Độc chiêu đón sóng hút tiền ngàn tỷ
Thị trường chứng khoán sôi động là thời điểm hàng loạt các DN lên kế hoạch tăng vốn. Thời buổi khó khăn nhưng các ông chủ đều có những độc chiêu để rút tiền tỷ từ túi các nhà đầu tư.
Ồ ạt tăng vốn
Công ty cổ phần Bất động sản Ninh Vân Bay (NVT) đang dự kiến kế hoạch phát hành riêng lẻ hơn 9,5 triệu cổ phần và phương án phát hành tối đa 230 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi để tăng vốn điều lệ lên trên 1.000 tỷ đồng.
Thông tin tăng vốn của các DN không gây ra sự ngạc nhiên đối với các nhà đầu tư bởi trước đó có quá nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để hút vốn đón đầu chu kỳ mới.
Yêu cầu đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại hàng trăm các DN trong thời gian khoảng một năm rưỡi tới có lẽ cũng là động lực khiến các ông chủ DN trên sàn chủ động đẩy nhanh các đợt hút vốn của mình.
Trước đó, Tập đoàn FLC (FLC) lên phương án phát hành hơn 154 triệu cổ phần theo tỷ lệ 1:1 (1 cổ phiếu được hưởng quyền mua 1 cổ phiếu mới). Theo kế hoạch, FLC sẽ hút từ thị trường hơn 1.500 tỷ đồng, tương đương với tổng giá trị giao dịch sàn chứng khoán TP.HCM trong một ngày, để tăng vốn điều lẹ lên trên 3.087 tỷ đồng.
Giới đầu tư cũng đã biết đến kế hoạch tăng vốn từ 900 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành 110 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, đối tác chiến lược và riêng lẻ của Địa ốc Hoàng Quân (HQC). Tổng số tiền thu về dự kiến khoảng 800 tỷ đồng sẽ được đầu tư một loạt các dự án.
Còn Địa ốc Đất Xanh (DXG) cũng dự tính phát hành 18,75 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 4:1 và 25,7 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược... để tăng vốn từ 750 tỷ đồng lên 1.250 tỷ đồng ngay trong quý III hoặc quý IV/2014 tới.
Gần đây, Gỗ Trường Thành (TTF) cũng vừa nhận được giấy phép phát hành hàng chục triệu cổ phiếu để cấn trừ nợ và huy động vốn. Vốn điều lệ theo đó sẽ tăng từ 735 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng.
Rất nhiều các doanh nghiệp cũng đã có kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn như Điện Lữ Gia LGC (phát hành 7,4 triệu cổ phiếu); TSC (phát hành 7,5 triệu cổ phiếu cho FIT), PPI (đã phát hành thêm 11 triệu cổ phiếu riêng lẻ); ASP(14,67 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược); Tập đoàn Thiên Quang ITQ (phát hành thêm 5 triệu cp cho cổ đông hiện hữu...
Trò chơi của ông lớn
Trong vài tháng qua, vài chục DN trên các sàn chứng khoán đã lên kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cho đối tác chiến lược, cho chủ nợ... để tăng vốn.
Theo đánh giá của các tổ chức tư vấn tài chính, đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu tăng vốn. TTCK đang khởi sắc trở lại, từ mức trên 500 điểm đã lên và đanh chinh phục ngưỡng 600 điểm. DN cần vốn để giải quyết nợ nần, phát triển các dự án dở dang, trong khi giới đầu tư có tiền lại đang bế tắc do hầu hết các kênh đầu tư khác không hấp dẫn.
Mặc dù vậy, để hút dòng tiền thành công từ các NĐT vốn rất thận trọng trong vài năm gần đây, các ông chủ doanh nghiệp rất vất vả trong việc chứng minh sự hấp dẫn của mình cũng như phải tung ra các độc chiêu.
Ngay trước thềm đại hội cổ đông cuối tháng 6 vừa qua nơi mà Địa ốc Hoàng Quân HQC thông qua kế hoạch phát hành 110 triệu cổ phiếu, chủ tịch kiêm TGĐ doanh nghiệp này đã chứng tỏ thiện chí lâu dài với công ty bằng việc đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu HQC. Doanh nghiệp này cũng cho biết, số tiền thu về dự kiến là 800 tỷ đồng sẽ đầu tư cho hàng loạt các dự án như: Chung cư Hồ Học Lãm là 300 tỷ, HQC Hóc Môn 300 tỷ, Chung cư Bình Trưng Đông 150 tỷ và An Phú Tây 50 tỷ.
Bên cạnh đó, các DN cũng phải trưng ra những kế hoạch hoành tráng hay các dự án lung linh để thuyết phuc nhà đầu tư.
Nhà đất Cotec (CLG) tăng vốn gấp đôi để đầu tư vào chuỗi bệnh viện Healthcare; FLC gây sốc với hàng loạt dự án như FLC Garden City, FLC Complex 36 Phạm Hùng, FLC Samson Golf Links tại Sầm Sơn (Thanh Hóa. Ninh Vân Bay giới thiệu ở hàng loạt các dự án du lịch như Six Senses Latitue Sài Gòn River, Six Senses Ninh Van Bay (Khánh Hòa) và Emeralda Ninh Bình (Ninh Bình)...
Ông chủ Gỗ Trường Thành cũng đích thân đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành cấn trừ nợ và hút thêm vốn của TTF. Lãnh đạo DN này cũng khẳng định về triển vọng phát triển trong thời gian tới khi các đơn hàng của đối tác đang ngày một tăng và công ty phải mở rộng quy mô đầu tư để đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu gỗ.
Có thể thấy, quyết định tăng vốn gần đây là lựa chọn được các DN cân nhắc kỹ càng với mục đích chủ yếu là đảm bảo chủ động về nguồn vốn triển khai dự án đạt được kế hoạch, tiến độ, để tái cấu trúc... Đây là nguồn vốn dài hạn, DN không chịu áp lực trả lãi và bị siết nợ như vay vốn ngân hàng.
Tuy nhiên, sự huy động dễ dàng nhưng sử dụng nhiều khi không hiệu quả, thậm chí đốt tiền của NĐT như trường hợp Dược Viễn Đông (DVD), Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA)... trong các năm trước đây khiến nhiều NĐT lo ngại.
Hiện tượng các ông chủ phải dùng độc chiêu và nỗ lực chứng minh sự hấp dẫn của các đợt phát hành là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nếu hiệu quả không được duy trì, phát hành chỉ là "in giấy lấy tiền", về lâu dài, nó sẽ là dao hai lưỡi cản trở sự phát triển của DN.
Theo VietnamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo