Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt trên 27% kế hoạch
Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công / Còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công (ĐTC) từ đầu năm đến ngày 31/5 là 143.611,4 tỷ đồng, đạt 20,1% kế hoạch (714.789,8 tỷ đồng), đạt 21,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) là 4.380,4 tỷ đồng, đạt 71,7% kế hoạch triển khai; Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là 6.893,9 tỷ đồng, đạt 25,3% kế hoạch.
Ước thanh toán đến hết tháng 6 được 196.669,4 tỷ đồng, đạt 27,5% kế hoạch, đạt 29,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH là 4.781,7 tỷ đồng, đạt 78,2% kế hoạch triển khai; CTMTQG là 9.644,6 tỷ đồng, đạt 35,4% kế hoạch.
Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, nhiều bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC. Hiện có 12 bộ, ngành và 37 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Một số bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Đài Truyền hình Việt Nam, Liên Hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; các địa phương như Thanh Hóa, Tiền Giang, Phú Thọ, Long An, Đồng Tháp, Hà Tĩnh.
Đáng chú ý, vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH có tỷ lệ giải ngân đạt cao với 78,23%. Đặc biệt vốn bộ, ngành quản lý có tỷ lệ giải ngân trong 6 tháng đạt 99,58% (riêng Bộ Giao thông vận tải đạt tỷ lệ giải ngân là 100%).
Tuy nhiên, có 32 bộ, ngành và 26 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Một số bộ, ngành giải ngân rất thấp hoặc có tỷ lệ giải ngân 0% như: Văn phòng Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Riêng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tỷ lệ giải ngân 0% do chưa phân bổ kế hoạch vốn. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15% như Hải Dương, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên.
Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC để khắc phục những hạn chế này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo