Giám sát hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành hoạt động đầu tư công
Nghệ An: Yêu cầu kiểm điểm, xử lý tổ chức cá nhân liên quan 35 dự án đầu tư công chậm giải ngân / Nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục tạo nền tảng để cả nước thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Khu vực tư nhân sẽ là động lực chính đóng góp cho tăng trưởng của Việt Nam và đầu tư công được coi là chất xúc tác cho sự tăng trưởng của khu vực này, đóng vai trò "vốn mồi" để huy động nguồn lực của toàn xã hội.
Nhìn nhận đầu tư công tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế trong năm nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, lượng vốn cần giải ngân trong năm 2022 là khá lớn, ngoài số vốn kế hoạch năm đã được Quốc hội quyết nghị còn một lượng vốn bổ sung từ nguồn vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), rút kinh nghiệm từ năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công tác chỉ đạo điều hành hoạt động đầu tư công năm 2022 đã được Bộ KHĐT triển khai rất quyết liệt và có sự giám sát, đánh giá hiệu quả, đồng thời có biện pháp khen thưởng hoặc xử lý đối với tiến độ thực hiện của từng bộ, ngành, địa phương.
Tính đến hết quý I/2022, đã có 51/51 bộ, cơ quan trung ương đã phân bổ chi tiết kế hoạch với tổng số vốn gần 100.000 tỷ đồng, đạt 90,4% kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó 38 bộ, cơ quan trung ương đã phân bổ 100% kế hoạch vốn Ngân sách Trung ương được giao.
Đã có 63/63 địa phương đã phân bổ chi tiết kế hoạch với tổng số vốn là trên 366.000 tỷ đồng, trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương phân bổ bằng 87,1% và vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho địa phương phân bổ bằng 97,8% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó 42 địa phương đã phân bổ 100% kế hoạch vốn Ngân sách Nhà nước.
Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, về cơ bản, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã chủ động, tích cực triển khai giao kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước năm 2022 kịp thời, đáp ứng yêu cầu dự án có thể giải ngân kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước năm 2022 ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, vẫn còn 17/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương.
Bộ KHĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 (tính đến 31/3/2022) và kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm phân bổ vốn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về việc giải ngân chậm các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Bộ KHĐT và Bộ Tài chính sẽ làm việc trực tiếp với từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xác định rõ lý do, kiến nghị giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2022.
End of content
Không có tin nào tiếp theo