Khẩn trương rà soát, gỡ vướng trong giải ngân đầu tư công
“Ì ạch” giải ngân vốn đầu tư công: Gấp rút tháo gỡ các "điểm nghẽn" / Ngành nông nghiệp tập trung giải ngân dự án chuyển tiếp còn vướng mắc
Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, giải ngân vốn đầu tư công trong 10 tháng năm 2024 đạt trên 52%, thấp hơn khoảng hơn 4 điểm % so với con số của cùng kỳ năm ngoái (56,7%).
Những khó khăn, thách thức giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 cơ bản tiếp nối từ năm 2023 sang. Khó khăn lớn nhất nổi lên trong năm 2024 là về vật liệu thông thường để phục vụ cho thi công các công trình lớn, đặc biệt là các công trình giao thông. Vấn đề này không chỉ liên quan đến Luật Đầu tư công mà còn liên quan đến luật về khoáng sản, cấp phép mỏ vật liệu cũng như việc cho phép bán các vật liệu thông thường phục vụ cho các công trình.
Để đạt được mục tiêu 95% từ nay đến hết kế hoạch năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu nhiều giải pháp cho Thủ tướng, Chính phủ ban hành các quyết định, nghị quyết để chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đó là tiếp tục thực hiện các giải pháp đã kiến nghị và đã được Chính phủ, Thủ tướng ban hành, trong đó nhấn mạnh giải pháp về đôn đốc chỉ đạo.
Trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, các thủ tục giải ngân như thủ tục kiểm đếm, nghiệm thu khối lượng, thủ tục về hồ sơ thanh quyết toán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các chủ đầu tư phải làm sớm, nhanh để có thể giải ngân được lượng vốn trong kế hoạch đang còn tồn đọng rất nhiều.
Bộ cũng giải quyết khó khăn liên quan đến vật liệu thông thường, thủ tục (đặc biệt là thủ tục về điều chỉnh dự án). Đến nay, dự án nào đang trong quá trình thủ tục điều chỉnh thì phải kết thúc ngay để tiếp tục thực hiện nếu không sẽ bị chậm trễ tiến độ. Dự án nào chậm giải ngân thì có thể điều chỉnh sang các dự án giải ngân tốt để sử dụng hết tổng vốn trong kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Cùng đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tăng cường kỷ luật, kỷ cương về đầu tư công, nhất là đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để quản lý công tác đầu tư công nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Cũng theo ông Phương, Luật Đầu tư công đang được sửa đổi và đang trình Quốc hội, kèm theo đó là các luật khác như luật sửa đổi 4 luật liên quan đến đầu tư. Các đột phá về thể chế này ngay trong năm nay chưa có tác dụng và cần phải có hiệu lực của luật.
“Hy vọng sang năm 2025 luật có hiệu lực hơn, qua đó sẽ giải quyết một số vấn đề vướng mắc, tồn đọng trong quá khứ. Chúng tôi cũng đã báo cáo với Chính phủ trình cấp có thẩm quyền cho phép đối với những dự án còn vướng mắc về mặt pháp lý.
Đối với các dự án xây dựng – chuyển giao (BT), chúng tôi sẽ tổng hợp, nghiên cứu, rà soát để phân nhóm các loại dự án và trình Quốc hội bằng một nghị quyết để tháo gỡ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương rà soát và báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng để tháo gỡ những vướng mắc trong giải ngân đầu tư công”, ông Phương nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo