Đầu tư

Phát triển khu công nghiệp bền vững: Yêu cầu cấp bách cho tăng trưởng xanh

DNVN - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông, trước xu hướng phát triển bền vững và xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, việc định hướng đầu tư phát triển khu công nghiệp đạt hiệu quả cao và hướng tới phát triển bền vững là một trong những yêu cầu mang tính cấp bách hiện nay.

Đầu tư hạ tầng du lịch theo phương thức đối tác công tư gặp nhiều vướng mắc / Doanh nghiệp công nghệ Việt đầu tiên mở văn phòng tại Saudi Arabia

Theo giới chuyên gia, việc chuyển đổi các khu công nghiệp (KCN) thông thường sang KCN xanh, KCN sinh thái là hướng phát triển tất yếu. Các KCN tại Việt Nam đang đứng trước xu hướng chuyển đổi toàn diện để giữ chân khách hàng và thu hút các dự án đầu tư mới, nhất là những dự án công nghệ cao, quy mô lớn.

Tại diễn đàn "Giải pháp xanh toàn diện KCN và xúc tiến đầu tư" ngày 9/12 tại Vĩnh Phúc, TS Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam (VIPFA) chia sẻ, trước đòi hỏi cấp bách của việc cần thực hiện đầu tư phát triển xanh trong giai đoạn tới, nhất là đối với các KCN hiện có và cấp mới, Chính phủ cũng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ KH&ĐT về mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 40-50% địa phương chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái, 8-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới để từng bước lập kế hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư.


TS Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam (VIPFA).

"Để làm được điều này, tiềm lực tài chính và năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam rất quan trọng. Cùng đó là công tác xúc tiến đầu tư phải thực chất, hiệu quả hơn. Đứng trước các yêu cầu quan trọng đó, cũng như tiềm năng các mặt của Vĩnh Phúc sẵn có, cùng quyết tâm đổi mới của Đảng bộ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc - VIPFA đã quyết định chọn địa bàn Vĩnh Phúc để thực hiện sứ mệnh hỗ trợ các thành viên hội viên đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh mới", ông Thắng nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho biết, sau gần 30 năm xây dựng, phát triển, đến nay Vĩnh Phúc đã thành lập 19 KCN. Theo phương án phát triển hệ thống KCN trong Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 Vĩnh Phúc có 28 KCN với diện tích khoảng 4.800 ha và đến năm 2050 có 29 KCN với diện tích trên 5.500 ha. Trong đó ưu tiên phát triển các KCN mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.


Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông.

Tính đến hết tháng 11/2024 Vĩnh Phúc, đã thu hút được 1.326 dự án, trong đó, 481 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,4 tỷ USD; 845 dự án DDI với tổng vốn đầu tư với trên 145 nghìn tỷ đồng. Trong đó riêng các KCN Vĩnh Phúc, số dự án và số vốn đầu tư vào KCN chiếm tỷ lệ 75-80% trong toàn tỉnh tạo ra trên 120.000 việc làm cho người lao động.

"Chúng tôi nhận thức rằng, doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển; thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh; nhà đầu tư vào tỉnh là công dân của tỉnh nên các cấp ủy đảng, chính quyền sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh tại tỉnh. Tỉnh Vĩnh Phúc cam kết sẵn sàng về mặt bằng sạch, sẵn sàng về điện, nước, viễn thông, sẵn sàng về nguồn nhân lực và sẵn sàng cung cấp thủ tục hành chính nhanh gọn và thuận lợi nhất cho nhà đầu tư", Chủ tịch Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đông, trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm trên thế giới và xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, việc định hướng đầu tư phát triển KCN đạt hiệu quả cao và hướng tới phát triển bền vững là một trong những yêu cầu mang tính cấp bách hiện nay.

Chính vì vậy, các ý kiến tại diễn đàn hôm nay là cơ sở để Vĩnh Phúc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển KCN bền vững, KCN xanh, KCN sinh thái gắn với tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm