Công bố bộ tiêu chí thẩm định và giám sát dự án FDI
Nhiều "đại bàng" công nghệ cam kết đầu tư vào Việt Nam / Tetra Pak mở rộng nhà máy sản xuất hộp giấy tại Bình Dương
Năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó, đặt ra yêu cầu “chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu”.
Theo đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các điều khoản quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn dự án FDI nhằm tạo hành lang pháp lý để các địa phương chủ động xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi quyết định cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tính đến hết tháng 4/2024, Việt Nam đã thu hút được 478 tỷ USD vốn FDI thông qua 40.110 dự án đầu tư đến từ 145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong những năm gần đây, Việt Nam chuyển sang thu hút FDI thế hệ mới có chất lượng và hiệu quả cao hơn. Khu vực FDI đã phát triển nhanh và đạt được những thành công nhất định, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, theo TS Phan Hữu Thắng – Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC), hiện nay các tiêu chí qui định về lựa chọn dự án FDI còn phân tán ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Vì vậy, khi áp dụng vào thực tế, các cấp lãnh đạo tại địa phương rất khó tìm kiếm đầy đủ các điều khoản cụ thể cùng lúc tại nhiều các văn bản pháp qui khác nhau, có thể bỏ sót một số các quy định hiện hành, dẫn đến sai sót trong đánh giá chấp thuận dự án đầu tư.
Do đó, sẽ có những sai sót không đáng có khi chấp thuận cấp phép cho các dự án không có đủ các điều kiện đầu tư, tạo ra các tác động xấu đến hiệu quả của dự án về kinh tế - xã hội - môi trường về lâu dài.
Để nâng cao chất lượng thu hút và hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài tại địa phương, ISC phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Hà Nội đã công bố 2 bộ tiêu chí về thẩm định dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh và về giám sát, đánh giá hiệu quả FDI trên địa bàn tỉnh.
Ông Ngô Công Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên ISC, cho biết, hai bộ tiêu chí sẽ giúp thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng cấp tỉnh dễ dàng hơn trong việc rà soát, xử lý, lựa chọn dự án đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định và trả lời nhà đầu tư nước ngoài khi xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo ông Thành, bộ tiêu chí được thiết kế dưới dạng cẩm nang tra cứu để người sử dụng dễ dàng tìm được các quy định của pháp luật liên quan đến dự án đầu tư. Do đó, sẽ rút ngắn được thời gian xem xét ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án, bảo đảm thời hạn 35 ngày theo quy định.
Trong 2 bộ tiêu chí, bộ tiêu chí thẩm định có 10 tiêu chí. Trong đó, 8 tiêu chí mang tính chất sàng lọc dự án, chỉ ra các quy định pháp luật liên quan đến thẩm định dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Hai tiêu chí còn lại chỉ ra các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án FDI chất lượng cao, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, có sức lan tỏa lớn và ưu đãi đầu tư theo ngành nghề, địa bàn khuyến khích đầu tư.
Trong khi đó, bộ tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả FDI, bao gồm 36 tiêu chí, phân thành nhiều nhóm tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn, tiêu chí về thu hút vốn FDI, tiêu chí về sử dụng FDI, tiêu chí về hiệu quả kinh tế của khu vực FDI, hay tiêu chí về hiệu quả xã hội…
Theo ông Thành, bộ tiêu chí này sẽ giúp việc ra quyết định của địa phương dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn, từ đó thúc đẩy môi trường đầu tư - kinh doanh, gia tăng dòng vốn FDI.
End of content
Không có tin nào tiếp theo