Đầu tư

Đầu tư của Hàn Quốc thúc đẩy đổi mới công nghệ tại Việt Nam

DNVN - Theo giới chuyên gia, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam có nhiều đóng góp đối với kinh tế - xã hội Việt Nam, trong đó đáng chú ý là việc thúc đẩy đổi mới công nghệ tại Việt Nam. Nhiều "ông lớn" Hàn Quốc đã triển khai ở Việt Nam những dự án khổng lồ, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ cao của thế giới.

Nhiều quỹ đầu tư Hàn Quốc quan tâm thị trường chứng khoán Việt Nam / Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Quan hệ Việt - Nhật là điển hình thành công nhất trong hợp tác song phương của Việt Nam

Gần 10.000 dự án đầu tư vào Việt Nam

Sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đến nay Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực. Hàn Quốc hiện đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp nước của nước ngoài ( FDI) vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, chiếm 30% đầu tư và 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN.

Theo giới chuyên gia, quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ là tiền đề cho phát triển FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam.

Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, tính đến ngày 20/2, Hàn Quốc có 9.908 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đăng ký hơn 86,1 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng FDI tại Việt Nam.

Bà Đinh Thị Tâm Hiền - nguyên Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đánh giá, đầu tư của Hàn Quốc đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trên nhiều phương diện.

Đầu tư của Hàn Quốc tập trung ở các lĩnh vực mà Việt Nam đang định hướng thu hút đầu tư để chuyển dịch cơ cấu. Trong đó đầu từ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 73% tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 12,6%.


Tại Việt Nam đã xuất hiện hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất của Hàn Quốc.

Đầu tư của Hàn Quốc đã có đóng góp quan trọng đối với xuất khẩu, ngân sách Nhà nước (NSNN), tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nước ta.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc cũng góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua hệ thống đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp, hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo ngoài doanh nghiệp.

Đáng chú ý, đầu tư của Hàn Quốc đã thúc đẩy đổi mới công nghệ tại Việt Nam. Trong những năm qua, tại Việt Nam đã có mặt hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất của Hàn Quốc như Samsung, LG Electronics, Hyundai, CJ, Lotte, SK, SHINHAN, Namyang, Hanwha...

"Những doanh nghiệp này đã triển khai ở Việt Nam ”những dự án khổng lồ”, đầu tư trong các lĩnh vực có thế mạnh của Hàn Quốc như công nghệ cao, điện tử. Đồng thời đầu tư phát triển hơn nữa vào các lĩnh vực chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Những dự án này đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ cao của thế giới và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam", bà Hiền nhấn mạnh.

Ví dụ điển hình là Tập đoàn Samsung đã đầu tư 18 tỷ USD vào Việt Nam và có kế hoạch nâng lên thành 20 tỷ USD trong thời gian tới. Điều này cho thấy tầm nhìn chiến lược của Samsung coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất chiến lược, nghiên cứu - phát triển và sản xuất các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế.

Ở góc độ doanh nghiệp, chia sẻ về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, ông Ko Tae Yeon - Tổng giám đốc Heesung Electronics Việt Nam cho biết, ban lãnh đạo phải mất hơn một năm để chọn quốc gia làm điểm đến đầu tư.

"Vào thời điểm đó, chúng tôi đã phân tích những ưu và nhược điểm giữa Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Myanmar. So sánh dân số, chính sách của Chính phủ, môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng, chúng tôi thấy rõ rằng Việt Nam chính là nơi lý tưởng. Và tôi biết rằng nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác hiện cũng có bước đi tương tự", Tổng giám đốc Heesung Electronics Việt Nam nói.

Ông Ko Tae Yeon cho biết thêm, thời gian tới nhiều doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo đó, công ty của ông sẽ có nhiều cơ hội ở đây và Heesung Electronics Việt Nam vẫn đang cố gắng mở rộng, nắm bắt cơ hội này. Trong ngắn hạn, Heesung Electronics Việt Nam có thể cam kết rằng sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất ở Hải Phòng.

Khuyến nghị cho Việt Nam

Theo Tổng giám đốc Heesung Electronics Việt Nam, dù Việt Nam có chiến lược rất rõ ràng về đối tượng và mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng những chính sách ưu đãi vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Chính phủ nên xem xét vấn đề này rất nghiêm túc, đặc biệt trước vấn đề tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Việc đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao rất cần được trú trọng. Chính phủ Hàn Quốc đưa ra chương trình ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đào tạo lao động.

Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động đào tạo, đặc biệt là đối với sinh viên trẻ, nhưng cơ chế này vẫn chưa đủ mạnh. Chính phủ nên quan tâm hơn đến việc đưa ra các kế hoạch hành động cụ thể.

Về đào tạo nguồn nhân lực, ông Ko Tae Yeon khuyến nghị, Chính phủ phải quan tâm hỗ trợ các kỹ sư trẻ, đặc biệt là nên hỗ trợ các trường đại học đang nỗ lực tuyển dụng và đào tạo kỹ sư, chẳng hạn như cấp học bổng bốn năm cho kỹ sư. Đào tạo và giáo dục cần có tầm nhìn dài hạn.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa chia sẻ đầy đủ về công nghệ là không đúng. Nếu các kỹ sư Việt Nam hiểu đầy đủ, họ có thể dễ dàng tiếp nhận và nắm bắt chuyển giao công nghệ hơn. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ này nhưng không nhiều kỹ sư có năng lực có thể đảm nhận.

Ngoài ra, giáo dục là yếu tố quan trọng, Chính phủ cần tiếp tục cải cách chính sách và hoàn thiện cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các nhà tài trợ nước ngoài đưa vốn vào trong nước.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm