Góc nhìn

Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam: Hàng không đang theo cơ chế độc quyền

DNVN - Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, các hãng hàng không, hay các khách sạn 5 sao, họ đều có những nguyên tắc riêng và có cơ chế độc quyền. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho các công ty lữ hành, khách du lịch trong đại dịch Covid-19.

Ông James Sơn - CEO BHD STAR: Trong khủng hoảng Covid-19 có cơ hội cho phim Việt tự tin ra rạp / CEO Asian Holding Nguyễn Văn Hậu: "Tài - Trí - Tâm - Tín - Đức" là nền tảng cho sự phát triển DN bền vững

Du lịch Việt Nam đang từng bước khắc phục những khó khăn và đang nhích từng bước từng bước chậm chạp ra khỏi "đám băng" do Covid-19. Tổng cục Du lịch mới khởi động chương trình kích cầu du lịch lần 2, nhưng bài toán kích cầu du lịch như thế nào đang rất cần có lời giải rõ ràng.

Qua hai đợt dịch Covid-19, rất nhiều khách du lịch đã phàn nàn, phản đối việc các hãng hàng không "om tiền" vé của khách do các chuyến bay bị hủy, hay khách chủ động xin hoàn vé do thực hiện phòng chống dịch bệnh theo yêu cầu của Chính phủ. Có nhiều khách hàng tới 3 tháng, thậm chí 6 tháng vẫn chưa nhận được tiền hoàn vé. Nhiều ý kiến cho rằng, rất khó có thể kêu gọi người dân ủng hộ kích cầu du lịch nếu như các hãng hàng không vẫn áp dụng các "chiêu trò" om tiền vé của khách như hiện nay.

Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam liên quan đến việc cần phải tháo gỡ những vướng mắc gì khi triển khai kích cầu du lịch lần hai.

Thưa ông, ngành du lịch vừa trải qua thời gian khá khó khăn, ông đánh giá tình hình du lịch hiện nay thế nào, và liệu khởi động lại kích cầu du lịch liệu có nhận được sự hưởng ứng nữa không thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Thọ: Việc khởi động lại các hoạt động du lịch và chương trình kích cầu du lịch nội địa là nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển, không để đứt gãy nền kinh tế, xã hội.Có rất nhiều giải pháp được đưa ra để kích cầu du lịch nội địa lần này, như ngoài linh hoạt về giá để hấp dẫn khách, cần tập trung vào chất lượng dịch vụ, sáng tạo các sản phẩm mới lạ hấp dẫn, liên minh liên kết...

Song yếu tố quan trọng vẫn là đảm bảo an toàn cho du khách. Vì thế, để thích ứng và vận hành tốt trong điều kiện hiện nay, các địa phương phải có quy trình, bộ hướng dẫn để đảm bảo an toàn cho du khách. Để kích cầu du lịch nội địa, vấn đề tiên quyết là giải được bài toán an toàn, mấu chốt để du lịch vận hành, thu hút du khách. Những tín hiệu tích cực từ thị trường đã được ghi nhận. Doanh nghiệp nên tập trung vào chất lượng dịch vụ. Du khách phải được phục vụ tốt, đưa ra sản phẩm mới nhất hoặc được làm lại mới nhất, đưa khách đến những nơi mới, chưa đến.. Tư duy cách mới, tiếp cận khách hàng theo cách mới, tiếp cận công nghệ mới để khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh…

Chiến lược kích cầu sắp tới, bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho du khách, các doanh nghiệp, địa phương cũng cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo hướng xây dựng sản phẩm đặc trưng. Tập trung đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế kịp thời các trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng; bố trí nhân lực đảm bảo điều kiện phục vụ khách du lịch tốt nhất. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng các dịch vụ tại đơn vị. Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, đồng thời hướng dẫn, nhắc nhở khách du lịch tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch; tuyên truyền giới thiệu sản phẩm du lịch của đơn vị và của tỉnh đến khách du lịch...

Bên cạnh đó, Ban Quản lý các khu, điểm du lịch triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm; bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Nhà nước.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Thưa ông, chúng ta đang nói đến vấn đề du lịch an toàn, xin ông nói rõ thế nào để đảm bảo tiêu chí du lịch an toàn?

Từ ngày 15/9, Việt Nam nối lại các đường bay quốc tế, khách quốc tế sẽ vào Việt Nam, ngành du lịch không chỉ hướng đến khách hàng nội địa mà còn hướng đến du khách nước ngoài trong đợt kích cầu này… Yếu tố an toàn là người cung ứng dịch vụ, môi trường cung cấp dịch vụ từ vận chuyển, hàng không, lưu trú, khu vui chơi giải trí… phải tuân thủ các quy định, quy trình an toàn phòng chống dịch bệnh. Khách du lịch có ý thức chủ động phòng dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Ngoài yếu tố an toàn, các sản phẩm cần hấp dẫn về giá do tính kết nối tốt, tạo ra nhiều sản phẩm bổ trợ, các tuyến du lịch với giá tốt; chất lượng và đa dạng về chương trình kích cầu chi tiêu của khách. Ngoài ra các dịch vụ cần hấp dẫn về chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt để du khách có thêm nhiều lựa chọn. Giai đoạn này cần kích cầu cần tập trung vào chất lượng, tăng trải nghiệm, từ đó tăng nhu cầu chi tiêu của khách…

Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ, song ngành du lịch phải tự nỗ lực, cần có sự vào cuộc của tất cả các bên để giải quyết khó khăn. Để hấp dẫn cần có gói sản phẩm mới. Giai đoạn trước có những sản phẩm tốt là nhờ liên minh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Toàn ngành cần tiếp tục phát huy, liên minh để cho ra đời sản phẩm hấp dẫn, linh hoạt, đảm bảo dịch vụ hoàn hủy, tạo sự an tâm, tự tin cho du khách trong thời điểm tới: Chương trình kích cầu du lịch sẽ kéo theo sự khởi sắc của ngành cuối năm 2020.

 

Chương trình kích cầu lần hai này, đảm bảo an toàn là trên hết. Bên cạnh an toàn cần có yếu tố hấp dẫn. Các địa phương chủ động, sáng tạo cùng nhau xây dựng gói kích cầu, chương trình du lịch hấp dẫn. Các phương tiện vận chuyển khách du lịch phải được vệ sinh khử khuẩn theo quy định. Lái xe và người trên xe phải đeo khẩu trang. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần tuân thủ nghiêm việc đo thân nhiệt cho khách, giãn cách chỗ ngồi, khuyến khích các cơ sở làm vách ngăn giữa các chỗ ngồi, nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ, sát khuẩn tay, lau rửa bề mặt các vật dụng thường xuyên tiếp xúc với khách.

Các khu, điểm tham quan du lịch phải chủ động phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị vận chuyển khách du lịch để điều phối các đoàn khách tham quan, tránh tập trung số lượng đông tại cùng một thời điểm, tuân thủ quy định về giãn cách, tổ chức đo kiểm tra thân nhiệt cho khách. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh cần chủ động phối hợp với các cơ sở y tế địa phương thực hiện cách ly theo đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với các cơ sở lưu trú, yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế trực tuyến khách lưu trú tại đơn vị và báo cáo hằng ngày với cơ quan chức năng để theo dõi…

Vậy ông đánh giá vai trò liên minh liên kết giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch hiện nay như thế nào?

Về để kích cầu du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt khai thác sản phẩm du lịch mới, các doanh nghiệp Hội viên của Câu lạc bộ đã hình thành và phát triển thành công nhiều nhóm như: Liên minh du lịch “Cảm xúc Hà Nội”, Liên mình Du lịch quốc tế (phối hợp Vietnam Airlines, Tổng cục Du lịch Nhật Bản, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc), Liên minh du lịch Trung quốc, Liên minh du lịch Indonesia – Bali, Liên minh du lịch Đài Loan; Liên minh du lịch châu Âu…..; Nhóm du lịch Tây Bắc và gần đây nhất là Liên Minh du lịch Tàu hỏa (phối hợp Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, hệ thống khách sạn Mường Thanh…); Liên minh Inbound Á – Âu.

Các chương trình liên kết được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp. Kết quả rõ nét nhất của sự hợp tác liên kết đã đưa thương hiệu du lịch, và các doanh nghiệp đến với du khách trong và ngoài nước. Nâng cao uy tín các doanh nghiệp với đối tác trong nước và quốc tế. Tạo lợi nhuận và giá trị gia tăng cho các đơn vị thành viên. Việc gắn kết, cùng phát triển du lịch giữa doanh nghiệp du lịch, và các địa phương có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt đẩy mạnh liên kết hợp tác, xúc tiến quảng bá mạnh mẽ trên nhiều phương tiện thông tin, đồng thời tìm hướng giải pháp phục hồi thị trường quốc tế.

 

Cùng với việc kêu gọi và định hướng các doanh nghiệp liên kết giảm giá đồng bộ, cam kết giữ nguyên chất lượng dịch vụ. Các nhà quản lý và tổ chức Hiệp hội, câu lạc bộ sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ phát triển và tổ chức các sản phẩm du lịch phù hợp xu thế thời kỳ mới, phát triển các sản phẩm du lịch ẩm thực, du lịch đêm, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp.

Thưa ông, để kích cầu du lịch thì ngành hàng không đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch. Trong dịch Covid-19, rất nhiều khách du lịch đã phàn nàn gặp khó khăn khi hoàn vé, thay đổi ngày bay do dịch Covid-19. Cụ thể là không chỉ khách lẻ, mà cả các công ty lữ hành đã bị hàng không om tiền vé 3 tháng, 6 tháng mà chưa thể lấy lại được tiền. Đây cũng là một trong những rào cản của kích cầu du lịch, vậy theo ông cần phải có sự liên kết giữa du lịch và hàng không thế nào để khách du lịch không cảm thấy lo lắng, bực bội khi họ gặp khó khăn liên quan đến dịch vụ hàng không?

Các hãng hàng không, hay các khách sạn 5 sao, họ đều có những nguyên tắc riêng và họ có cơ chế độc quyền. Nên các công ty lữ hành đã booking vé, lấy số lượng nhiều và chưa ghi tên có thể đổi ngày trong năm. Còn khách mua vé lẻ muốn thay đổi ngày bay, hoặc hoàn vé trong vòng 3 tháng và sau đó nếu không đi thì vé đó hủy. Hiện nay, đến 90% các hãng hàng không theo cơ chế dời ngày như vậy. Còn lại khoảng 10% vé có thể được hoàn vé, nhưng cơ chế hoàn vé là chỉ nhận lại khoảng 50% tiền hoàn thôi. Câu chuyện ở đây là các ông lớn hàng không đã có cơ chế độc quyền...

Xin cảm ơn ông!

Nhật Lệ (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm