Hai Bộ KH-ĐT và GTVT: “Có cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Bến cảng Liên Chiểu”
Đại học Đà Nẵng: Năm 2021 giữ phương thức xét tuyển hệ chính quy như năm 2020 / Đà Nẵng: Triển khai ứng dụng VssID thay thế thẻ Bảo hiểm Y tế giấy
Bộ KH-ĐT: Ngân sách trung ương sẽ có trách nhiệm cân đối, bố trí vốn cho Dự án
Ngày 10/02, tin từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) Đà Nẵng cho hay, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật vừa có Báo cáo số 1052 (ngày 3/2/2021) gửi Thủ tướng Chính phủ bổ sung kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung.
Quy hoạch xây dựng Khu bến cảng Liên Chiểu.
Trước đó, như Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin, ngày 21/12/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản 10688/VPCP-CN truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng “giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính có ý kiến khẳng định về khả năng bố trí vốn đối với nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 theo quy định của Luật đầu tư công; trên cơ sở đó, có kết luận đủ điều kiện bố trí vốn hay không để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Bến cảng Liên Chiểu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/12/2020, đồng thời gửi Bộ GTVT để tổng hợp”.
Tại Báo cáo số 1052 (ngày 3/2/2021) gửi Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, thực hiện chỉ đạo nêu trên của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tại văn bản số 8832/BKHĐT-KTĐPLT (ngày 30/12/2020) gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho hay, Bộ KH-ĐT đã có ý kiến thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư 3.426,3 tỉ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững là 2.000 tỉ đồng, vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương và được phân bổ theo ngành, lĩnh vực (số vốn tính điểm) là 994,59 tỉ đồng; vốn ngân sách địa phương bố trí giai đoạn 2021 – 2025 là 431,71 tỉ đồng.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết, tại Báo cáo 534/BC-CP ngày 17/10/2020, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội bố trí một phần kề hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách trung ương năm 2021 cho các dự án trọng điểm, kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; phần còn lại sẽ tiếp tục được cân đối trong các năm sau của giai đoạn 2021 – 2025.
Đồng thời, tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao 927 tỉ đồng cho TP Đà Nẵng để phân bổ vốn cho các dự án trọng điểm, kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu.
“Do Dự án đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 nên ngân sách trung ương sẽ có trách nhiệm cân đối, bố trí vốn cho Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Như vậy, có cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Bến cảng Liên Chiểu” – Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông khẳng định tại văn bản 8832/BKHĐT-KTĐPLT.
Bộ GTVT: Dự án phù hợp về đối tượng đầu tư công
Trên cơ sở đó, tại Báo cáo 1052 (ngày 3/2/2021) gửi Thủ tướng Chính phủ bổ sung kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định “đề xuất của TP Đà Nẵng về hình thức đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước cho phần cơ sở hạ tầng dùng chung là phù hợp về đối tượng đầu tư công quy định tại Điều 5, Luật Đầu tư công”.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, Bến cảng Liên Chiểu hình thành có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển mạng lưới hạ tầng cảng biển của nước ta nhằm tận dụng lợi thế địa lý phục vụ phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế và đảm bảo quốc phòng – an ninh. Phần cơ sở hạ tầng dùng chung không trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của dự án, do vậy không đánh giá hiệu quả tài chính đối với phần này.
“Tuy nhiên, việc đầu tư hạng mục công trình thuộc kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng là cơ sở quan trọng tạo tiền đề, có tác dụng lớn trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư các bến cảng thuộc Khu bến Liên Chiểu, làm cơ sở phục vụ nhu cầu phát triển hàng hóa xuất nhập khẩu, phát triển dịch vụ logistics, tạo công ăn việc làm cho nhân dân, là động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng và liên vùng!” – Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định.
Ông cũng cho biết, theo số liệu báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa thông qua khu bến Tiên Sa trong năm 2019 đạt khoảng 8,2 triệu tấn, trong đó tăng trưởng trung bình hàng năm giai đoạn 2016 – 2019 đạt khoảng 13%. Như vậy ước tính đến hết năm 2021, lượng hàng qua khu bến Tên Sa sẽ đạt hoảng 10,5 triệu tấn, vượt công suất tối đa nêu trên.
Như vậy, để đáp ứng nhu cầu giảm tải cho Khu bến cảng Tiên Sa vào năm 2021, cùng với sản lượng hàng hóa dự báo theo quy hoạch tại Khu bến Liên Chiểu khoảng 7,5 – 10 triệu tấn đến năm 2030, việc đầu tư xây dựng phần cơ sở hạ tầng dùng chung để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các bến cảng tại Khu bến cảng Liên Chiểu là thực sự cần thiết nằm chia sẻ lượng hàng hóa thông qua Khu bến Tiên Sa, giải quyết vấn đề ùn tắc, tăng cường an toàn giao thông cho nội thành TP, góp phần nâng ca năng lực thông qua hàng hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng nói riêng và của cả khu vực miền Trung.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, đề nghị của UBND TP Đà Nẵng về phần cơ sở hạ tầng dùng chung có mục tiêu, quy mô, địa điểm phục vụ cho việc triển khai đầu tư 02 bến cảng khởi động tại khu bến Liên Chiểu có quy mô tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 – 8.000 TEU là phù hợp với định hướng quy hoạch cảng biển được phê duyệt.
Với năng lực thông qua hàng hóa khoảng 5 triệu tấn/năm, công suất 02 bến khởi động cơ bản phù hợp với nhu cầu về giảm áp lực hàng hóa thông qua tại khu bến Tiên Sa (khoảng 2 triệu tấn sau năm 2020) và lượng hàng hóa dự báo theo quy hoạch tại khu bến Liên Chiểu (khoảng từ 7,5 – 10 triệu tấn đến năm 2030).
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng khuyến nghị, việc đầu tư các bến tiếp theo của Khu bến cảng Liên Chiểu cần nghiên cứu thực hiện đảm bảo nguyên tắc không dư thừa công suất các bến cảng khu vực; đồng thời tiếp tục duy trì khai thác hàng hóa Khu bến cảng Tiên Sa đáp ứng nhu cầu thông qua lượng hành theo quy hoạch để hỗ trợ doanh nghiệp cảng kinh doanh hiệu quả và trả các khoản vay theo quy định của pháp luật.
End of content
Không có tin nào tiếp theo