Khởi nghiệp

'Hút' trí thức Việt kiều về nước: Cần đưa ra những bài toán hay và khó

DNVN - Các nhà trí thức, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng về nước chịu khổ, nhận lương thấp nhưng họ phải được làm những bài toán hay và khó. Những bài toán hay và khó này phải xuất phát từ Chính phủ, địa phương và các bộ ngành...

Dự án AWEEV: Tạo khác biệt từ mô hình kinh tế phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp / Hai startup Việt được AWS hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghệ trong chương trình 'triệu đô'

Thông tin được ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT nhấn mạnh tại hội thảo "Kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu" ngày 23/12 tại Hà Nội.

Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu (Global Mentoring Program for V-startups - GMPV) là chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ KH&CN và Bộ Ngoại giao, dựa trên hình thức cố vấn 1:1 giữa chuyên gia người Việt Nam trên toàn cầu với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn để giúp các doanh nghiệp này hoàn thiện công nghệ, mô hình kinh doanh, phát triển thị trường quốc tế.

Điểm thu hút của chương trình chính là những chuyên gia, mạng lưới tri thức kiều bào sẽ cung cấp tư duy và tầm nhìn về thị trường toàn cầu để các startup Việt có thể "go global". Các giải pháp, sản phẩm sáng tạo từ chương trình sẽ được giới thiệu hỗ trợ vốn từ hệ thống ngân hàng như VietinBank cùng kết nối để giải quyết các vấn đề của chính quyền địa phương thông qua chuỗi sự kiện TECHFEST hướng tới giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.


Ông Nguyễn Mạnh Đông - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao).

Ông Nguyễn Mạnh Đông - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, cộng đồng người Việt Nam nay đã đạt khoảng 6 triệu người, hiện diện tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, là cộng đồng trưởng thành, mạnh mẽ, có trình độ cao, ngày càng trẻ hóa, hiện diện trên hầu khắp các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, khoa học công nghệ, có tiếng nói, có ảnh hưởng ngày càng được nể trọng tại các xã hội sở tại.

Cộng đồng là bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực hết sức quan trọng của dân tộc Việt Nam. Đất nước và cộng đồng gắn kết, hòa quyện với nhau đem lại những cơ hội lớn nhằm nâng cao hơn nữa cơ đồ, vị thế của dân tộc.

Theo ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN), nhiều năm qua, Bộ Ngoại giao và Bộ KH&CN hai bộ đã triển khai nhiều chương trình Techfest, chương trình đưa ra sáng kiến để khai thác nguồn lực của trí thức kiều bào nước ngoài.

Đề án 844 cũng thí điểm triển khai chương trình tư vấn cố vấn khởi nghiệp toàn cầu, kết nối các startup Việt Nam với các mentor ở các trường đại học, trung tâm nghiên cứu ở nước ngoài, theo đó đã đạt được kết quả nhất định. Trong đó, lực lượng kiều bào, đặc biệt là nghiên cứu sinh, doanh nhân trẻ đã có nhiều đóng góp trong thành tựu kinh tế đất nước.

Tuy vậy, các dự án đầu tư cho startup chưa nhiều. Số lượng kiều bào về Việt Nam gắn với phát triển Techfest nhiều nhưng gắn với vườn ươm, các cơ sở giáo dục đào tạo chưa nhiều. Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, ứng dụng AI... là những điều Việt Nam đang muốn triển khai nhưng có thể kiều bào vẫn chưa nắm được mong muốn cụ thể của quê nhà.

Ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT đánh giá, việc kết nối với các chuyên gia hàng đầu người Việt trên toàn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông Tiến đề xuất Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNVNONN) làm cầu nối giúp doanh nghiệp tiếp cận mạng lưới chuyên gia này.


Ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT.

"Với mỗi chuyến ra nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các quốc gia hàng đầu thế giới như Mỹ, Đức hay Nhật Bản, Bộ Ngoại giao nên chủ động mời các nhân sĩ, các nhân tài Việt Nam đến gặp mặt, chia sẻ, đóng góp ý kiến. Đồng thời, cần đưa ra những bài toán lớn và khó trong nhiều lĩnh vực, trong đó có AI, bán dẫn từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương để thu hút các chuyên gia giỏi tham gia", ông Tiến gợi ý.

Theo lời kể của ông Tiến, ngày 8/12 vừa qua, ông có bài phát biểu tại Đại học Tokyo. Tại đây, ông đã gặp hàng loạt nhân sĩ, giáo sư, tiến sĩ người Việt tại Nhật Bản. Điều khiến ông ngạc nhiên là những người này đang nắm giữ những vị trí đứng đầu các dự án lớn của Nhật Bản.

Khi ông hỏi họ về ý định về Việt Nam sinh sống, họ lập tức hỏi ngược lại ông Tiến: "GDP tại Nhật đang gấp khoảng 15 - 20 lần của Việt Nam, thu nhập của tôi đang ở mức vượt trội so với bất kỳ chính sách nào ở Việt Nam. Tôi cũng có thể về nước chịu khổ một chút nhưng môi trường làm việc rất khác. Ở bên kia thường xuyên tức tiếp xúc với những đỉnh cao về công nghệ. Chúng tôi cũng đã từng về Việt Nam nhiều lần, được tiếp đón rất chu đáo nhưng không có những bài toán đủ hay và đủ khó".

Theo ông Tiến, những nhà khoa học hàng đầu sẵn sàng chịu khổ, sẵn sàng có thể nhận lương thấp thế nhưng họ phải được làm những bài toán hay và khó. Đây là một sự thách thức. Những bài toán hay và khó này phải xuất phát từ Chính phủ, các địa phương, các bộ ngành. Vai trò của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là kết nối mà thực sự là "bà đỡ".

Phó Chủ tịch hội đồng Trường Đại học FPT cũng khẳng định, cần khơi dậy tinh thần trách nhiệm và sứ mệnh với quê hương của đội ngũ trí thức ở nước ngoài. Việc tiếp cận họ cần hướng tới mục tiêu cụ thể, đưa ra những đề bài hay và khó thay vì chỉ là các hoạt động gặp gỡ, thăm hỏi mang tính hình thức.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần học tập Trung Quốc về cách trọng dụng nhân tài, khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc và trách nhiệm của trí thức, để thu hút nguồn lực từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cho các lĩnh vực trọng điểm như AI, chip bán dẫn và chuyển đổi xanh.

Để tiếp tục triển khai kết quả đạt được và vượt qua những hạn chế hiện nay, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông đề xuất tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa hơn nữa các hình thức kết nối mạng lưới chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

"Phải làm sao biến những nỗ lực kết nối này thành nhiều kết quả thực tiến hơn nữa, chúng ta không dừng ở mức sân chơi mà cần biến những hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng taoij thành thị trường, thương trường mới", ông Đông nhấn mạnh.

Đồng thời, việc liên kết các mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế cùng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, các chính sách hỗ trợ cho nhân tài và chuyên gia trong GMVP từ cơ sở dữ liệu toàn dân cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Có thể bạn quan tâm