Whole Foods với 18% thị phần thực phẩm trực tuyến mà Amazon đang nắm giữ ở Mỹ tạo ra một động lực cạnh tranh lớn đối với với các chuỗi bán lẻ thực phẩm hiện nay.
Khi Amazon thông báo mua chuỗi cửa hàng Whole Foods vào tháng 6-2017, giá trị vốn hóa của các chuỗi cửa hàng thực phẩm trên toàn cầu bị thổi bay 40 tỉ đô la do cổ phiếu của họ bị nhà đầu tư bán tháo.

Hai tháng sau đó, cổ phiếu của các chuỗi cửa hàng thực phẩm này giảm sâu một lần nữa khi Amazon chính thức hoàn tất thương vụ thâu tóm Whole Foods và tuyên bố giảm giá bán hàng trăm mặt hàng thực phẩm từ thịt bò cho đến chuối.

Trong năm qua, Amazon đã thực hiện chính sách giảm giá bán ở chuỗi cửa hàng Whole Foods và giao hàng miễn phí trong vòng hai tiếng cho các thành viên mua hàng trực tuyến của gói dịch vụ cao cấp Prime.

Randy Burt, đối tác của công ty tư vấn AT Kearney cho rằng dịch vụ đặt mua hàng trực tuyến và lấy hàng tại cửa hàng cũng như dịch vụ giao hàng trong ngày đang trở thành những kỳ vọng cơ bản nhất của người mua sắm.
Sự nở rộ của nhiều phương án mua hàng trực tuyến cho phép khách hành tốn ít thời gian hơn ở các cửa hàng và có thể chia hoạt động mua sắm của họ ra nhiều nhà bán lẻ, gây khó khăn cho bất kỳ công ty nào muốn thống lĩnh thị trường, theo các nhà phân tích.

Các đối thủ mới đốt nóng cuộc cạnh tranh

 

Các chuỗi cửa hàng thực phẩm truyền thống ở Mỹ đang đối mặt với các thách thức mới trong nỗ lực bán hàng trực tuyến từ chi phí đóng gói và giao hàng cho đến chi phí đầu tư để cải tạo các cửa hàng, bổ sung thêm chức năng giống như trung tâm phân phối. Đồng thời, họ đang chịu áp lực lớn khi các chuỗi siêu thị bán hàng giảm giá như Walmart, Aldi và Lidl đua nhau hạ giá thực phẩm.

Song cuộc cạnh tranh càng nóng thêm khi một đội quân công ty bán lẻ thực phẩm trực tuyến với tiềm lực tài chính dồi dào mới xuất hiện, đang tìm cách chen chân vào thị trường.

Họ đang tìm cách chộp cơ hội để tranh trành thị phần bán lẻ thực phẩm trực tuyến mà hãng nghiên cứu thị trường Nielsen dự báo sẽ chạm mốc 100 tỉ đô la, tương đương 20% của tổng giá trị thị trường bán lẻ thực phẩm của Mỹ vào năm 2022.

Hồi tháng 5, công ty giao hàng thực phẩm hữu cơ Good Eggs có trụ sở ở California đã huy động được 50 triệu đô để phục vụ cho kế hoạch mở rộng kinh doanh ở bang California. Hồi cuối tháng 7, Brandless, một công ty khởi nghiệp thương mại điện tử có trụ sở ở California, chuyên bán thực phẩm đóng gói, hàng giá dụng và các sản phẩm chăm sóc cá nhân đồng giá 3 đô la, cũng đã huy động được 240 triệu đô la từ Quỹ Tầm nhìn của tập đoàn đầu tư SoftBank (Nhật Bản). Nguồn tài chính mới sẽ được Brandless sử dụng cho kế hoạch mở rộng kho hàng và dịch vụ giao hàng.

Những đối thủ mới này cùng các công ty bán thực phẩm trực tuyến khác đang bắt chước sách lược của Amazon, đó là sử dụng dữ liệu để quản lý kho hàng và cải thiện tính minh bạch trong chuỗi cung ứng. “Amazon và Whole Foods là chất xúc tác để tạo ra sự thay đổi về thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng. Thay vì lo sợ họ, tôi cảm thấy rất hào hứng”, Bentley Hall, giám đốc điều hành Good Eggs, nói.

 

Giới phân tích cho rằng khi hoạt động mua sắm thực phẩm trực tuyến ngày càng tiện lợi nhờ dịch vụ giao hàng nhanh hoặc dịch vụ đặt mua trực tuyến và nhận hàng tại cửa hàng cũng như sự cạnh tranh giá cả ngày càng mạnh mẽ, người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn nhà bán lẻ thực phẩm.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo