Bộ Tài chính chỉ ra nguyên nhân khiến giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia bị chậm
Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân đầu tư công năm 2024 / Giao bổ sung gần 30.700 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn
Bộ Tài chính vừa có Công văn số 1660/BTC-ĐT về tăng cường công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành, quản lý vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia, chi phí quản lý dự án. Tại công văn, Bộ Tài chính đã nêu rõ các nguyên nhân khiến giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia bị chậm trong thời gian qua là do kế hoạch vốn giao muộn, thực hiện còn lúng túng.
Theo đó, hiện Việt Nam có 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là: Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Xóa đói giảm nghèo bền vững. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích thiết thực nhưng tình hình bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện các CTMTQG chưa bảo đảm tỷ lệ tối thiểu theo quy định các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Mẫu biểu phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) hàng năm chưa đúng quy định, ban hành kèm theo Nghị định số 99/2021/NĐ-CP về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn ĐTC của Chính phủ. Nhiều địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn thuộc các CTMTQG cho các dự án cụ thể.
Đáng chú ý, một số địa phương phân bổ vốn cho các dự án không đúng đối tượng quy định tại Luật ĐTC, quyết định của Thủ tướng Chính phủ như: phân bổ vốn đầu tư cho các dự án chỉ thực hiện sửa chữa; phân bổ vốn đầu tư ngân sách trung ương hỗ trợ vượt định mức. Do đó, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này trong năm 2023 chưa được như mong đợi.
Kế hoạch vốn năm 2022 giao muộn (tháng 6/2022) dẫn tới tình trạng các địa phương không kịp giải ngân trong năm 2022, phải chuyển nguồn sang năm 2023 để giải ngân với số vốn lớn (hơn 10.000 tỷ đồng). Kế hoạch năm 2023 cũng được giao rất lớn, với 25.425 tỷ đồng, nhưng cũng đến 30/6/2023 nguồn vốn này mới được giao cho các địa phương với số vốn trên 24.216 tỷ đồng. Nhiều địa phương chờ có vốn mới lập hồ sơ dự án nên chưa kịp hoàn tất thủ tục đầu tư để giải ngân.
Cùng với đó, cơ chế, chính sách hướng dẫn thực hiện các CTMTQG còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế, phải bổ sung, điều chỉnh, chưa đáp ứng được thời gian. Một số địa phương chưa tuân thủ các quy định về bố trí vốn ĐTC tại pháp luật về ĐTC cũng như mức hỗ trợ tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trước thực trạng này, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc phân bổ kế hoạch vốn ĐTC hàng năm theo đúng thời gian quy định. Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát việc bố trí vốn ĐTC; vốn đối ứng ngân sách địa phương cho các dự án thực hiện các CTMTQG phải bảo đảm theo đúng quy định tại pháp luật.
Đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương nghiệm thu và hoàn thiện các thủ tục giải ngân, tránh dồn vào những tháng cuối năm. Tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện để tìm ra nguyên nhân giải ngân chậm ở từng dự án, từ đó xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên tổ chức giao ban với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án về tình hình thực hiện và thanh toán vốn ĐTC của các dự án, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch vốn theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền sớm có văn bản báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính đề nghị khẩn trương tổ chức triển khai các dự án thuộc các CTMTQG đã được giao theo đúng quy định của pháp luật; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Chủ động phối hợp với các nhà thầu, các đơn vị tư vấn để giải quyết những vướng mắc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo