Đầu tư

Thu hút đầu tư FDI: Cần lựa chọn dòng vốn chất lượng cao

DNVN - GS,TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam đã thay đổi. Không cần phải bất chấp thu hút vốn như trước mà lựa chọn dòng vốn chất lượng cao.

9 tháng, thu hút vốn FDI tăng 7,7% / Singapore dẫn đầu “rót” vốn FDI vào Việt Nam

Theo GS,TSKH Nguyễn Mại, năm 2023, thế giới có nhiều biến động. Các yếu tố xung đột kinh tế, lạm phát, sức mua toàn cầu giảm mạnh, hoặc các cường quốc tham gia vào cuộc đua lãi suất, đã khiến dòng vốn đầu tư có phần chững lại. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn “chảy” đều vào thị trường Việt Nam.

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 10 tháng của năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Mại, con số thống kê cơ học trên không phải vấn đề trọng tâm. Bởi lẽ, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã có sự thay đổi.

GS,TSKH Nguyễn Mại cho rằng, Việt Nam lựa chọn dòng vốn FDI chất lượng cao.

“Tôi cho rằng, Việt Nam luôn là một trong những điểm đến đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ về vấn đề đầu tư thương mại, mà còn là nơi đáng sống. Vì vậy, con số 18 tỷ USD, 19 tỷ USD, hay cao hơn nữa, Việt Nam vẫn có thể đạt được. Tuy nhiên, chính sách thu hút vốn đầu tư của Việt Nam đã có sự thay đổi”, ông Mại nhấn mạnh.

Theo đó, Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 20/8/2019 đã thay đổi chính sách thu hút vốn FDI bằng mọi giá sang thu hút có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Trước đây, Việt Nam thiếu nhiều thứ, nên chúng ta cần thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam vừa để giúp người Việt có thêm công ăn việc làm, vừa tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhưng hiện nay, năng lực của các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được thị trường nội địa.

Thậm chí, chúng ta còn có một số doanh nghiệp lớn trên thị trường quốc tế. Vì vậy, Việt Nam không cần phải bất chấp thu hút vốn FDI như trước, thay vào đó chúng ta lựa chọn dòng vốn FDI chất lượng cao.

“Tôi cho rằng, trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn như hiện nay, sự tăng trưởng của dòng vốn FDI vẫn cho thấy các “ông lớn” đánh giá cao môi trường đầu tư thương mại tại Việt Nam, đây là một tín hiệu đáng mừng”, ông Mại chia sẻ.

Xét về toàn diện, Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút FDI từ hệ thống chính trị, tình hình an ninh ổn định; dân số Việt Nam hiện khoảng 100 triệu dân. Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia có Hiệp định Thương mại (FTA) thế hệ mới với hầu hết các “siêu cường” kinh tế, với tổng cộng 16 FTA.

Do đó, khi đầu tư sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa của các doanh nghiệp này nghiễm nhiên được hưởng các đặc quyền xuất xứ, được miễn giảm một số loại thuế, phí khi xuất khẩu sang các đối tác thương mại. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang đánh giá rất cao quyết tâm của Việt Nam trong việc cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm bớt các thủ tục rườm rà, sách nhiễu. Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm