Đầu tư

Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc - Campuchia tạo áp lực khiến doanh nghiệp Việt điều chỉnh chiến lược đầu tư?

DNVN - Theo ông Vũ Khánh Thịnh, Bộ Ngoại giao Việt Nam: Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc - Campuchia có hiệu lực từ đầu năm 2022 có tác động tới Việt Nam, xét cả về ngắn hạn và dài hạn, tạo áp lực cho các doanh nghiệp Việt cần phải điều chỉnh chiến lược đầu tư của mình.

Việt Nam cần làm gì để tiếp tục dẫn đầu trong cuộc đua giành FDI? / 11 tháng năm 2021, thu hút FDI đạt 26,46 tỷ USD

Campuchia, điểm đến mới của nhà đầu tư Hàn Quốc?

Ông Thịnh cho rằng, Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc - Campuchia có hiệu lực từ đầu năm 2022 chưa tạo hiệu ứng rõ ràng, song có thể nhìn thấy xu hướng và triển vọng sắp tới. Sự lặng lẽ đàm phán Hiệp định này của Hàn Quốc cho thấy có sự chuyển hướng chiến lược trong trật tự hay tránh gây xáo động lớn đối với dòng đầu tư và các quan hệ thương mại và đầu tư ổn định với các đối tác thương mại và đầu tư khác.

Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc - Campuchia có hiệu lực từ đầu năm 2022 có tác động tới Việt Nam.

Bên cạnh sự kiện này còn có thêm các sự kiện khác như Samsung thành lập Trung tâm nghiên cứu và Phát triển tại Việt Nam, có kế hoạch đầu tư tăng lên vào Ấn Độ và Indonesia, đệ đơn xin gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP). Những động thái này gây khó khăn trong nhận dạng dòng đầu tư của Hàn Quốc với sự dẫn đầu của Samsung cũng như các tập đoàn công nghiệp khác.

Với nguồn lao động dồi dào và giá thấp hơn lao động Việt Nam, Campuchia sẽ trở thành địa điểm hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc.

Do nhu cầu vốn đầu tư khá lớn, khả năng nhân nhượng lợi ích của Campuchia với Hàn Quốc sẽ rất cao hay biện pháp khuyến khích sẽ quyết liệt hơn vì là nước đi sau. Campuchia sẽ tạo sức hấp dẫn rất lớn với đầu tư từ Hàn Quốc so với các nước ASEAN khác.

Ông Thịnh đưa ra dự báo: "Thời điểm dịch chuyển đầu tư của Hàn Quốc sang Campuchia sẽ từng bước diễn ra, sớm nhất trong vòng 3 - 5 năm tới, ít nhất có dấu hiệu rõ nét trước năm 2025.

 

Để tránh gây biến động môi trường đầu tư, thị trường lao động, chính sách bồi thường cho lao động Việt Nam, nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ có thể giảm từng bước quy mô đầu tư tại Việt Nam, cùng với việc tăng đầu tư vào Campuchia; hoặc tăng đầu tư vào Việt Nam ít hơn đầu tư vào Campuchia sau khi định vị đầu tư phù hợp vào Campuchia.

Khi tạo được kênh di chuyển vốn hiệu quả, địa điểm đầu tư được chuẩn bị cẩn thận, Hàn Quốc có thể tiến hành di chuyển vốn nhanh chóng. Phương thức di chuyển vốn của Hàn Quốc sẽ cố gắng giảm thiểu biến động trên thị trường lao động Việt Nam nhằm duy trì và gia tăng uy tín của nhà đầu tư Hàn Quốc. Hơn nữa, Campuchia có nhiều triển vọng để phát triển.

Doanh nghiệp Việt cần điều chỉnh chiến lược đầu tư theo hướng mới

Ông Thịnh nhận định, Việt Nam có thể coi việc di chuyển của nhà đầu Hàn Quốc sang Campuchia như là tín hiệu đánh dấu bước chuyển chiến lược từ dựa chủ yếu vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài sang giai đoạn tự phát huy năng lực nội tại, tự đầu tư lựa chọn sản phẩm, nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm, cung ứng ra thị trường.

“Đây là áp lực buộc doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh chiến lược đầu tư theo hướng sử dụng triệt để lao động tại chỗ, coi trọng sản phẩm thương hiệu Việt Nam, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả đầu tư và cải thiện năng lực cạnh tranh khu vực và toàn cầu”, ông Thịnh khuyến nghị.

 

Doanh nghiệp Việt cần triệt để lao động tại chỗ, coi trọng sản phẩm thương hiệu Việt.

Cùng với đó, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng minh bạch, rõ ràng, giảm thiểu chi phí giao dịch, chi phí cơ sở hạ tầng, chi phí logistics, chi phí năng lượng… tăng sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh để giữ nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn.

Đồng thời, có chính sách xã hội, nhất là các địa phương có số lượng lao động làm việc trong dự án lớn như Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng… để hỗ trợ người lao động làm việc sau khi dự án kết thúc gồm chính sách việc làm, trợ cấp thất nghiệp, an sinh xã hội, chống các loại bệnh tật do nhiễm sóng điện từ gây ra.

Kèm theo là chính sách yêu cầu nhà đầu tư trả lương hay bồi hoàn thoả đáng cho người lao động phần thời gian lao đông còn lại cho người lao động làm việc trong dự án với một khoảng thời gian nhất định nhằm tăng trách nhiệm của họ đối với lao động trong điều kiện người lao động ngày càng được coi trọng.

Có chính sách sẵn sàng đào tạo lại và sử dụng lực lượng cao động đã bị thất nghiệp do rút lui đầu tư. Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sử dụng lao động làm việc trong các dự án đầu tư hết hạn. Phát triển phân khúc thị trường lao động sau khi kết thúc vòng đời dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

“Việt Nam cần đa dạng hoá nguồn đầu tư thu hút không chỉ Hàn Quốc mà còn có nhiều đối tác khác ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ… để bù lại trường hợp Hàn Quốc dịch chuyển đầu tư quốc tế. Vốn đầu tư trên thế giới còn rất dồi dào và có nhiều tập đoàn toàn cầu chưa đầu tư lớn vào Việt Nam cho nên cần có phương pháp tiếp cận hiệu quả”, ông Thịnh nhấn mạnh.

 

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm