Hiệp hội doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần cơ chế thực chất, cơ hội bình đẳng

DNVN - Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện phát triển thực chất, tháo gỡ rào cản để khối doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá, đóng góp nhiều hơn nữa.

Nghị quyết 68 'khơi thông xa lộ' cao tốc cho kinh tế tư nhân / Giới thiệu giống lúa, rau màu năng suất cao và ít sâu bệnh

Chia sẻ tại tại diễn đàn tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) ngày 8/7, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân cho biết, chiếm hơn 97% số lượng doanh nghiệp và đóng góp không dưới 20% GDP, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) từ lâu đã là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

“Với tỷ trọng chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, đóng góp khoảng 80% việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân và hơn 20% GDP, DNNVV xứng đáng được tạo nhiều cơ hội hơn nữa để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của quốc gia", Chủ tịch VINASME nhấn mạnh.

Một trong những kiến nghị quan trọng được ông Thân nêu ra tại diễn đàn là cần phân bổ ít nhất 30% tổng số dự án đầu tư công cho DNNVV tham gia. Theo ông, không thể để khu vực này mãi chỉ làm thuê cho các tập đoàn lớn mà cần có vai trò bình đẳng trong chuỗi giá trị và dự án công.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân.

Vấn đề tiếp cận vốn cũng được xem là nút thắt lớn. Ông Thân đề xuất cần có thêm các cơ chế tài chính trung gian như quỹ đầu tư thử nghiệm (sandbox) cho mô hình fintech, ngân hàng số… với lãi suất ưu đãi và thủ tục phê duyệt đơn giản hơn. Việc này không chỉ giúp DNNVV tiếp cận vốn hiệu quả hơn mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Nhấn mạnh yếu tố môi trường kinh doanh, Chủ tịch VINASME thẳng thắn đề nghị: “Cần mạnh tay xử lý tình trạng tham nhũng, lãng phí, và xóa bỏ cơ chế 'xin – cho' vốn vẫn đang tồn tại”. Đồng thời phải có cơ chế thưởng – phạt rõ ràng, minh bạch giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, thay vì mối quan hệ không bình đẳng như hiện nay.

“Khi môi trường kinh doanh được cải thiện thực chất, mục tiêu tăng trưởng hai con số là hoàn toàn khả thi”, ông Thân nói.

Liên quan đến vai trò của các hiệp hội, người đứng đầu VINASME cho rằng, hiện nay các hiệp hội đang hoạt động theo hình thức tự nguyện, thiếu cơ chế pháp lý cụ thể để thực hiện nhiệm vụ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp.

Do đó, Chủ tịch VINASME đề xuất nhà nước cần giao nhiệm vụ chính thức cho các hiệp hội bằng văn bản, để hiệp hội có thể tham gia phản biện chính sách và đối thoại bình đẳng với các cơ quan công quyền – một thông lệ phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm